(Baonghean.vn) - "Sân nào không đủ số lượng khán giả đến cổ vũ cho trận đấu, có thể đưa trận đấu đó đá ở sân trung lập để người dân có thể đến xem và cổ vũ cho đội bóng nào họ thích".

- Thưa ông, đến thời điểm này, ông đánh giá như thế nào về giai đoạn 1 của V.League 2017?

images1878280_bac_thanh_vinh_3.jpgCựu HLV Nguyễn Thành Vinh không còn xa lạ gì với các trận đấu tại V.League trong thời kỳ bao cấp lẫn bây giờ. Ảnh: Trung Kiên

Năm nay, giai đoạn đầu V.League chia làm 2 top rất là rõ chứ không phải là 3 top. Theo quy luật, Long An có nguy cơ xuống hạng nhiều nhất. CLB TP HCM mới lên hạng mà đã như vậy là quá tốt. Thực sự là những HLV ngoại đang thổi một luồng gió mới vào giải đấu.

Về công tác tổ chức giải đấu, hay khâu trọng tài, nói họ tiêu cực thì không có chứng cứ nhưng nếu những sai sót của họ xuất phát từ trình độ. Mà đã do chuyên môn, theo tôi thì chúng ta phải loại họ khỏi cuộc chơi này.

Các cầu thủ chơi bóng chuyên nghiệp, trình độ cũng ngày một khá lên. Tuy nhiên, trọng tài không theo kịp nó sẽ kìm hãm chất lượng, sự phát triển của V.League. Các trọng tài đang giết chết bóng đá từ những tình huống việt vị hoặc không việt vị. Nhìn chung, điều đáng buồn nhất là V.League mất dần niềm tin nơi người hâm mộ.

- Vâng! Ở Top đầu, các đội bóng đang gây sức ép lên nhau, ông nhận định như thế nào về cuộc đua vô địch năm nay?

Theo tôi đội nắm lợi thế trong cuộc đua vô địch vẫn là FLC Thanh Hóa. Tôi đánh giá rất cao vai trò của HLV Petrovic, ông ấy đang làm rất hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không cải thiện được sức bền về thể lực, đội bóng xứ Thanh không thể duy trì được lợi thế này và bị Hà Nội bỏ lại vì đội bóng thủ đô có được sức trẻ. Còn các đội bóng khác như Đà Nẵng, Quảng Nam... Tôi không nghĩ rằng họ vượt trội hơn 2 đội bóng này.

- Đúng là V.League đang ngày trở nên heo hút, ngay cả những sân vốn là “chảo lửa” như sân Bình Dương, sân Vinh... Theo ông, đâu là hướng đi cho vấn đề này?

Không có nhiều trận đấu được các CĐV đội khách lấp đầy khán đài như trận SLNA làm khách tại Hàng Đẫy. Ảnh: Trung Kiên

Có những trận khán giả rất đông, cũng có những trận khán giả chỉ vài nghìn. Theo tôi, trường hợp sân nào không đủ số lượng khán giả đến sân cổ vũ cho trận đấu, có thể đưa trận đấu đó đá ở sân trung lập. Ở đó, người dân có thể đến xem và cổ vũ cho đội bóng nào họ thích một cách vô tư. 

Thống kê của VPF, số lượng khán giả đến sân xem V.League thực sự là một thất bại của BTC giải.

Ngoại trừ các sân như: Thanh Hóa, Cẩm Phả, Lạch Tray và những trận đấu có sự góp mặt của Hội CĐV SLNA và Hội CĐV Thanh Hóa ở các địa phương, các trận đấu trên sân Bình Dương, Long An, Tam Kỳ... hay Hàng Đẫy chỉ diễn ra với số lượng người xem từ 1.000 - 2.000 người. Thậm chí sân Vinh cũng có nhiều thời điểm khán giả chi đạt 4.000 người.

Giống như giải A1 trước đây, không phải đá sân nhà, sân khách, lượt đi, lượt về như bây giờ. Bây giờ một trận đấu diễn ra mà không có khán giả, có chăng cũng chỉ lưa thưa mà vẫn áp dụng đá sân nhà sân khách thì đó không phải là bóng đá phục vụ người dân nữa.

Mà một khi khán giả đã không đến các sân bóng như Hàng Đẫy, Thống Nhất, Gò Đậu... xem chẳng hạn thì tại sao không đưa các trận đấu đó diễn ra ở một địa phương nào đấy có nhu cầu thưởng thức bóng đá, miễn là đảm bảo cơ sơ vật chất để tổ chức 1 trận đấu chuyên nghiệp.

Hơn nữa, đá giữa một cái sân bóng mà không có khán giả, tinh thần của cầu thủ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Khán giả chỉ đến xem cho có, thì đó còn gây ra sự lãng phí. Tôi tin rằng nếu kéo các trận đấu đó về các sân khác, khán giả sẽ đông gấp bội. Vì nhiều nơi ở Việt Nam người dân vẫn thiếu đời sống văn hóa, tinh thần. Khán giả đông, còn là cách tăng thêm nguồn thu nhập cho các cầu thủ. Họ cũng thi đấu một cách hưng phấn hơn khi được phục vụ người xem.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Trung Kiên

TIN LIÊN QUAN