Mỹ, Nga và Trung Quốc được xem là những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới khi đề cập đến sức mạnh quân sự, và Mỹ chẳng cần bàn cãi đang nắm giữ vị trí số 1. Kể cả vậy, Nga vẫn còn nhiều mũi tên trong ống, mà đáng chú ý nhất phải kể đến kho vũ khí hạt nhân khổng lồ gồm khoảng 1.550 đầu đạn hạt nhân được triển khai.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích quân sự Nga Aleksandr Golts, không nói đến vũ khí hạt nhân, thì Mỹ lại có lợi thế áp đảo về các lực lượng thông thường, bao gồm lực lượng không quân và hải quân hùng hậu hơn.
Theo Golts, Trung Quốc cũng có lợi thế về quân số khi so sánh các lực lượng thông thường với Nga. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực khác, mọi thứ lại không thật rõ ràng.
“Không quân Nga hiện mạnh hơn của Trung Quốc nhiều”, ông nói với DW. “Về hải quân thì còn là dấu hỏi, bởi Trung Quốc đang tiến hành một chương trình đóng tàu hết sức tham vọng và họ thành công hơn trong việc xây dựng một hạm đội Hải quân xanh (toàn cầu) so với Nga”.
Golts chia sẻ thêm, dù tàu chiến của Nga đã cũ, song chúng thường được trang bị tên lửa hành trình tối tân.
Tuy nhiên, vị chuyên gia quân sự này cảnh báo rằng việc phân cấp bậc các quốc gia theo sức mạnh quân sự “ít nhiều đều vô ích” bởi tính hiệu quả của các lực lượng vũ trang còn phụ thuộc vào mục tiêu mà giới lãnh đạo của quốc gia ấy đặt ra.
“Không phải lúc nào cũng biết mục tiêu là đâu”
Quan điểm này được nhà báo Nga kiêm chuyên gia phân tích quân sự Pavel Felgenhauer phản ánh. Ông cảnh báo rằng các xung đột trong đời thực phụ thuộc vào nhiều biến số khác nhau, bao gồm cả địa lý và dân tộc liên quan.
Ông nói với DW: “Nó giống như dự đoán kết quả một trận bóng đá: Đúng là về cơ bản thì Brazil hẳn sẽ thắng Mỹ khi đá bóng, nhưng tôi từng thấy người Mỹ đánh bại Brazil ở Nam Phi, tại Cúp Liên đoàn các châu lục. Người ta sẽ không bao giờ biết được kết quả cho tới khi kết thúc trận đấu”.
Felgenhauer lưu ý rằng Nga còn thiếu thốn trong các lĩnh vực công nghệ quân sự hiện đại, bao gồm thiết kế và sản xuất máy bay không người lái, linh kiện điện tử, cũng như do thám bằng ra đa và vệ tinh. Chẳng hạn, Nga hiện đang sản xuất máy bay giám sát không người lái theo giấy phép của Israel, và nước này hoàn toàn chưa có năng lực về thiết bị bay tấn công không người lái.
Nga cũng đang nỗ lực hiện đại hóa các trung tâm chỉ huy và điều khiển, phục vụ xử lý thông tin từ chiến trường và cung cấp chúng cho quân đội.
Felgenhauer nói: “Đó là điều quân đội Nga đang nói đến: Vâng, chúng tôi có vũ khí bao gồm vũ khí tầm xa, nhưng năng lực do thám của chúng tôi kém hơn năng lực tấn công. Vì thế chúng tôi sở hữu vũ khí tầm xa, đôi khi còn được dẫn đường chính xác, nhưng chúng tôi không phải lúc nào cũng biết mục tiêu nằm ở đâu”.
Không còn vệ tinh của Đức và Pháp
Theo chuyên gia phân tích trên, những vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014. Trong những năm trước khi nổ ra giao tranh với phương Tây, Moskva đã chi ít nhất 500 triệu USD tại Mỹ để mua các mặt hàng được gọi là “sử dụng kép”, có thể sử dụng cho mục đích quân sự lẫn dân sự.
Felgenhauer nói: “Đó là các linh kiện điện tử cho vũ khí và vệ tinh của Nga, nhiều loại thép và thủy tinh đặc biệt khác nhau”.
Tương tự, “Đức và Pháp khi ấy cũng sản xuất các vệ tinh mục đích kép, trong đó cơ bản là vệ tinh quân sự, vệ tinh do thám cho Nga. Và tất cả những việc kiểu này đều đã chấm dứt”.
Vũ khí tốt thời Xôviết
Theo các chuyên gia, đối mặt với lệnh cấm vận của phương Tây, Nga cũng đang tìm cách phát triển các thiết bị bay không người lái của riêng mình và thu hẹp khoảng cách công nghệ trong các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, Liên Xô tan rã khiến Moskva không những yếu hơn về phương diện lãnh thổ và quân số, mà còn cả phương diện các nhà cung cấp quân sự.
Aleksandr Golts nói: “Liên Xô có một nền kinh tế kém khôn ngoan, nhưng ít ra lại rất lô gích. Nó chẳng liên quan gì tới kinh tế thị trường, nhưng mục tiêu chính đối với bất kỳ doanh nghiệp nào trên lãnh thổ Xôviết, dù hướng đến lĩnh vực quân sự hay dân sự, đều sẵn sàng sản xuất hàng hóa và thiết bị cho quân đội trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Sau khi Liên Xô tan rã, những hệ thống này cũng biến mất”.
Tuy nhiên, di sản của Liên Xô vẫn còn hiện diện rất nhiều trong quân đội Nga hiện đại, bởi nhiều hệ thống tối tân của họ là “sự phát triển các hệ thống cũ nhưng tốt thời Xôviết và hiện đại hóa kiểu công nghệ đó”, Golts cho biết.
Một vũ khí kiểu vậy là máy bay chiến đấu có tuổi đời nhiều thập kỷ Su-25, được thiết kế nhằm hỗ trợ quân đội trên thực địa. Nga mới đây đã thông báo rằng phiên bản mới nhất của loại máy bay này đã được đưa vào sản xuất.
Ông Golts nói với DW: “Chiếc máy bay này rất nổi tiếng đối với những ai từng tham gia cuộc chiến Afghanistan những năm 1980, chẳng hạn như tôi. Nhưng, các nhà thiết kế lại khẳng định nó chỉ có ngoại hình giống Su-25 cũ, còn tất cả hệ thống điện tử hoàn toàn hiện đại… và nó đã chứng tỏ hiệu quả trong cuộc chiến Syria”.
20.000 xe tăng
Ngoài kho hạt nhân, còn một lĩnh vực khác mà Nga rõ ràng ở vị trí số 1. Mới đây, Điện Kremlin tuyên bố rằng Nga sở hữu nhiều xe tăng hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Felgenhauer lưu ý: “Một cách không chính thức thì tôi từng nhìn thấy số liệu lên đến 20.000, đồng nghĩa với việc Nga sở hữu nhiều xe tăng hơn tất cả các nước thành viên NATO cộng lại”.
Hầu hết các cường quốc châu Âu đã giảm năng lực xe tăng sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, thay vào đó tập trung vào các cuộc xung đột với các băng nhóm khủng bố và du kích. Điều này, theo Felgenhauer, đặt họ vào thế bất lợi lớn trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên thực địa tại Âu.
Ông cho hay: “Đức hiện chỉ còn 300 xe tăng. Còn Anh, tôi cho rằng chỉ 250, và Pháp cũng khoảng chừng đó”.
Nếu xảy ra chiến tranh trên toàn châu Âu, theo Felgenhauer, Nga cũng nắm giữ lợi thế về hậu cần so với phương Tây. Trong khi NATO sẽ cần tới hàng tháng trời để huy động tổng lực, thì Nga đủ khả năng tăng quân tiếp viện trong khung thời gian hạn hẹp hơn./.