Thư gửi mẹ của “con gái xa xứ”

Mới đây, mạng xã hộiFacebook lan truyền lá thư gửi mẹ được cho là của chị Võ Thị Bắc ở bản Cẩm Hòa, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn). Thư viết tay, ngắn gọn và không ghi ngày, tháng, được mở đầu bằng dòng chữ: “Con gái xa xứ”. Dòng tiếp theo: “Kính gửi: Mẹ Nguyễn Thị Hà, em Võ Văn Thái, xóm 1, xã Cẩm Sơn, Thanh Sơn, Nghệ An”.

bna_18912176_1042021.jpgBức thư gửi mẹ lan truyền trên mạng xã hội được cho là của chị Võ Thị Bắc. Ảnh lấy từ mạng xã hội Facebook

Tiếp đến là dòng lưu ý nếu gia đình nhận được thư thì liên hệ theo số điện thoại được ghi sẵn hay kết bạn zalo với số điện thoại của người có tên Nguyễn Thị Luyến. Mấy dòng phía dưới người viết ghi lần lượt họ tên của 4 người em. Cuối cùng là những thông tin về người viết: “Võ Thị Bắc 39 tuổi. Lúc đi mới có 17 tuổi. Đã được 22 năm đã không liên hệ với gia đình”.

Hay tin người thân ở quê đã nhận được thư của chị Võ Thị Bắc, chúng tôi ngược lên xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) với mong muốn nắm rõ được nguồn cơn của câu chuyện. Vừa đặt chân đến nơi, chị Trần Thị Lộc – Chủ tịch Hội LHPN xã cho hay: “Bố mẹ của chị Võ Thị Bắc đều đã mất, các em cũng ly tán mỗi người một nơi, có người đã mất vì tai nạn. Người thân cận với gia đình chị Bắc hiện nay là bà Vi Thị Thiết và Vi Thị Dinh, là dì ruột”.

 
Bà Vi Thị Thiết kể về gia cảnh của vợ chồng chị gái (bà Vi Thị Hà). Ảnh: Công Kiên

Ban đầu, khi mới được hỏi về người cháu họ, bà Vi Thị Thiết tỏ ra e dè, không muốn chia sẻ. Được Trưởng bản Lang Văn Thám động viên, bà Thiết trò chuyện cởi mở và gửi gắm mong muốn chị Bắc sẽ được giúp đỡ, có dịp trở về quê hương thăm người thân sau quãng thời gian 22 năm xa cách.

“Bố mẹ cháu Bắc có 5 người con, Bắc là con gái đầu. Gia đình Bắc ngày đó nghèo lắm, không có đất, có nhà để ở, phải cư trú trên thuyền. Không được học hành, vừa lớn lên Bắc đã phải lên thị trấn Con Cuông rửa bát thuê để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Rồi bị lừa bán sang Trung Quốc, đến bây giờ vẫn chưa một lần trở về. Mới đây, vừa liên lạc được qua Zalo, nó bảo đang ở bên đó, đã có chồng con, muốn về thăm nhưng chưa có cách nào về được”.

Bà Vi Thị Thiết

Chắp nối những thông tin của bà Thiết và bà Dinh, chúng tôi đã hình dung được một phần cảnh ngộ của gia đình chị Võ Thị Bắc. Bố chị Bắc, ông Võ Văn Bình là dân vạn đò, làm nghề chài lưới trên sông Lam. Mẹ chị, bà Vi Thị Hà (chị Bắc nhớ nhầm và nhờ viết trong thư là Nguyễn Thị Hà) là người bản Cẩm Hòa, làm nghề chèo đò ngang đưa khách qua sông. Hai người gặp nhau và kết duyên vợ chồng, không có đất ở, vợ chồng lấy con thuyền nhỏ làm nơi trú ngụ.

Bà con họ hàng vui mừng khi nhận được thông tin của chị Võ Thị Bắc. Ảnh: Công Kiên

Bà Hà lần lượt sinh 5 người con (3 gái, 2 trai), cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả, luôn trong cảnh thiếu ăn. Là con gái đầu, Bắc không được đến lớp, phải ở nhà giúp bố mẹ trông nom các em nhỏ. Lớn thêm một tý, chị Bắc sang thị trấn Con Cuông làm thuê cho một quán ăn, hàng tháng về thăm nhà đều có tiền đưa bố mẹ.

Tuổi 17 còn non nớt, lại không được học hành nên cô gái bản Cẩm Hòa dễ dàng bị một người phụ nữ ở xã Đôn Phục (Con Cuông) rủ rê vượt biên sang Trung Quốc với bao lời hứa hẹn. Sang đến Trung Quốc, chị Bắc và mấy người khác bị giữ trong căn phòng kín.

Bì thư gửi mẹ và dì ruột (bà Vi Thị Thiết) của chị Võ Thị Bắc gửi năm 2015. Ảnh: Công Kiên

Biết mình bị lừa, chị và một người trong nhóm đã tìm cách trốn thoát ra ngoài và tình cờ gặp một người đàn ông giúp đỡ, sau đó lấy chị làm vợ. Chị sinh được hai con, sau một thời gian chung sống, do khúc mắc về tình cảm nên hai người chia tay. Hiện tại, chị Bắc đang sống với người chồng thứ hai (người này có 2 con riêng) ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).

“Một ngày gần đây con sẽ về thăm mẹ”

Lục tìm những lá thư cũ, đôi bàn tay bà Vi Thị Thiết run run, mắt ngấn nước. Bà chia sẻ: “Cháu Bắc bỗng dưng mất tích, vợ chồng chị Hà nhớ thương đến mỏi mòn, hàng ngày đứng trước mũi thuyền nhìn về bên kia sông ngóng đợi. Chẳng bao lâu sau anh chị lần lượt qua đời vì tai nạn, lúc lìa đời không chịu nhắm mắt vì vẫn đắm đuối nỗi nhớ thương. Cách đây 6 năm, Bắc có gửi thư về cho mẹ và dì, cháu vẫn không biết bố mẹ không còn nữa…”.

Bì thư chị Võ Thị Bắc gửi kèm trong thư gửi bà Vi Thị Thiết. Ảnh: Công Kiên

Bà Thiết ra hai chiếc phong bì, một chiếc bên ngoài ghi “Người gửi: con Võ Thị Bắc” và “Người nhận: mẹ Nguyễn Thị Hà, địa chỉ xóm 1 Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An”. Phong bì thứ hai ghi người nhận “dì Nguyễn Thị Thiết”, địa chỉ như ở phong bì thứ nhất và có thêm dòng chữ Trung Quốc viết tay. Phía trong, cùng với lá thư gửi bà Thiết có thêm bức ảnh của chị Bắc và một chiếc phong bì có dòng chữ Trung Quốc viết tay.

Chị Bắc có nói trong thư những dòng chữ tiếng Trung ấy chính là địa chỉ của mình, bà Thiết chỉ cần viết thư cho vào phong bì đã ghi sẵn địa chỉ, ra bưu điện gửi chị sẽ nhận được. Nhưng khi đem ra gửi, nhân viên bưu điện bảo địa chỉ người nhận bị ghi nhầm vị trí, đáng lẽ ghi ở góc phải phía dưới nhưng lại ghi ở góc trái phía trên. Nếu gửi đi khả năng cao thư sẽ bị trả lại, bà Thiết đành trở về, chị Bắc vẫn không biết được gia cảnh sau ngày biệt tích.

Lá thư gửi mẹ của chị Võ Thị Bắc năm 2015. Ảnh: Công Kiên

Thuở nhỏ không một ngày đến lớp, chưa bao giờ biết đọc, biết viết, lại xa nhà quá lâu nên chị Bắc có sự nhầm lẫn về họ của mẹ và dì Thiết. Hai lá thư gửi mẹ và dì khả năng nhờ một người Việt Nam có cùng cảnh ngộ chấp bút gửi về, có sự lẫn lộn về âm đầu trong cách phát âm của một số tỉnh miền Bắc.

Thư chị Bắc gửi mẹ có đoạn: “mẹ kính mến. mẹ ơi thời gian đã chôi biền biệt, lo mấy xa cách. mẹ tưởng con đã mất tích phải không mẹ. nhưng con không có văn hóa và chình độ nên con đi đâu con cũng chẳng báo tin cho mẹ. đã nhiều lúc con cũng nghĩ đến mẹ mà con chẳng biết làm sao được, mong mẹ sông cảm cho con mẹ nhé. mẹ ạ, đầu thư con quên hỏi thăm sức khỏe mẹ toàn thể gia đình có được mạnh khỏe hay không. Còn về phần con ở nước ngoài vẫn khỏe. hiện nay con đã lấy chồng xinh hai cháu trai. Cháu lớn được 9 tuổi, cháu bé được 7 tuổi…”.

Lá thư gửi dì ruột (bà Vi Thị Thiết) của chị Võ Thị Bắc năm 2015. Ảnh: Công Kiên

Tiếp đến, chị Bắc nói cuộc sống của mình khá thoải mái về kinh tế, không khó khăn như ở nhà nên mẹ và các em không phải lo nghĩ cho mình. Và tiếp tục tâm sự: “Con báo tin cho mẹ biết con vẫn còn sống. một ngày gần đây con sẽ về thăm mẹ con sẽ nói nhiều”. Sau dòng chúc sức khỏe gia đình, ký tên có thêm mấy chữ: “đây là đất Hà Nam Trung Quốc”.

Khi đọc được thư trên mạng xã hội, các con của bà Thiết đã kết nối được với chị Bắc. “Lần đầu thấy mặt cháu Bắc sau 22 năm xa cách, cả nhà tôi òa khóc. Bắc xin gặp bố mẹ, khi biết bố mẹ đã qua đời cháu như gục ngã… Bốn người em thì 1 đứa đã mất, 2 đứa đang sinh sống tận Gia Lai, một đứa đang đi làm ăn xa, hoàn cảnh đều khó khăn, vất vả. Hy vọng cháu sớm được về quê, gặp lại các em và bà con họ hàng, thắp nén hương trước vong linh bố mẹ” – bà Thiết bộc bạch.

Ngôi nhà của 4 người em của chị Võ Thị Bắc đã bỏ hoang trong nhiều năm. Ảnh: Công Kiên

“Sau khi chị Bắc mất tích, vợ chồng ông Bình lần lượt qua đời vì tai nạn, bốn đứa trẻ phải nương tựa họ hàng bên ngoại. Người cậu ruột cắt cho mảnh vườn, xã và bản hỗ trợ xây ngôi nhà nhỏ cho những đứa trẻ mồ côi. Nay ngôi nhà đã bỏ hoang trong thời gian dài, vì các em của chị Bắc cũng đã rời quê hương đi làm ăn, sinh sống nơi xa…”.

Ông Lang Văn Thám – Trưởng bản Cẩm Hòa, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn)