(Baonghean) - Đồng chí Nguyễn Hữu Nhị - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An.

P.V:Thưa đồng chí, phát triển nông nghiệp theo hướng xanh - sạch, an toàn, bền vững là mục tiêu đã và đang được các ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương hướng đến. Tuy nhiên, thời gian qua, vấn đề nổi lên là chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Một trong những nguyên nhân đầu tiên là từ khâu sản xuất của người nông dân. Để xảy ra thực trạng này có một phần trách nhiệm của cán bộ, hội viên Hội Nông dân, thưa đồng chí?
 
images1557011_2.jpgĐồng chí Nguyễn Hữu Nhị thăm quan mô hình trồng cam nông dân huyện Quỳ Hợp.
Đồng chí Nguyễn Hữu Nhị: Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã tăng cường chỉ đạo Hội Nông dân các cấp định hướng cho bà con nông dân tại các địa phương sản xuất những sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao, trong đó chú trọng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. 
 
Tuy nhiên, thực tế đại bộ phận nông dân vẫn quen với lối sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự do, chỉ chú trọng đến năng suất, sản lượng, chứ chưa quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi còn phổ biến.
 
Việc sản xuất, canh tác của bà con còn dựa quá nhiều vào các loại phân bón hoá học và lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng, chất bảo quản trong trồng trọt.
 
Bên cạnh đó thì các vấn đề trong chăn nuôi như sử dụng thuốc tăng trọng, chất thải, vệ sinh chuồng trại, việc khai thác, nuôi trồng thủy sản thiếu sự kiểm soát, ngày càng diễn biến theo chiều hướng phức tạp.
 
Đây cũng là một vấn đề đáng lo ngại khi tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đang ngày càng diễn biến một cách phức tạp, các cảnh báo sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ngày càng nhiều. Những điều này không chỉ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của bà con, mà còn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng và cộng đồng.
 
Vấn đề vi phạm ATVSTP của ngành Nông nghiệp xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn nhất là sự đầu tư về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, nhất là khoa học công nghệ cao chưa được quan tâm đúng mức; quy trình sản xuất lạc hậu, thói quen sử dụng thuốc trừ sâu có nguồn gốc hóa học còn cao, ý thức của người sản xuất còn kém, thêm vào đó là các chế tài xử lý chưa đồng bộ, thích đáng. 
 
Những tồn tại trên, trong đó có phần trách nhiệm của chúng tôi, nhất là vai trò của tổ chức hội các cấp còn mờ nhạt trong việc tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, sử dụng và cung cấp thực phẩm an toàn; cũng như tham gia phối hợp, liên kết sản xuất, kiểm soát ATTP chưa được quan tâm đúng mức.
 
P.V:Với cách sản xuất tự do như hiện nay, vô hình trung người nông dân đang tự “giết chết” sản phẩm của mình. Được biết, trước thực trạng mất an toàn thực phẩm đang “nóng” lên như giai đoạn hiện nay. Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết tuyên truyền vận động nông dân tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm an toàn. Vậy, đồng chí có thể cho biết mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết?
 
Đồng chí Nguyễn Hữu Nhị: Đã từ lâu, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được sự quan tâm đặc biệt của cả cộng đồng. Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, tạo ra các sản phẩm sạch chính là hướng phát triển hiệu quả, bền vững. 
 
Đầu tháng 5/2016, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết tuyên truyền vận động nông dân tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm an toàn.
 
Nghị quyết đề ra nhiệm vụ là đưa công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, hướng dẫn, cho cán bộ, hội viên về việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm. Đây là giải pháp cơ bản, trọng tâm, đi trước một bước trong các hoạt động, bảo đảm an toàn thực phẩm. 
 
Trồng rau cho thu nhập cao ở xã Tân Sơn (Quỳnh Lưu).
Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và đạo đức của mỗi người dân trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm. Đây là yếu tố nền tảng bảo đảm hiệu quả của công tác triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết. Mục tiêu của nghị quyết là tạo sự chuyển mạnh mẽ trong tư duy sản xuất của hội viên, nhằm tạo sản phẩm hàng hóa an toàn, có địa chỉ tin cậy cung cấp cho thị trường. 
 
Trong đó, Nghị quyết đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2016, các cấp hội xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền vận động về ATTP đến 100% cán bộ, hội viên, nông dân, làm chuyển biến cơ bản về nhận thức trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; có tác động rõ rệt tới việc cải thiện thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay.
 
Đến năm 2020, về cơ bản, việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trong hệ thống của tổ chức hội được thiết lập và phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người sản xuất và tiêu dùng. 
 
P.V:Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Hội Nông dân tỉnh cũng như các cấp hội sẽ chú trọng những giải pháp gì để việc triển khai Nghị quyết có hiệu quả, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Nguyễn Hữu Nhị:Trước hết, Hội Nông dân tỉnh sẽ triển khai phổ biến nghị quyết kịp thời trong cán bộ, hội viên. Để nghị quyết đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp hội chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai nghị quyết và phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch về vận động nông dân tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn, cơ sở.
 
Cùng với đó là việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục, bồi dưỡng kiến thức cho cho cán bộ, hội viên, nông dân về sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản, sử dụng và tiêu thụ thực phẩm an toàn. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và cách làm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm. 
 
Đồng thời, hội sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành, các doanh nghiệp, cá nhân liên quan triển khai kế hoạch thực hiện nghị quyết theo hướng: liên kết trong chỉ đạo điều hành, đầu tư hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình điểm; đẩy mạnh triển khai hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; phối hợp chỉ đạo xây dựng và từng bước hoàn thiện chuỗi sản xuất và tiêu thụ thực phẩm an toàn.
 
Trong đó, giải pháp hiệu quả chính là từng bước thay đổi phương thức sản xuất của bà con nông dân, khuyến khích bà con phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng nông sản của bà con.
 
Ngoài ra, cần xây dựng mô hình điểm để nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, tập quán, cách nghĩ, cách làm của nông dân, sau đó tiến tới tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, giống mới và công nghệ sau thu hoạch vào phát triển sản xuất an toàn công nghệ cao cho họ canh tác. 
 
Có thể khẳng định, trước nhu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, việc phát triển nền nông nghiệp sạch nhằm đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng là việc hết sức cần thiết và quan trọng.
 
Canh tác nông nghiệp sạch, không những giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đưa người nông dân tới gần hơn với nền sản xuất hiện đại, tạo nền tảng cho nông nghiệp phát triển, hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững.
 
P.V:Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Lê
(Thực hiện)