TIN LIÊN QUAN |
---|
Sau đó một thời gian, phía Mỹ đã tự động gỡ bỏ vấn đề POW trong các cuộc tiếp xúc và trao đổi song phương. Dần dần, trong nội tình nước Mỹ, nhiều chính khách cũng nhận thấy được thiện chí của VN, họ đã đấu tranh với Chính phủ Mỹ nhanh chóng bình thường hóa với VN.
Khi được giao trọng trách lớn lao thực thi sứ mệnh ngoại giao – tiến hành thăm dò để tiến tới việc bình thường hóa quan hệ Việt- Mỹ, sau khi thăm dò bằng khoa học kỹ thuật, chính sách tiếp theo mà Đại tướng Lê Đức Anh đưa ra là tích cực và thiện chí hợp tác với phía Mỹ giải quyết ngã ngũ vấn đề POW/MIA.
Sau khi ta “mở được cửa thăm dò” từ hướng “Khoa học phẫu thuật chỉnh hình” và mời được những người Mỹ đầu tiên sang VN là các bác sỹ trong đoàn “Phẫu thuật nụ cười”, theo đề nghị của Đại tướng Lê Đức Anh, Trung ương quyết định đưa ông Nguyễn Huy Phan lên làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Mỹ để làm “cầu nối” liên lạc. Tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị lúc đó là trong tiếp xúc, quan hệ, ta làm sao không để phía Mỹ tự ái là nước lớn mà thua ta, mà ta vẫn giữ được tinh thần độc lập dân tộc.
Tiến trình đấu tranh ngoại giao để Mỹ xóa bao vây cấm vận và thiết lập quan hệ hữu nghị với VN là một quá trình dài nhiều năm, trải qua ba nhiệm kỳ tổng thống của Mỹ (từ những năm cuối nhiệm kỳ của Reagan, sang nhiệm kỳ của George Bush (Bush bố), đến gần cuối nhiệm kỳ của Bin Clinton mới hoàn tất).
Sau bước đột phá thành công bằng con đường khoa học, bước tiếp theo là ta tiến hành việc tạo thuận lợi cho phía Mỹ trở lại Việt Nam tìm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Tìm hiểu Mỹ, Đại tướng Lê Đức Anh thấy rằng những người Mỹ bị mất tích khi tham chiến tại VN là một vấn đề rất nặng nề đối với Chính phủ Mỹ. Bởi theo luật của Nhà nước Mỹ, khi một người lính Mỹ tham gia chiến trường mất tích chưa rõ nguyên nhân, hàng tháng Chính phủ Mỹ vẫn phải chi trả lương và đến niên hạn vẫn phải thăng quân hàm cho họ, cho tới bao giờ biết rõ người lính đó đã chết ở đâu, chết như thế nào thì mới giải quyết dứt điểm chế độ đối với thân nhân của họ.
Ngay từ những năm cuối của thập niên 1970, ngay sau khi chiến tranh vừa kết thúc, họ đã lần lượt cử người sang Việt Nam đặt vấn đề đối thoại với ta để giải quyết vấn đề này. Sang thập niên 1980, họ tiếp tục sang và nhất là từ 1987, các cuộc tiếp xúc càng mau hơn, liên tục và dồn dập hơn. Nếu trước đó, họ tới phần nhiều với tư cách cá nhân hoặc những tổ chức phi chính phủ; thì sau khi ta đã “mở luồng” giao lưu về khoa học y tế, họ bắt đầu tổ chức các “Đoàn” tới Việt Nam. Chẳng hạn: Đoàn Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa; Đoàn cựu Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ; Đoàn các nhà kinh doanh Mỹ; Doàn Ki-tô giáo v.v… diễn ra trong nửa đầu năm 1987. Rồi, từ tháng 8/ 1987, những tháng cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Reagan và những tháng đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Bush tướng John Vessey (cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân) đã được cử làm đặc phái viên dẫn đầu đoàn thăm VN.
Thời kỳ đầu họ khăng khăng hai yêu cầu: Một là thực hiện giải pháp chính trị ở Campuchia; hai là giải quyết về những người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (vấn đề POM/MIA); họ coi đây là hai vấn đề tiên quyết để xóa bao vây cấm vận và bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Trong giải quyết những người Mỹ mất tích lại bao hàm hai nội dung: Một là, xác định và tìm kiếm những tù binh Mỹ còn bị phía VN giam giữ (gọi tắt là POM). Hai là, tìm hài cốt những người Mỹ chết trận (gọi tắt là MIA).
Sau 4 lần viếng thăm và đối thoại với phía VN của tướng John Vessey, Mỹ đã nâng lên một mức cao hơn là cử Thượng nghị sỹ John Kerry, Ủy ban Đối ngoại Thượng nghị viện Hoa Kỳ trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về vấn đề POM/MIA dẫn đầu đoàn sang VN.
Vấn đề Campuchia, có hai yếu tố: Thứ nhất là, thực chất với “ván bài Campuchia”, cả Mỹ và Trung Quốc đều thất bại. Nhưng khi đến giải pháp chính trị thì ta và Campuchia có chủ trương nhượng bộ một số điểm để đỡ tổn thương đến lòng tự ái của các nước lớn, mà rõ nhất là ta đồng ý thành lập “Chính phủ ba phái”, đồng ý tuyển cử tự do có sự giám sát của Liên Hợp quốc. Thứ hai là, khi đến giai đoạn có giải pháp chính trị nói trên thì nền kinh tế-xã hội của Campuchia đã hồi sinh, hệ thống chính trị của Bạn đã vững chãi, VN đã rút hết quân tình nguyện và đoàn chuyên gia về nước. Do đó cả Mỹ, Trung Quốc và các nước không còn cớ gì nói VN không có thiện chí; Mỹ và Trung Quốc không còn tư cách nào đứng ra bênh vực cho bọn diệt chủng Pôn Pốt, nên phía Mỹ phải tự giác gạt bỏ “vấn đề Campuchia” ra khỏi “điều kiện tiên quyết” của việc bình thường hóa quan hệ hai nước.
“Điều kiện tiên quyết” còn lại là vấn đề POM/MIA thì sao? Có một sự kiện đã làm cho John Kerry rất có cảm tình với VN và sau khi trở về nước đã thúc đẩy Chính phủ Mỹ nhanh chóng bình thường hóa với VN. Ở thời điểm đó, Chính phủ Mỹ vẫn còn hoài nghi, cộng với sự công kích của một số tướng cũ của “Việt Nam Cộng hòa” sống tại Mỹ cho rằng: “VN vẫn đang giam giữ một số sỹ quan Mỹ tại thành Hoàng Diệu”. Ngày 18/11/1992, Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh tiếp đoàn Nghị sỹ Mỹ do ngài John Kerry dẫn đầu. Ngài John đã trao cho tướng Anh bức thư của Tổng thống George Bush, trong đó đánh giá cao sự hợp tác của Chính phủ và nhân dân VN trong thời gian qua, bày tỏ mong muốn hai bên đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới và cam kết Chính phủ Mỹ sẽ thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh khẳng định một lần nữa chính sách nhất quán của VN coi vấn đề người Mỹ mất tích là vấn đề thuần túy nhân đạo; VN sẽ tiếp tục và tích cực hợp tác với Hoa Kỳ để giải quyết sớm vấn đề này. Khi ngài John Kerry bày tỏ mong muốn được vào thăm Thành cổ Hà Nội (nơi đang là đại bản doanh của Bộ quốc phòng VN) và công trình ngầm dưới Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Lê Đức Anh đã chấp thuận và mời ngài John và Thượng nghị sỹ Bob Smith tới thăm và thị sát hai nơi này.
Ngài John Kerry đã thật sự bị thuyết phục trước hành vi hết sức văn hóa, nhân văn của Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Sau khi từ VN trở về Mỹ, ngài John Kerry tuyên bố: “Lộ trình bình thường hóa với VN mà Chính phủ Mỹ vạch ra không phải là một chính sách tốt”; Ông dứt khoát không đồng tình với việc gắn vấn đề Campuchia vào tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Ông khẳng định nguồn tin có ba phi công sống đang bị giam giữ và kho hài cốt chỉ là chuyện bịa đặt với dụng ý xấu, làm lung lạc dư luận Mỹ và phá hoại, ngăn chặn tiến trình bình thường hóa giữa hai nước. Sau đó một thời gian, phía Mỹ đã tự động gỡ bỏ vấn đề POW trong các cuộc tiếp xúc và trao đổi song phương. Dần dần, trong nội tình nước Mỹ, nhiều chính khách cũng nhận thấy được thiện chí của VN, họ đã đấu tranh với Chính phủ Mỹ nhanh chóng bình thường hóa với VN.