(Baonghean)- Chủ trương về chuyển đổi ruộng đất không phải đến hôm nay Yên Thành mới thực hiện, có điều trong mỗi thời kỳ, cách làm và bước đi khác nhau. Song mục tiêu chính là làm cho ruộng đồng đẹp hơn, người nông dân có lợi hơn.
Yên Thành là huyện thuần nông, có diện tích đất sản xuất lúa nước nhiều nhất tỉnh, với hơn 13 nghìn ha. Song vì dân số đông (gần 28 vạn dân) nên bình quân diện tích canh tác chỉ có 500 m2/người. Bình quân diện tích thấp, phần lớn số xã, ruộng của các hộ lại được bố trí trên nhiều cánh đồng khác nhau, dẫn đến tình trạng ruộng đất bị chia nhỏ, manh mún. Mặc dù nhiều năm qua, tại các địa phương trong huyện đều quan tâm đến việc nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích bằng cách vận động nhân dân tự dồn đổi ruộng cho nhau. Từ đó các địa phương xây dựng được vùng chuyên canh, kết hợp với việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát vẫn chưa chuyển biến một cách mạnh mẽ trong sản xuất. Vì vậy, việc chuyển đổi ruộng đất lần này các địa phương thực hiện điểm vào cuộc một cải cách quyết liệt, được coi là mắt xích quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, mang tính chất quyết định để đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Ông Nguyễn Quốc Huấn, nông dân xóm 1, xã Lăng Thành cho biết: “Gia đình tôi đã qua mấy đời làm nông nghiệp, nhưng tôi thấy chuyển đổi ruộng đất lần này quy mô hơn, hiện đại hơn và sát với đời sống người dân hơn, như mạng lưới giao thông nội đồng rộng, hệ thống thủy lợi thuận lợi. Đặc biệt là mỗi gia đình từ 5 – 7 thửa trước đây, nay chỉ còn 2 thửa”.
Đầu tư cho công tác thủy lợi là nhiệm vụ trọng tâm đối với các địa phương sau khi chuyển đổi ruộng đất.
Công tác chuyển đổi ruộng đất ở một số xã ở huyện Yên Thành thực hiện khá bài bản, từ việc tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức, đến việc xây dựng các phương án chuyển đổi ruộng đất, thực hiện công khai dân chủ để người dân nắm vững bản đồ quy hoạch giao thông thuỷ lợi nội đồng, công khai kinh phí, khối lượng phải đào đắp giao thông, bờ vùng bờ thửa để nhân dân bàn phương án thực hiện.
Theo ông Trần Văn Giang – Chủ tịch UBND xã Lăng Thành, việc chuyển đổi ruộng đất đã được Đảng ủy, chính quyền và người dân chuẩn bị ngay từ đầu năm 2011. Nên khi các xóm chính thức chia lại ruộng cho các gia đình thì rất thuận lợi. Đến tháng 12/2011, công tác chuyển đổi ruộng đất ở Lăng Thành đã hoàn thành, bộ mặt ruộng đồng đã thay đổi hoàn toàn. Bài học rút ra trong quá trình thực hiện là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền là:
Thứ nhất, ở đâu cấp ủy đảng và chính quyền xác định được nhiệm vụ trọng tâm và then chốt trong phát triển kinh tế thì việc chuyển đổi ruộng đất chỉ đạo thành công.
Hai là phát huy được sức mạnh tổng hợp được cả hệ thống chính trị, sức mạnh nội lực của nhân dân trong việc hiến, góp đất, đóng góp công sức, tiền mặt cho việc chuyển đổi ruộng đất, xây dựng nông thôn mới.
Ba là tập trung công tác tuyên truyền, cán bộ, đảng viên tiên phong đi đầu, kịp thời biểu dương gương người tốt việc tốt. Phải xây dựng và ban hành nghị quyết sát đúng với tình hình thực tế của địa phương, dựa trên kế hoạch chung của huyện, nhưng phải phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân, để từ đó huy động sức mạnh toàn dân.
Bốn là vai trò của đội ngũ cán bộ từ xã đến cơ sở xóm hết sức quan trọng, ngoài trình độ năng lực thì thực sự phải tâm huyết với nội dung cả trong ý chí, hành động, lời nói và việc làm. Công tác tuyên truyền để người dân thấy rõ được trách nhiệm về công tác chuyển đổi ruộng đất, gắn vào đó là lợi ích của người dân. Một yếu tố quan trọng nhất là vai trò của cán bộ xóm rất lớn, nếu cán bộ xóm nào vào cuộc một cách tích cực, có trách nhiệm thì xóm đó hoàn thành sớm, chu đáo và ngược lại.
Ông Nguyễn Đức Thiện – Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Yên Thành cho biết: Xác định chuyển đổi ruộng đất là bước đột phá để xây dựng nông thôn mới (NTM), BCH Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 01/2010 về thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong qúa trình thực hiện, Tỉnh ủy có Nghị quyết 03/2011 về việc đẩy mạnh xây dựng NTM, trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi ruộng đất. Đây chính là chủ trương nhằm tiếp thêm sức mạnh, cơ hội để Yên Thành tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi ruộng đất. Tuy nhiên từ năm 2003 – 2004, Yên Thành đã thực hiện đồng loạt trên tất cả các xã về dồn điền đổi thửa theo Chỉ thị 02/2001 của Chính phủ. Kết quả đạt được là nông dân đã giảm được số thửa, từ bình quân 9,1 thửa/hộ xuống còn 4,29 thửa/hộ. Hầu hết hệ thống giao thông nội đồng đã được các địa phương huy động sức dân đào đắp, chỉnh trang. Song từ đó đến nay, do quá trình sản xuất, hầu hết các hệ thống giao thông nội đồng và thủy lợi hư hỏng, hẹp dần, nên chủ trương chuyển đổi ruộng đất lần này có mục đích, vai trò rất lớn trong phát triển nông nghiệp. Do đó, BCH Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 01/2011 về “Chuyển đổi ruộng đất, phục vụ đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, xây dựng NTM, giai đoạn 2011 – 2015”. Mục đích là quy hoạch lại đồng ruộng, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi đồng ruộng; tạo điều kiện cho nông dân áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp; tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về đất đai. Kế hoạch của Yên Thành là năm 2011 triển khai chuyển đổi ruộng đấttại 5 xã, trong đó 3 xã xây dựng điểm NTM: Sơn Thành, Phúc Thành, Nam Thành và 2 xã làm điểm về chuyển đổi ruộng đất là Lăng Thành và Hồng Thành. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân nên chỉ có 3 xã thực hiện là Lăng Thành, Phúc Thành và Đồng Thành. Đồng Thành mặc dù không phải là xã điểm, nhưng với tinh thần xung phong đi trước nên địa phương này áp dụng. Để khuyến khích các địa phương hoàn thành nhiệm vụ, huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ đối với những xã điểm 100 triệu đồng, đối với những xã không phải thực hiện điểm 50 triệu đồng.
Sau 1 năm thực hiện, nhìn chung 3 địa phương này đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi ruộng đất theo yêu cầu, mục đích như kế hoạch của huyện. Điều quan trọng nhất là từ thực tiễn đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để các địa phương khác áp dụng. Đó là huy động được cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã vào cuộc. Huyện giao trách nhiệm cho mỗi cán bộ phụ trách xã, các xã cũng giao trách nhiệm cho mỗi cán bộ phụ trách xóm. Qua thực tiễn tại 3 xã điểm và những xã đi đầu về thực hiện NTM ở Yên Thành cho thấy: Hiệu quả của chuyển đổi ruộng đất làm giảm chi phí đầu tư trong sản xuất, giải phóng sức lao động của người nông dân. Sau khi thực hiện chuyển đổi ruộng đất, các địa phương tiến hành xây dựng kết cấu hạ tầng NTM. Có thể khẳng định, bài học kinh nghiệm quan trọng được rút ra là huy động được sức mạnh của toàn dân, với phương châm lấy sức dân để lo cho dân. Xã nào thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, phát huy quy chế dân chủ, công khai minh bạch thì tạo được sự đồng thuận cao. Đây chính là trải nghiệm để các địa phương thực hiện tiến trình xây dựng NTM. Minh chứng là, qua tổng kết của các xã cho thấy, kinh phí để chuyển đổi ruộng đất rất lớn, địa phương nào thấp nhất là 5 tỷ đồng, nhiều nhất 8 tỷ đồng. Số kinh phí đó nếu không có sự đồng thuận của người dân thì không thể thực hiện được. Bởi vì, người dân góp đất làm đường, lao động sống, tiền mặt do dân đóng góp, còn lại số rất ít là ngân sách địa phương. Tính ra, mỗi địa phương sau khi chuyển đổi ruộng đất xong phải mất ít nhất 20 ha đất canh tác để làm đường, bờ vùng bờ thửa và thủy lợi. Bởi thế, bình quân diện tích canh tác trên đầu người sẽ giảm. Sau khi các xã này chuyển đổi ruộng đất xong, mỗi hộ nông dân chỉ còn 1 – 2 thửa, lại được quy hoạch gần nhà, rất thuận lợi cho việc canh tác. Để các địa phương còn lại thực hiện tốt việc chuyển đổi ruộng đất trong những năm tới, UBND huyện tạo điều kiện cho các địa phương trực tiếp đến các xã điểm để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Yên Thành phấn đấu đến hết năm 2014 hoàn thành việc chuyển đổi ruộng đất, nhưng với sự quyết tâm của các xã, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013. Hiện nay 38/38 xã đã đăng ký chuyển đổi ruộng đất.
Theo anh Thiện, khó khăn nhất trong việc chuyển đổi ruộng đất lần này là người dân còn băn khoăn về Nghị định 64 về đất đai. Bởi đến năm 2014 là hết thời hạn thực hiện Nghị định 64, vậy địa phương thực hiện việc chuyển đổi ruộng đất lần này thì sau khi kết thúc Nghị định 64 liệu có phải chia lại đất sản xuất nữa không? Băn khoăn của nông dân là có cơ sở, vì hiện tại các địa phương đang thực hiện chia đất sản xuất theo Nghị định 64, vì vậy sau này nhà nước cần phải có giải pháp phù hợp mang tính chiến lược để người dân thuận lợi trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.