(Baonghean) - Trong kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, UBND tỉnh có tờ trình HĐND thông qua và ban hành Nghị quyết cho phép chuyển mục đích sử dụng 242,39 ha đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng để thực hiện công trình, dự án đầu tư trên địa bàn. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nghệ An có những ghi nhận từ ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh và cử tri các vùng miền.

images1645281_tr__s__c__x__qu_nh_h_ng____c_x_y_d_ng_c_ch___y_h_n_40_n_m.jpgTrụ sở cũ xã Quỳnh Hồng được xây dựng cách đây hơn 40 năm cần có diện tích phù hợp để quy hoạch xây dựng mới

Những diện tích được UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh thông qua đợt này xuất phát từ thực tế yêu cầu và sau khi rà soát Nghị quyết số 196/NQ-HĐND tỉnh Nghệ An (ngày 20/12/2015) về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Số diện tích 242,39 ha lần này (208,61 ha đất trồng lúa, 33,78 ha đất rừng phòng hộ) được bố trí cho xây dựng 144 công trình công cộng, dân sinh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có cơ cấu chuyển đổi đất để xây dựng trụ sở xã, phường, xây dựng chợ, cầu - đường, nhà văn hóa, chia lô phân nền đất ở cho người dân… và các nhà máy, dự án.

Sự cần thiết của việc chuyển đổi

Theo quy định của Luật Đất đai thì các công trình, dự án mà phải lấy đất lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì phải được phép của cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng. Luật cho phép đối với chuyển diện tích đất lúa dưới 10 ha và dưới 20 ha đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Trên cơ sở đề xuất ở cơ sở, Sở TN&MT đã rà soát lại các các dự án, công trình để UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh xem xét thông qua kỳ họp lần này.

Qua trao đổi, đại biểu Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, rừng phòng hộ để phục vụ các công trình dự án là một trong những yêu cầu thiết thực của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Việc chuyển đổi đó, còn có ý nghĩa khai thác tốt quỹ đất cho phát triển quê hương, đất nước và về cơ bản không ảnh hưởng đến an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.

Những diện tích đất kém hiệu quả sẽ được chuyển đổi

Còn đại biểu Trần Xuân Quang (huyện Nghi Lộc) chia sẻ: "Sự đồng thuận là yếu tố quyết định". Điều này xuất phát từ thực tế của huyện. Bởi Nghi Lộc là huyện nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An, có 10 xã nằm trong Khu kinh tế Đông Nam.

Trong những năm gần đây với chính sách rải thảm thu hút đầu tư hàng chục dự án đã được cấp phép đầu tư trên địa bàn. Tuy nhiên, khi dự án vào nhiều thì áp lực về GPMB lên Đảng bộ và chính quyền địa phương là rất lớn. Để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, GPMB, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã tích cực vào cuộc.

Đến nay cơ bản hoàn thành GPMB dự án đường D4, đường N5 đoạn qua khu dân cư Nghi Đồng, đường nối N5 đoạn đi Hoà Sơn (Đô Lương), hoàn thành công tác hỗ trợ bồi thường về hoa màu và bàn giao mặt bằng khu C - Khu công nghiệp Nam cấm cho BQL Khu kinh tế Đông Nam. Yếu tố mẫu chốt vẫn là sự đồng thuận cao của nhân dân.

Trong số diện tích đất đề nghị HĐND tỉnh ra nghị quyết cho chuyển đổi lần này, có nhiều địa phương phục vụ xây chợ, trụ sở xã. Điển hình, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu) đưa vào kế hoạch và đề xuất chủ trương chuyển đổi 6.000 m2 đất lúa xây lại trụ sở hiện đang chật chội, sử dụng dãy nhà cấp 4 đã xây dựng cách đây hơn 40 năm.

Ông Hồ Nghĩa Đường - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nếu HĐND tỉnh phê duyệt cho chúng tôi chuyển đổi một số diện tích đất lúa để xây trụ sở thì chính quyền và nhân dân xã Quỳnh Hồng rất phấn khởi. Như vậy, xã sẽ có chỗ làm việc tốt hơn, nhân dân có nơi giao dịch đàng hoàng hơn. Bên cạnh đó, một số công trình cần mở rộng khuôn viên như: Trụ sở Công an huyện, Bảo hiểm xã hội, di dời Tòa án nhân dân huyện sang vị trí mới cũng đang chờ HĐND tỉnh phê duyệt nghị quyết”.

Đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp

“Cùng với việc chuyển đổi đất lúa sang làm các công trình dự án khác đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, từ nay đến năm 2020, Nghệ An còn quy hoạch chuyển đổi 5.457 ha diện tích đất lúa sang trồng cây khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản. Thực tế đó đòi hỏi phải có những nguyên tắc, mục tiêu để đảm bảo được an ninh lương thực. Mục tiêu là diện tích chuyển đổi có hiệu quả tăng ít nhất 20% so với trồng lúa” - đó là thông tin được ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cung cấp.

Ông Hiếu cho biết thêm, việc chuyển đổi đất trên cơ sở xem xét không ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. Ở một khía cạnh khác, việc chuyển đổi còn là cách đối phó với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giá cả thị trường... Như vậy, đến năm 2020 diện tích (gieo trồng) lúa giảm khoảng 7.500 ha, nhưng an ninh lương thực vẫn được đảm bảo, sản lượng một số loại nông sản khác tăng khá.

Đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp trồng lúa để tăng năng suất, hiệu quả, đảm bảo an ninh lương thực.

Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với địa phương các cấp tăng cường công tác rà soát quỹ đất, xây dựng kế hoạch chuyển đổi ở các địa phương, đơn vị; đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, nhất là tiến bộ về giống vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa cho nông dân sản xuất, chăn nuôi; tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; giảm tổn thất sau thu hoạch...

Ông Võ Hoàng Thạch – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Vinh, cho biết: 3 năm lại đây, tốc độ thu hồi đất nông nghiệp ở thành phố Vinh rất mạnh, mỗi năm thu hồi khoảng 400 - 600 ha, gấp khoảng 10 lần so với trước (giai đoạn 2007 - 2012, mỗi năm thu hồi đất nông nghiệp chỉ 50 - 60 ha). Đất thu hồi chủ yếu tập trung xây dựng các công trình trọng điểm của Nhà nước như chỉnh trang đô thị (WB), đường 72m từ Vinh - Cửa Lò, đường 35m từ Quốc lộ 46 xuống đường ven sông Lam.... 

Việc thu hồi đất lúa giúp thành phố Vinh phát triển hạ tầng mạnh mẽ, chỉnh trang đô thị theo hướng trung tâm của vùng Bắc Trung bộ. Kéo theo hạ tầng, cơ sở vật chất, nhà ở của người dân cũng thay đổi, đẹp hơn, khang trang hơn. Tuy nhiên, ông Thạch cũng kiến nghị: Qua việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặt ra nhiều vấn đề cho thành phố như vấn đề chuyển đổi nghề nghiệp, tìm việc làm, vấn đề phát triển sản xuất, chăn nuôi...

PV - CTV

TIN LIÊN QUAN