bna_5439529284_15112018.jpgTrung tâm Giáo dục và Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An có 26 giáo viên với hơn 250 học sinh, trong đó có 150 học sinh nội trú và 105 học sinh ngoại trú. Ảnh: Đức Anh
 
Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An có 9 lớp văn hóa và 13 lớp dạy nghề may, mộc, điện, vi tính văn phòng, thêu. Các em học sinh từ 13 tuổi trở lên, ngoài việc học văn hóa sẽ được học nghề. Mỗi học sinh ở trung tâm đều có một hoàn cảnh, một số phận đặc biệt vì vậy các thầy, cô giáo ở trung tâm cũng phải có phương pháp sư phạm đặc biệt để truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho các em học sinh. Ảnh: Đức Anh

Ở trường, các em được phân chia thành các lớp khác nhau, có lớp khuyết tật về vận động, lớp chậm trí tuệ... Để các em tiếp thu được kiến thức, kỹ năng về các môn học, các thầy, cô giáo ở trung tâm phải giành hơn 100% tâm huyết, tình cảm. Hầu hết các em khi mới vào học ở trung tâm đều chưa biết chữ, thậm chí chưa tự phục vụ được bản thân nhưng dần dần, các em được trang bị những kiến thức về văn hóa, âm nhạc, hội họa và cả định hướng học nghề. Trong ảnh, một em học sinh đang học vẽ tại sân trường. Ảnh: Đức Anh.
Nghề may được nhiều em học sinh lựa chọn. Kết thúc khóa học may cơ bản, các em được chuyển qua lớp may dự án. Ở lớp này, các em được may theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, số tiền thu từ các đơn đặt hàng đó, nhà trường sẽ trả hết cho các em học sinh. Ảnh: Đức Anh
Hằng năm trung tâm phối hợp với nhiều doanh nghiệp tiếp nhận các em học sinh vào làm việc. Trong những năm qua, đã có hàng trăm lượt học sinh khuyết tật trở thành những công nhân lành nghề, có việc làm, có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống. Ảnh: Đức Anh
Thầy Thái Khắc Minh - giáo viên dạy điện chia sẻ: "Những ngày mới vào trường còn nhiều bỡ ngỡ, việc phải giao tiếp với các em học sinh khiếm thính rất khó khăn, tôi phải tự mình học thêm giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp được với các em. Hiện tại, khi đã giao tiếp tốt thì càng thấy yêu nghề, yêu học trò của mình hơn". Ảnh Đức Anh
Việc truyền nghề cho các em học sinh khuyết tật khó khăn hơn các em bình thường. Với các em bình thường chỉ cần 3 tháng nhưng đối với các em khuyết tật phải mất hàng năm các em mới có thể thành thạo được nghề. Nhưng không vì thế mà các thầy, cô ở đây nản chí mà càng phải quyết tâm dạy bảo các em hơn để khi ra trường các em có thể tự nuôi sống được bản thân. Ảnh: Đức Anh
Tất cả 26 giáo viên khi gắn bó với trung tâm đều phải trải qua các lớp đào tạo giao tiếp chuyên biệt, phải làm quen với ngôn ngữ ký hiệu. Sau những giờ lên lớp, các thầy, cô giáo lại trở thành những người mẹ hiền, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho những em học sinh đặc biệt. . Ảnh: Đức Anh
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang cận kề. Các em học sinh ở những lớp học đặc biệt đang tập luyện văn nghệ để chào mừng. Năm nào cũng vậy, lễ kỷ niệm ngày 20/11 ở trung tâm đều là một ngày hết sức đặc biệt. Bài hát Quốc ca và nhiều tiết mục văn nghệ của các em khiếm thị, khiếm thính là những bài hát bằng tay khiến thầy cô giáo không cầm được nước mắt. "Ở ngôi trường đặc biệt này, ngôn ngữ ký hiệu là chủ yếu. Mọi việc ở trường đều diễn ra âm thầm, lặng lẽ, nhiều khi các em phải hát bằng tay nhưng ở đây luôn tràn ngập tình yêu thương, sự sẻ chia và cả sự hi sinh. Chúng tôi luôn tự hào vì mình là những người cha, người mẹ hiền của hàng trăm đứa con đặc biệt", một giáo viên ở trung tâm tâm sự. Ảnh: Đức Anh