Hành trình “mò kim đáy bể”

Sau không ít lần hẹn, mới đây, chúng tôi đã được gặp hai trong số những “khắc tinh” của tội phạm truy nã. Đó là Trung tá Biện Viết Chiến, Đại úy Vũ Vinh Quỳnh... thuộc Đội truy nã, truy tìm, thuộc phòng CSHS Công an Nghệ An.

Lần giở lại những trang hồ sơ truy nã, Trung tá Biện Viết Chiến, người có thâm niên gần 20 năm làm công tác truy nã, hiện là đội trưởng Đội truy nã, truy tìm, thuộc phòng CSHS, nhớ như in từng đối tượng với những cuộc truy tìm vây bắt được ví là hành trình “mò kim đáy bể”. Đơn cử như cuộc truy tìm Nguyễn Văn Kế (SN 1967, trú tại xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ) là đối tượng trốn nã suốt 26 năm, phạm tội hủy hoại công trình an ninh quốc gia và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

image_3300656_1142020.jpgCơ quan chức năng nhận bàn giao đối tượng truy nã từ cơ quan chức năng của Lào. Ảnh tư liệu

Trong suốt 26 năm, phòng CSHS đã tổ chức tìm kiếm nhưng không có kết quả. Nhiều lần, trinh sát tới gia đình vận động, xác minh các mối quan hệ của đối tượng, nhưng Kế. không hề liên lạc về nhà, cũng chưa một lần quay về địa phương. Bởi vậy tung tích của đối tượng vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, sau nhiều  nỗ lực tìm kiếm, bằng các biện pháp nghiệp vụ, từ cuối năm 2018, cơ quan chức năng đã xác định Kế lẩn trốn ở khu vực Tây Nguyên.

Từ đó, phòng CSHS đã phối hợp với công an các tỉnh Tây Nguyên sàng lọc, tìm kiếm thông tin về đối tượng. Đến đầu tháng 8/2019, sau khi đã khoanh vùng, xác định đối tượng lẩn trốn tại huyện Easuk, tỉnh Đắk Lắk, chuyên án 967T đã được xác lập.

Trung tá Biện Viết Chiến cho biết: Để đối tượng không có thêm cơ hội lẩn trốn, anh em phải di chuyển liên tục, hầu như không nghỉ. Lúc tiếp cận địa bàn, mặc dù xác định được đối tượng có lai lịch người thân đương đồng, cùng quê Diễn Phúc, Diễn Châu, nhưng lúc này đối tượng đã thay tên đổi họ, rồi lấy vợ, có tới 4 người con.

Mặc dù vậy, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng đã xác minh đây chính là Kế. Ngày 26/8, tổ truy nã phối hợp với các đơn vị địa phương tiến hành bắt giữ. Lúc này, với những căn cứ không thể chối cãi, đối tượng phải thú nhận mình chính là Nguyễn Văn Kế, là đối tượng trốn nã trong sự ngỡ ngàng của người thân, hàng xóm, bạn bè.

Đối tượng Nguyễn Văn Kế và Trần Ngọc Phương. Ảnh tư liệu

Trong một hành trình khác với 4.000 km không một phút nghỉ ngơi trong suốt 4 ngày đêm, Đại úy Vũ Vinh Quỳnh, cán bộ truy nã cho biết, đó là cuộc truy bắt đối tượng Trần Ngọc Phương (SN 1965, trú tại Diễn Xuân, Diễn Châu) về tội giết người và chống người thi hành công vụ. Cụ thể, từ năm 2000, lực lượng chức năng nhiều lần xác minh, truy bắt, vận động đối tượng ra đầu thú nhưng không có kết quả. 12 năm trôi qua, cái chết tức tưởi của binh nhất Vũ Văn Quang vẫn khiến những người làm công tác tầm nã day dứt. 

Đến đầu tháng 10/2012, lực lượng truy nã Công an tỉnh nhận được thông tin, đối tượng Trần Ngọc Phương với một cái tên giả đang lẩn trốn tại huyện U Thẩm Phon, tỉnh Xa va na khẹt (Lào), dưới vỏ bọc của ông chủ doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản. Công tác xác minh nhanh chóng được thực hiện và kết luận đây chính là đối tượng Trần Ngọc Phương, kẻ trốn nã suốt 12 năm qua.

4h sáng ngày 22/10/2012, tổ công tác đặc biệt xuất phát từ TP Vinh và đến 14h thì đặt chân sang nước bạn, lúc này lại nhận được tin báo Phương đang ở Bắc Lào, cách thủ đô Viên Chăn 150km. Tổ công tác quyết định quay xe hướng về Bắc Lào. Dường như đánh hơi được nguy hiểm đang cận kề, Phương lại chạy về U Thẩm Phon. Ngay trong đêm, tổ công tác lại quay xe vượt 600km trở về U Thẩm Phon theo dấu vết nóng của đối tượng.

Tuy nhiên, khu vực Phương ẩn náu lại là địa bàn hiểm trở, rừng núi quá xa lạ với tổ công tác, trong khi đối tượng luôn có người bảo vệ, mang theo vũ khí nóng. Phương án đưa ra đó là phải chờ thời cơ các đối tượng lơ là để tiếp cận con mồi và mãi 3h sáng ngày 24/10/2012, Phương mới xuất hiện tại một phòng trọ ở Xi nô. Vòng vây từ từ được xiết chặt rồi bất ngờ khống chế khiến đối tượng. Phương ngỡ ngàng định chống cự, cho rằng tổ công tác bắt nhầm người. Tuy nhiên, với những chứng cứ không thể chối cãi, Trần Ngọc Phương phải cúi đầu chấp nhận tra tay vào còng.

Còn rất nhiều chuyên án, vụ án điển hình khác mà lực lượng truy nã đã phá trong thời gian qua. Trong những chuyến đi vất vả, gian khổ ấy, có khi tổ công tác gần đến nơi thì bị “động” nên đối tượng đã trốn đi nơi khác. Nhưng bằng sự kiên trì, công tác bám nắm đối tượng, địa bàn vẫn được tiếp tục triển khai.

Chính bởi vậy, riêng trong năm 2019, lực lượng đã bắt được 60 đối tượng truy nã, khám phá thành công 10 chuyên án, truy xét nhiều đối tượng đặc biệt nghiêm trọng, có những đối tượng trốn trên 20 năm.
 
Kiên trì vận động

Những “thuộc tính” gắn liền với tội phạm trốn truy nã đó là, hầu hết đều nghĩ ra nhiều mưu kế để tạo vỏ bọc mới hoặc bỏ trốn thật xa, ranh mãnh xảo quyệt khi bị đưa vào “tầm ngắm”, đến lúc bị bắt thì điên cuồng chống trả.

Chưa nói, việc truy nã ở vùng biên lại càng khó khăn hơn, bởi các đối tượng có những mối quan hệ phức tạp bên kia biên giới và có thể trốn ra nước ngoài. Trong khi đó, lực lượng truy nã còn mỏng, việc phối hợp giữa các nước trong công tác truy tìm, nhất là các nước chưa ký tương trợ tư pháp dẫn đến khó khăn trong dẫn độ...

Bởi vậy, chúng  tôi xác định, “thượng sách” vẫn là vận động, kêu gọi, tác động tâm lý để họ tự giác ra đầu thú. Đây được coi là biện pháp trọng tâm. Theo đó, bằng sự kiên trì, anh em làm công tác truy nã luôn quan tâm tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, kết hợp viết thư kêu gọi, vận động người có quan hệ ruột thịt với đối tượng để tác động, cảm hóa, vừa đánh vào tâm lý nhớ nhà, khao khát cuộc sống bình thường, vừa phân tích thiệt hơn trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành.

Thượng tá Vũ Quốc Bảo - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự

Đơn cử như trường hợp V.V.H. (SN 1964, quê thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn) - đối tượng trốn nã khiến cho lực lượng trinh sát mất rất nhiều thời gian, công sức. Bởi từ khi bị cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định truy nã toàn quốc vào năm 1998, H. chưa hề một lần về thăm nhà hay liên lạc với người thân. Vì thế, những thông tin về H. đều rất mơ hồ, khó xác định.

4 trong số 6 đối tượng bị đội truy nã bắt tại các tỉnh phía Nam và khu vực Tây Nguyên đưa về Nghệ An tối ngày 30/8/2019. Ảnh tư liệu: Anh Quân

Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng tìm  hiểu được rằng vì từng có thời gian dài sống bám dọc đường biên giới nên H. thông thuộc đường đi lối lại, nên đã băng rừng, lội suối trốn một mạch sang Lào. Sau đó H. thay tên đổi họ, nhập quốc tịch Lào, lấy vợ và sống dưới vỏ bọc là một người đi làm ăn, kinh doanh vật liệu xây dựng.

Do V.V.H quen biết nhiều đối tượng hình sự, cộng với sự cảnh giác cao độ nên rất nhiều lần các trinh sát tìm cách tiếp cận để xác minh đều thất bại. Với quyết tâm bắt H. phải về quy án, các trinh sát bắt đầu tiếp cận nhiều hơn với anh em, vợ con của H. hiện sống ở Kỳ Sơn. Sau quá trình vận động, thuyết phục, người anh trai của H. đồng ý thuyết phục em trai trở về đầu thú. Tuy nhiên, việc thuyết phục một người trốn truy nã hơn 26 năm, đã lập gia đình mới với một cuộc sống ổn định là điều không dễ.

Những ngày ở bên Lào, người anh trai của H. đã kể về người mẹ năm nay đã hơn 90 tuổi, sức khỏe đã kém, suốt 26 năm đau đáu về người con trai lầm lỡ. Nguyện vọng của bà là trước khi về với tổ tiên là được gặp lại đứa con này. Nghe đến đây, H. khóc nức nở như một đứa trẻ và ôm chầm lấy anh. Sau đó, H. đồng ý trở về Việt Nam đầu thú, với điều kiện là được ghé qua nhà, được thăm người mẹ của mình.

Một đối tượng truy nã được bàn giao cho công an địa phương. Ảnh tư liệu: Khánh Vân

Cũng theo Thượng tá Bảo, trong nhiều trường hợp,  việc vận động đối tượng về chịu án còn là giúp chính họ thoát ra khỏi bi kịch tinh thần khi thường phải sống trong tâm trạng bất an, sợ hãi, có gia đình mà không thể về. Đó là trường hợp đối tượng N.Đ.Đ. (SN 1991, trú phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai). Với tội sử dụng trái phép chất ma túy đã bỏ trốn khi Công an TX Hoàng Mai cho tại ngoại.

Biết đối tượng bị lôi kéo, phạm tội lần đầu, gia đình khó khăn bởi bố bị tai nạn lao động mất sớm, một mình mẹ phải đi làm giúp việc nuôi 4 anh em. Cán bộ truy nã đã bí mật tiếp cận, tác động đến các thành viên trong gia đình, trực tiếp là mẹ của Đ. để phân tích thiệt hơn. Nhiều lần, các anh còn ra thăm hỏi những lúc bà ốm đau. Hiểu được thiện chí của lực lượng công an, bà mẹ đã hợp tác và khuyên nhủ Đ. bắt xe từ Bắc Ninh về để bà làm công tác tư tưởng, sau đó Đ. đã tự nguyện ra đầu thú.

Có thể thấy, công việc tầm nã đầy những gian truân, vất vả, nhưng với các anh một khi đã “say” nghề thì đó không đơn thuần là nhiệm vụ, mà là trách nhiệm,  bởi thêm một đối tượng truy nã ra đầu thú không chỉ bớt đi một mối lo cho xã hội, mà còn tạo dựng được lòng tin, giúp họ nỗ lực cải tạo để sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, trở thành người có ích.