(Baonghean.vn) - Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, khắp các ngả đường của Thị trấn nhỏ Hòa Bình (Tương Dương) dòng người tất bật qua lại, những đóa hoa tươi được bày bán khắp nơi. Lẫn trong đám đông ấy, mế vội vàng bước đi với bế hàng rong nặng trĩu trên lưng.

Tôi nhớ có lần ngồi trong căn bếp đầy khói của một người mẹ ở bản Thạch Dương (xã Thạch Giám). Tôi có hỏi: “Ngày 8/3 chắc mế vui lắm nhỉ?”. Mế không trả lời, ánh mắt nhìn xa xăm. Bao nỗi lo toan vất vả của cuộc sống thường ngày hiện lên trong đôi mắt mế. Mế nhìn vào cái bế chất đầy lúa vừa mới gùi từ rẫy về ban chiều như để nói lên với chúng tôi rằng: 8/3 của mế là ở đấy. Khi hạt lúa trên nương đã bắt đầu bén rễ, rẫy ngô đã bắt đầu vào mùa thu hoạch mế không thể nào bỏ ra để chung vui như lớp trẻ được nữa.

Cách Thị trấn Hòa Bình không xa, những bản nhỏ của người Thái ở xã Thạch Giám cũng rộn ràng tiếng loa. Mấy chị em phụ nữ bản Phòng đang hát những điệu nhuôn, điệu khắp, điệu xuối mừng ngày lễ 8/3. Tiếng cồng chiêng vang lên trong đêm càng làm cho không khí ấm áp biết nhường nào. Mế Lương Thị Lợi và một số người già trong bản cũng ngồi đấy, tận tình chỉ bảo cho lớp trẻ các tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc người Thái. Có lẽ với mế, chỉ những đêm như thế này mới thực sự mang lại niềm vui cho mế khi ngày lễ sắp đến gần. Phải chăng, cứ đến dịp này mế mới được sống lại cái khoảnh khắc của những tháng ngày son trẻ.

images1476995_m_t_ng_y_v_i_chuy_n_h_ng_rong_c_a_m__vi_th__may.jpgTuy đã già nhưng mế Lương Thị Lợi (bản Phòng - Thạch Giám - Tương Dương) vẫn sớm hôm tất bật với những chuyến hàng rong

 Đêm đã về khuya, tiếng nhạc nhỏ dần rồi ai về nhà nấy. Mế lại tất tả trở về với bao lo toan của cuộc sống thường ngày. Sau những đêm như thế này mế lại về chuẩn bị cho bế hàng rong của buổi sáng mai. Trước lúc đi tập văn nghệ cho các con, các cháu mế đã kịp tranh thủ ra vườn hái mấy bó rau bỏ vào bế. Những bó rau được buộc lại cẩn thận, bó nào bó nấy đều tăm tắp.

Mế bảo: “Làm như thế người mua rau cũng đỡ phải chọn”. Buổi chiều trước đó, mế hồ hởi dẫn chúng tôi ra vườn khoe mấy luống rau sạch mà mế trồng được. Những luống rau xanh mởn trong mưa xuân đang vươn lên trong niềm vui của mế. “Tuổi mế già rồi, cái chân không leo rẫy được như trước nữa, phải làm mấy luống rau này để kiếm cái ăn thôi”. Hai người con của mế đi rẫy cả ngày cũng mang về cho mế mấy chùm “mạc khén” (một loại tiêu rừng) để mế bỏ thêm vào bế cho chuyến hàng sáng mai.

Một ngày của mế bắt đầu từ 4 giờ sáng. Khi con gà rừng cất tiếng gáy báo hiệu một ngày mới bắt đầu, bản làng đang chìm trong sương mù dày đặc thì mế May thức dậy kiểm lại bế hàng rong của mình. Sợ những bó rau qua đêm không còn tươi mế lại lần ra vòi nước tưới lại lần nữa. Tất tả bước ra bước vào, mế ăn vội nắm xôi lót dạ rồi khoác bế lên đường ra thị trấn Hòa Bình khi vừa rõ mặt người.

Những người phụ nữ như mế ít khi có khái niệm ngày 8/3.

 Thị trấn nhỏ phố núi mấy hôm nay vui nhộn hơn thường lệ. Mới sáng sớm những dãy hoa tươi đã được bày bán khắp nơi trên các vỉa hè và trong các cửa hàng. Thỉnh thoảng một vài cô cậu thanh niên đi xe dừng lại bên hàng hoa vừa ngắm vừa chọn cho mình những bông hoa đẹp nhất. Trên sân vận động văn hóa huyện Tương Dương, các đội bóng nữ của các xã đang đổ về thi đấu giải bóng chuyền 8/3. Tất cả những điều ấy lọt vào mắt mế. Mế chợt thấy vui vui, cũng muốn nán lại để xem nhưng chuyến hàng sau lưng còn nặng nên mế lại bước đi. Mế bảo: “Cái đó chỉ dành cho lớp trẻ thôi, mế già rồi còn gì. Chỉ mong bán nhanh hết hàng để về là vui lắm rồi”. Nghe mế nói thế, khóe mắt tôi lại rưng rưng. Niềm vui ngày 8/3 của mế chỉ đơn giản thế thôi ư?

Chuyến hàng của mế kéo dài từ bản Phồng đến hết thị trấn Hòa Bình rồi lại vòng đi vòng lại như thế đến non trưa. Thỉnh thoảng mế ngồi lại bên đường cho đôi chân được nghỉ ngơi. Một số người cũng đi bán rong như mế nhưng họ còn trẻ, biết đi xe đạp nên đỡ mệt hơn. Tôi hỏi mế May: “Sao mế không vào trong chợ mà bán lại đi bán hàng rong như thế này cho mệt?” Miệng nhỏm nhẻm nhai trầu, mế cười: “Hàng có ra chi mà vào chợ hả con. Mấy bó rau ở vườn, mấy chùm mạc khén này thì đi bán ngoài đường nhanh hơn. Vào chợ mất tiền phí nữa thì lấy chi mà ăn. Vả lại, mế đi quen rồi giờ ngồi một chỗ khó chịu lắm”. Những lời trần tình của mế khiến chúng tôi cảm thấy mủi lòng biết mấy.

Khi mặt trời đã đứng bóng cũng là lúc cái bế của mế đã hết hàng. Mế lại tất tả bước về để chuẩn bị bữa trưa cho gia đình và tranh thủ làm chuẩn bị cho chuyến hàng rong chiều nay. Một ngày của mế kết thúc như vậy. Tôi hỏi mế May: “Thế ngày 8/3 ở bản có tổ chức gì cho mế không?” Mế cười, cái cười xa xăm: “Cũng có năm bản mời chị em đến rồi ngồi uống nước ăn kẹo cho vui nhưng nhiều lúc mế chẳng tham gia được. Mình già rồi, để vui lại cho lớp trẻ vậy. Những người như mế dịp này được xem con cháu nhảy sạp, hát nhuôn là vui rồi”.

Hình ảnh quen thuộc trên phố núi.

 Chúng tôi chia tay mế Lương Thị Lợi khi tiếng nhạc trên loa phát thanh vẫn đang vang lên những ca khúc mừng ngày Quốc tế phụ nữ. Mế lại tất bật với chuyến hàng rong của mình. Bao nỗi lo toan vẫn còn hằn trên gương mặt nhưng đâu đó trong đôi mắt mế vẫn ánh lên một niềm vui khi ngày lễ đến gần…

Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN