(Baonghean.vn) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa và chuyên canh, những năm qua người dân xã Chi Khê (Con Cuông) đã mạnh dạn đầu tư và đưa nhiều giống cây mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao; nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu, góp phần tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Hộ anh Trịnh Xuân Tạo ở thôn Quyết Tiến, xã Chi Khê có 5 sào đất, trước đây anh trồng các cây màu ngắn ngày, hiệu quả mang lại không được là bao. Sau khi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều vùng trong, ngoài tỉnh và tìm hiểu qua báo, đài, năm 2012 anh đã mạnh dạn đưa cây bưởi Phúc Trạch vào trồng. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, nên chỉ sau 3 năm trồng và chăm sóc đến nay 135 gốc bưởi bước đầu đã cho thu hoạch. Trung bình mỗi cây cho 50 - 60 quả, với giá bán ra thị trường từ  30.000 - 50.000 đồng/ quả, anh đã có nguồn thu nhập đáng kể. Bên cạnh đó anh còn đầu tư trồng 100 gốc táo lai nay đã cho thu hoạch.

images1666574_mo_hinh_tr_ng_buoi_ph_c_trach____c_tr_ng_t_i_th_n_quy_t_ti_n_v_i_h_ng_chuc_ha_.jpgMô hình trồng bưởi Phúc Trạch với hàng chục ha ở thôn Quyết Tiến.

Còn hộ anh Bùi Đình Thảo ở thôn Bãi Ổi, xã Chi Khê mặc dù chỉ có hơn 1,5 ha đất đồi trồng chanh nhưng nhờ đầu tư chăm bón tốt nên mỗi năm cho sản lượng đạt trên 13 tấn. Với giá bán trung bình 8.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình anh có nguồn thu gần 100 triệu đồng.  

Anh Thảo cho biết: “Chanh chỉ cần trồng và chăm sóc một lần rồi cho thu hoạch dài hạn, chi phí chăm sóc cũng không tốn kém, sau khoảng 3 năm là cho quả, cây càng nhiều tuổi thì năng suất càng cao. Nhờ trồng chanh mà kinh tế gia đình tôi đã dư giả rất nhiều”.

Mô hình trồng táo đại của của bà con ở thôn Quyết Tiến, xã Chi Khê.

Ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng thôn Bãi Ổi cho biết:  Người dân thôn Bãi Ổi hầu hết đều làm nông. Tuy nhiên, do địa hình chủ yếu là đồi dốc, đất sỏi khô cằn nên trồng cây gì để có hiệu quả kinh tế là một bài toán khó. Trước tình hình đó, chi bộ, ban quản lý thôn và bà con nhân dân đã họp bàn và thống nhất đưa cây chanh vào trồng trên vùng đất đồi.

Đến nay, cả thôn có 104 hộ thì gần như hộ nào cũng trồng chanh với tổng diện tích 30 ha, nhà ít nhất cũng có 5 - 6 sào, nhà nhiều lên đến 2 - 3 ha. Mỗi năm, các vườn chanh ở Bãi Ổi cho năng suất khoảng 5-6 tấn/ha, cá biệt có những vườn chanh lâu năm, thâm canh tốt có thể đạt 7-8 tấn/ha. Với giá bán trung bình khoảng 8 000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, các hộ trồng chanh có thể thu lãi trên 30 triệu đồng/ha.

Mô hinh trồng chanh của ông Bùi Đình Thảo ở thôn Bãi Ổi, xã Chi Khê, với 600 gốc chanh mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng.

Trong những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã Chi Khê đã phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó, đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung như: sản xuất rau màu với quy mô 17 ha; các vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi Phúc Trạch, táo đại, cam tập trung tại thôn Tiến Thành, Quyết Tiến; chanh ở thôn Bãi Ổi…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa XXIV, nhiệm kỳ 2016-2021 nhấn mạnh ngoài việc tiếp tục phát huy hiệu quả các cây trồng chủ lực, xã đang triển khai thực hiện đề án chuyển đổi một số diện tích đất bỏ hoang tại các vùng như Thung Coong để từ đó hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả. Đây sẽ là điều kiện và cơ hội để nông dân trên địa bàn xã vươn lên phát triển một cách toàn diện.  

Ông Lô Hồng Minh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chi Khê cho biết: “Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Chi Khê trong thời gian qua đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã. Trong 5 năm qua, kinh tế - xã hội ở Chi Khê tiếp tục có bước phát triển ổn định, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 19 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo từ 26% năm 2010 giảm xuống còn 8,78% năm 2015”. Đây là tiền đề để xã Chi Khê sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới vào năm 2017.

Minh Hạnh - Bá Hậu

 Đài Con Cuông

TIN LIÊN QUAN