(Baonghean) - Với đặc thù huyện rẻo cao biên giới, công tác giáo dục trên địa bàn Quế Phong gặp nhiều khó khăn. Vì vậy huyện đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện giai đoạn 2015 - 2020” và bước đầu triển khai tạo chuyển biến rõ nét.
Thực hiện đề án, UBND huyện Quế Phong đã xây dựng các giải pháp thiết thực: Đổi mới công tác quản lý giáo dục; quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên; tăng cường hệ thống cơ sở vật chất; tích cực đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia; tăng cường công tác xây dựng Đảng trong nhà trường và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.
UBND huyện giao trách nhiệm cụ thể cho các phòng, ban, các đoàn thể, chính quyền các xã, thị trấn và các trường học, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ. Tổng kinh phí để thực hiện đề án lên tới 157,13 tỷ đồng, được huy động từ các chương trình, dự án hỗ trợ trên địa bàn toàn huyện.
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện đề án, chất lượng giáo dục ở Quế Phong bước đầu có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt. Ngay năm học đầu tiên, tỷ lệ giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh đạt mức khá cao.
Cụ thể, có 251 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 21 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Về học sinh, có 164 em lớp 9 đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, 273 em được công nhận học sinh giỏi huyện môn Giáo dục thể chất, 31 em học sinh giỏi cấp tỉnh.
Đặc biệt, ở cấp THPT có 1 giải Nhì toàn quốc cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn, 10 lượt học sinh giỏi cấp tỉnh, 2 giải Ba sáng tạo khoa học - kỹ thuật và sáng tạo khoa học - công nghệ cấp sở, học sinh tốt nghiệp đạt 98%.
Hiện tại, toàn huyện có 25 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có những trường ở địa bàn xã vùng biên giới và vùng sâu, vùng xa. Với nỗ lực kiên cố hóa trường lớp, các trường đã xây dựng mới 36 phòng học, nâng số phòng học kiên cố lên 514.
Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, được nhân dân tích cực ủng hộ. Nhờ đó, xây dựng được 17 phòng học lắp ghép tại Trường Tiểu học Tri Lễ 4 và 3 phòng tại điểm trường Huồi Máy (xã Cắm Muộn), giúp thầy và trò yên tâm dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy vậy, việc triển khai Đề án vẫn còn gặp những hạn chế, khó khăn. Đó là quy mô trường lớp nhỏ lẻ, phần lớn các trường đều có nhiều điểm lẻ, nhiều lớp ghép nên việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gặp khó khăn và có phần lãng phí.
Tỷ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh chưa nhiều, chất lượng giáo dục ở các địa bàn đặc biệt khó khăn chuyển biến còn chậm, tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn diễn ra. Năng lực của một số giáo viên còn hạn chế, nhất là số giáo viên cử tuyển và đào tạo cấp tốc.
Hệ thống cơ sở vật chất trường học thiếu đồng bộ, phòng học tạm bợ và bị xuống cấp còn nhiều; phòng công vụ, phòng chức năng, các công trình phục vụ và trang thiết bị dạy học còn thiếu...
Qua trao đổi, bà Trương Thị Tuyết Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Để hoàn thành mục tiêu Đề án, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, giảm các điểm trường lẻ và lớp ghép. Tập trung xây dựng cơ sở vật chất, nhà bán trú cho học sinh, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình...”.
Công Khang