Trong chuyến thăm Mỹ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005, ông Dương Trung Quốc khi ấy là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên có cơ hội tháp tùng Thủ tướng.
Chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải là dấu mốc quan trọng
Cách đây 13 năm, vào năm 2005 nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã có chuyến thăm Mỹ. Đây được xem là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu chính phủ nước CHXHCN Việt Nam sau 30 năm kết thúc chiến tranh. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chuyến thăm này trong bối cảnh lịch sử bấy giờ?
Đây là chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của người đứng đầu chính phủ Việt Nam đúng vào dịp 2 nước đang kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ.
Rõ ràng để có được một cuộc gặp gỡ 13 năm trước là rất khó khăn, khi hai nước phải trải qua một thời gian dài chiến tranh, cấm vận, thù địch, ngờ vực… rồi mới có thể trở thành bạn và cùng ngồi lại với nhau, từng bước thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị trên nhiều lĩnh vực.
Tôi cho rằng, chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải đã truyền đi rất nhiều thông điệp và mang tính đột phá, mở ra một cánh cửa mới giúp quan hệ Việt - Mỹ chuyển sang một giai đoạn mới, một tầm cao mới. Chuyến đi này cũng là sự khởi đầu cho rất nhiều chuyến thăm sau này.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (trái) bắt tay Tổng thống Mỹ George W. Bush (phải)
Như ông vừa nói, cách đây 13 năm những di sản trong quá khứ vẫn để lại rất nặng nề và đôi bên phải tìm cách hòa giải. Là người trực tiếp được tham gia cùng phái đoàn cấp cao của Việt Nam sang Mỹ vào năm 2005, ông đánh giá như thế nào về phản ứng của dư luận Mỹ đối với chuyến thăm đặc biệt này?
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Mỹ vào năm 2005, ngoài các cố vấn ngoại giao còn có đoàn Đại biểu Quốc hội đi kèm và tôi may mắn là thành viên được tham dự. Đoàn cất cánh vào lúc 6h45 sáng ngày 19/6 tại Nội Bài và hạ cánh xuống sân bay của Seattle-Tacoma vào 9h sáng, vẫn của ngày 19/6 theo giờ địa phương.
Thời điểm bấy giờ dù chúng ta đã bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ được 10 năm, song những di sản trong quá khứ vẫn là những rào cản rất lớn. Thực tế, vẫn có những nhóm người cực đoan có xu hướng không ủng hộ mối quan hệ hai nước.
Tuy nhiên, khi đặt chân đến Mỹ, chúng tôi đã rất xúc động khi được chứng kiến sự tiếp đãi trọng thị và tình cảm của người Mỹ dành cho Việt Nam. Tôi nhớ nhất là trong buổi tiệc tối ngày 19/6, một quân nhân Mỹ tên là Macshin khi đó đã ngoài 80 tuổi, với vóc dáng nhỏ bé xin đến gặp Thủ tướng Phan Văn Khải. Năm 1945, ông Macshin chính là người được đơn vị tình báo chiến lược (OSS - Office Strategic Services) cử đi tháp tùng bác Hồ về nước. Sau rất nhiều năm, Macshin vẫn dành một tình cảm đặc biệt cho người Việt, trong buổi nói chuyện với Thủ tướng, cựu quân nhân Mỹ vẫn luôn nhắc đến chữ “Bác Hồ” và cho biết đã chờ đợi ngày này từ rất lâu.
Thượng nghị sĩ McCain, người đã từng tham chiến tại Việt Nam, cũng phát biểu một câu rất ấn tượng là: “Sau 30 năm sau chiến tranh là lúc chúng ta cần hướng đến các tiềm năng tương lai chứ không phải cứ ngoái nhìn lại nỗi đau quá khứ”. Thế mới thấy, có rất nhiều người Mỹ luôn đồng hành, ủng hộ mối quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp.
Một vị Thủ tướng bản lĩnh trên chính trường nhưng giản dị ngoài đời thực
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được biết đến là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975. Trong chuyến đi này, ông có thể chia sẻ những kỷ niệm và dấu ấn đáng nhớ về vị lãnh đạo đứng đầu nhà nước Việt Nam?
Tôi không có nhiều cơ hội tiếp xúc và trò chuyện với Thủ tướng Phan Văn Khải nhưng trong ấn tượng của tôi thì ông là một người giản dị, trầm tính, sâu sắc và cũng rất quan tâm đến mọi người. Trong chuyến đi Mỹ năm 2005, theo lịch trình thì buổi sáng ngày 21.6 Thủ tướng sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ George W. Bush tại Nhà Trắng, do trong đoàn có rất nhiều anh em báo chí tháp tùng, nên buổi tối ngày 20/6, Thủ tướng có tổ chức một buổi tiệc nhỏ để chúc mừng sớm ngày báo chí Việt Nam. Ngồi dự một lát, Thủ tướng cáo lỗi xin phép lên phòng làm việc ngay. Ông cũng tâm sự là công việc bận rộn, chắc phải thức trắng đêm để chuẩn bị tài liệu cũng như nhận tin tức, thông điệp trong nước gửi sang.
Ngày 21/6, buổi sáng thì Thủ tướng Phan Văn Khải có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ George W. Bush tại Nhà Trắng thì buổi tối hôm đó, một buổi gặp gỡ giữa các nhà chính trị, nghị sỹ, doanh nghiệp và phái đoàn Việt Nam cũng được tổ chức trọng thị. Tôi nhớ hôm đó, có một kỷ niệm khá đặc biệt là một cựu binh Mỹ quá khích đã lọt được vào hội nghị và có những hành động quá khích, phản đối khi thượng nghị sĩ McCain phát biểu về quan hệ hai nước Việt - Mỹ. Tất nhiên, ngay lập tức hành động này đã bị an ninh Mỹ can thiệp.
Ngay sau đó, đến lượt Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu, đáp từ, ông đã rất bình tĩnh và xoa dịu không khí căng thẳng lúc bấy giờ bằng câu nói: “Đời là thế và đây là chuyện rất bình thường”. Câu nói đơn giản nhưng sâu sắc, thể hiện được bản lĩnh chính trị của người đứng đầu nhà nước Việt Nam, và sau này cũng được truyền thông nhiều nước trích dẫn, đăng lại.
Trong thời gian 9 năm trên cương vị Thủ tướng, ông Phan Văn Khải đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với đổi mới, hội nhập kinh tế Việt Nam. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn nhớ đến những phát biểu thắng thắn, những quyết sách quyết liệt của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trên chính trường, còn riêng ông, dấu ấn đáng nhớ nhất về vị Thủ tướng này là gì?
Với tôi, đây là một vị Thủ tướng đã làm tròn vai trò của mình ở những thời điểm quan trọng của lịch sử.
Khi còn một năm nữa mới hết nhiệm kỳ nhưng thấy tình hình cần phải chuyển giao cho thế hệ tiếp theo và sức khỏe không đảm bảo nên Thủ tướng Phan Văn Khải đã trình bày trước Quốc hội xin được nghỉ, từ nhiệm. Trước khi xin nghỉ, ông đã nêu rõ những tồn tại, thiếu sót của đất nước chưa khắc phục được như về vấn đề tham nhũng... và xác định, nhận trách nhiệm của Chính phủ cũng như cá nhân Thủ tướng. Tôi cho đây là một người rất có trách nhiệm. Thời điểm đó, khái niệm về “từ chức” chưa có ai quan tâm, chú trọng nhưng rõ ràng cách ông chủ động nói và thẳng thắn thừa nhận những vấn đề thiếu xót, hạn chế là rất đáng quý và đáng trân trọng.
Tôi còn nhớ một câu chuyện vui, bên ngoài hành lang Quốc hội, khi ông Phan Văn Khải vẫn đang giữ vai trò là Thủ tướng Chính Phủ. Thời điểm đó, dù ở trên chính trường nhưng tôi thường mặc áo không cổ và rất ít khi đeo cà vạt. Thấy tôi, Thủ tướng cười và bảo: “Ngày hôm qua cũng có đoàn anh em báo chí đến phỏng vấn tôi cũng có một anh mặc kiểu áo không cổ như anh Quốc”. Tôi mới cười và giải thích lý do thì Thủ tướng cũng chia sẻ, ông cũng không thích mặc trang phục nghi lễ mà thích quần áo đơn giản và bảo khi nào về hưu sẽ mặc áo bà ba của Nam Bộ, loại áo không có chân cổ. Và thế là tôi và Thủ tướng cùng cười. Câu chuyện đơn giản thôi nhưng nó cũng cho thấy sự giản dị và bình dân của vị lãnh đạo cấp cao của nhà nước Việt Nam.