(Baonghean.vn)- Trước khi dính vào đường dây mua bán, vận chuyển 255 bánh heroin, nữ tử tù Nguyễn Hoài Thu là một giáo viên dạy Toán. Giờ đây Thu đang từng ngày sám hối trong trại giam...
Từ giáo viên dạy Toán đến nữ tử tù
Nguyễn Hoài Thu (SN 1980), quê quán tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Tại thời điểm bị bắt vào ngày 31/7/2012, Thu đang là giáo viên của trường THCS xã Tiền Phong, huyện Quế Phong ( Nghệ An). Mờ mắt trước đồng tiền, Thu cùng với hai chị em dâu khác của mình là Nguyễn Thị Dung và Trương Thị Huệ, đều trú tại huyện Quế Phong gia nhập vào đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy do “ông trùm” Nguyễn Công Hải, trú tại huyện Quỳ Hợp thiết lập.
Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7/2012, các đối tượng trong đường dây ma túy từ Lào vào Việt Nam này đã thực hiện 10 lần mua bán trái phép chất ma túy với tổng số 255 bánh heroin từ Nghệ An vào TP. Hồ Chí Minh và ra Lạng Sơn tiêu thụ.
Ngày 29/7/2012, sau khi nhận được tiền từ Nguyễn Công Hải gửi từ TP Vinh lên Quế Phong, Thu trực tiếp liên lạc với đối tượng người Lào tên là Xì Dinh, sau đó vào rừng nhận 70 bánh heroin đưa về phòng trọ của mình ở ký túc xá giáo viên tại trường THCS Tiền Phong cất giấu. Tối cùng ngày, Thu đã chia đôi số hàng này, 30 bánh bỏ vào va li và 40 bánh bỏ vào bì xác rắn để đưa về Vinh giao cho các đối tác.
Sáng 31/7, khi chị dâu của Thu là Nguyễn Thị Dung đang giao hàng cho đối tượng Vũ Đức Mạn tại ga Vinh thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Từ lời khai của các đối tượng, tiến hành khám xét phòng ở tại Trường THCS xã Tiền Phong, lực lượng công an thu thêm 40 bánh heroin chưa kịp tiêu thụ và bắt giữ cô giáo Nguyễn Hoài Thu. Với hành vi phạm tội trong đường dây này, đầu tháng 10/2012, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa xét xử các bị cáo nói trên về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tuyên 1 án chung thân và 5 án tử hình, trong đó cô giáo Thu lĩnh án tử.
Nữ tử tù Nguyễn Hoài Thu chia sẻ: Bản thân là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em, bố mẹ hưu trí, gia đình có điều kiện nên tất cả anh em đều được học hành tử tế. Sau khi tốt nghiệp sư phạm khoa Toán trường Đại học Vinh, Thu lấy chồng là người Quế Phong nên đã theo chồng về vùng đất mới lập nghiệp. Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, sau khi sinh đứa con đầu lòng, vợ chồng mâu thuẫn dẫn đến ly hôn, Thu chuyển về sống tại ký túc xá của trường. Hôn nhân đổ vỡ, cuộc sống khó khăn, Thu phải nai lưng kiếm tiền, với đủ thứ nghề, từ mở quán phở, hàng tạp hóa đến tiệm internet. Ước ao lớn nhất của cô giáo Thu lúc đó, là kiếm được tiền để mua căn nhà nho nhỏ, hai mẹ con có chỗ dung thân.
Cuộc sống buồn tẻ sau những giờ lên lớp đã kéo Thu đến với những cuộc giao du không đoán định, và số phận rẽ ngang từ khi gặp “ông trùm” Nguyễn Công Hải, một tay buôn bán ma túy khét tiếng. Những đồng tiền quá lớn kiếm được sau mỗi lần đóng vai trò là người vận chuyển đã khiến bản thân nữ giáo viên này ngày một sa chân vào vũng bùn tội lỗi mà không tài nào dứt ra được cho đến ngày bị bắt.
Sám hội muộn màng
Những ngày ở trại giam, Thu sám hối về lỗi lầm của mình, nữ tử tù trải lòng: “ Tôi không đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tất cả là do bản thân mình, ban đầu cứ nghĩ tham gia một vài chuyến rồi từ bỏ, nhưng mọi chuyện không dễ dàng như suy tính. Khi bị bắt, điều tôi nghĩ đến đầu tiên là cái chết, bởi có như vậy mới khỏi phải đối diện với bất kỳ ai, kể cả học sinh, đồng nghiệp và bố mẹ mình”.
Để chuộc lỗi, hàng tháng Thu góp tiền thăm nuôi của gia đình để ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn. Mới đây, Trại tạm giam Công an tỉnh phối hợp với Hội chữ thập đỏ Nghệ An đã có chuyến thăm tặng quà, động viên em Nguyễn Đăng Hùng (10 tuổi), trú tại xóm 8, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: bố bị bệnh tâm thần, mẹ bỏ đi khi Hùng mới 3 tuổi. Hằng ngày, ngoài giờ đi học, Hùng còn tranh thủ đi mò cua, bắt ốc để bán lấy tiền nuôi bố bị bệnh và bà nội già yếu đã 70 tuổi. Khi biết về chuyến đi này, nữ tử tù đang nằm trong chốn biệt giam Nguyễn Hoài Thu đã gửi ủng hộ em Hùng 3 triệu đồng.
Thu cho biết: Do chế độ nhân văn từ Ban Giám thị, từ nhiều năm nay tử tù trong thời gian chờ thi hành án được phép đặt mua báo theo quý và được Ban giám thị phát miễn phí một số tờ báo. Từ một bài viết được đăng tải trên Báo Nghệ An, Thu biết đến hoàn cảnh rất éo le của em Nguyễn Đăng Hùng. “Đọc báo mà thấy xót xa quá, cháu bé cũng trạc tuổi con trai tôi. Tôi thương quá nên đề xuất cán bộ quản giáo được trích tiền lưu ký để ủng hộ cháu”.
Đại úy Nguyễn Thị Liên, cán bộ quản giáo trông coi tử tù tại buồng giam của Nguyễn Hoài Thu cho biết thêm, là người có thâm niên hàng chục năm làm cán bộ quản giáo ở chốn biệt giam, khi nghe Thu đề xuất gửi tiền ủng hộ cho cháu Hùng, bản thân chị Liên rất ngạc nhiên. “Mấy chục năm làm quản giáo, lần đầu tiên tôi nghe một tử tù đề xuất như thế. Sau khi báo cáo với đội và Ban giám thị trại, nhận được đơn đề nghị của Thu, chúng tôi giúp Thu thực hiện ước nguyện của mình và nữ tử tù này đã rất vui khi ước nguyện nhỏ nhoi ấy đã trở thành hiện thực”, Đại úy Liên tâm sự.
Nữ tử tù Nguyễn Hoài Thu kể, sau phiên tòa phúc thẩm cấp cao, cơ hội sống gần như không còn nhưng bản thân chưa bao giờ tuyệt vọng. Hàng ngày, sau những chấn song sắt lạnh lẽo của Thu tự học tiếng Anh từ những cuốn sách do cán bộ quản giáo mang đến.
Thu lạc quan chia sẻ, tự trau dồi thêm vốn tiếng Anh để những ngày trong trại giam không trôi đi một cách vô nghĩa. Và sau này, nếu được một cơ hội sống để làm lại cuộc đời, Thu sẽ dạy ngoại ngữ cho các phạm nhân khác...
Hà Thư