Đại Tá Makar Aksenenko - Phó tiến sĩ quân sự kiêm phi công thử nghiệm của Nga vừa nêu ý kiến liên quan đến triển vọng xuất khẩu Su-30M2 cho Việt Nam.
 
Liên quan đến khả năng Việt Nam có thể tính tới phương án xem xét đề nghị phía Nga bán lại cho 1 chiếc tiêm kích đa năng Su-30M2 thuộc lô hàng 4 chiếc bị cắt giảm số lượng theo hợp đồng vào năm 2009 để bù đắp số lượng thiếu hụt cho Trung đoàn Không quân 927, thay thế cho chiếc Su-30MK2 số hiệu 8585 gặp nạn vào năm ngoái, hãng thông tấn Sputnik đã có cuộc phỏng vấn ông Aksenenko.
 
Theo lời vị chuyên gia quân sự Nga: "Cá nhân tôi không thấy vấn đề trong việc xuất khẩu Su-30M2 cho Việt Nam - một quốc gia thân thiện với Nga và là đối tác lâu năm của Nga trong sự hợp tác quân sự - kỹ thuật (tất nhiên, tùy thuộc vào một số điều kiện nhất định). 
 
Tuy nhiên, việc mua chỉ có một Su-30M2 sẽ không gia tăng mức độ sẵn sàng chiến đấu của Không quân Việt Nam. 
 
Ngược lại, điều đó thậm chí có thể tạo ra một số vấn đề, bởi vì trong thành phần  một đơn vị không quân sẽ có những máy bay về bề ngoài giống nhau, nhưng khác nhau về trang bị kỹ thuật và tính năng kỹ chiến thuật. 
 
Việc vận hành các loại máy bay khác nhau luôn đòi hỏi phải có chi phí và nguồn nhân lực bổ sung. 
 
Theo tôi, phương án hợp lý hơn là mua lô máy bay chiến đấu, ít nhất để thành lập một phi đội trong biên chế Không quân, với triển vọng gia tăng số lượng máy bay để thành lập một trung đoàn. Phương án này là thuận lợi cả về kinh tế và về mặt phát triển Không quân Việt Nam".
 
Ông còn cho biết thêm: "Những kinh nghiệm vận hành phi cơ chiến đấu dòng Su-30 cho thấy rằng, cần phải hiện đại hóa hệ thống điện tử cũng như trang bị cho máy bay này động cơ có lực đẩy lớn hơn, kể cả động cơ kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều. 
 
Điều này đã làm tăng khả năng chiến đấu của máy bay để đáp ứng với yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Tức là Nga hiện đại hóa các máy bay chiến đấu có tính đến những kinh nghiệm khai thác sử dụng trên chiến trường, những nhận xét của các phi công cũng như các yêu cầu đối với phi cơ chiến đấu thế hệ 4 ++".
 
images2016372_su30m2_29039130.jpgTiêm kích Su-30M2 số hiệu 20 'Đỏ' của Không quân Nga
Ý kiến của Đại Tá Makar Aksenenko cũng không phải không có lý, tuy nhiên với phẩm chất thông minh, cần cù và sáng tạo của mình, các cán bộ kỹ thuật của Không quân Việt Nam đã làm được những việc khá phi thường.
 
Cụ thể là giai đoạn từ 2004 - 2010, Trung đoàn Không quân 935 - Đơn vị được trang bị tốt nhất của Quân chủng đã vận hành cả 3 dòng chiến đấu cơ thuộc họ Flanker là Su-27SK, Su-27UBK và Su-30MK2 (4 chiếc đầu tiên thuộc lô giao hàng năm 2004).
 
Chính vì vậy, nếu được trang bị 1 chiếc Su-30M2 duy nhất thì đó cũng không là vấn đề với Việt Nam, do hai dòng tiêm kích Su-30MK2 và Su-30M2 không thể có sự khác biệt lớn đến mức như Su-27 và Su-30 mà Việt Nam từng đưa chung vào biên chế một đơn vị.
 
Dĩ nhiên đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời nhằm cấp tốc bù đắp số lượng, về lâu về dài chúng ta cũng lưu ý lời khuyên của Đại Tá Makar Aksenenko là trang bị hẳn 1 trung đoàn tiêm kích thế hệ mới như Su-30SM hay Su-35S để tăng cường sức mạnh và tạo sự đồng bộ, thống nhất.
 
Theo Baodatviet