Nghĩ đến Truông Bồn, người ta chỉ nghĩ đến sự tàn khốc của cuộc chiến một mất một còn 50 năm trước. Nhưng mấy ai biết rằng, nơi mảnh đất huyền thoại này đã từng thấm đẫm tình quân dân để mạch máu giao thông không đứt quãng, để những đoàn xe vận tải kịp giờ ra trận… Và, cũng mấy ai hiểu được vì sao Truông Bồn được ví là tọa độ lửa một thời.
Tình quân dân trên cung đường huyền thoại
Cụ ông Nguyễn Tất Lữ năm nay đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. 50 năm trước, cụ Lữ là xóm trưởng xóm 9 xã Mỹ Sơn. Vì vậy, mọi hoạt động diễn ra trong xóm, cụ là người rõ nhất.
Trò chuyện với chúng tôi về những năm tháng Truông Bồn bị đánh phá ác liệt, cụ Lữ cho biết: Khoảng cuối năm 1967, đại đội TNXP 317 về đóng quân trên địa bàn xóm 9 xã Mỹ Sơn và ở trong nhà dân. Ngoài thời gian đào hầm hào, công sự, san lấp hố bom; TNXP còn cùng với dân quân và nhân dân tham gia sản xuất.
Theo lời kể của cụ Lữ, xóm 9 xã Mỹ Sơn thời ấy chỉ là mấy chục ngôi nhà dựa lưng vào triền núi. Từ nơi đại đội TNXP 317 và bộ đội công binh đóng quân ở xóm 9 đến tọa độ lửa Truông Bồn chỉ chừng 1,5km. Người dân xóm 9 xã Mỹ Sơn chính là hậu phương vững chắc tiếp lửa cho tiền tuyến Truông Bồn.
Cụ Lữ nhớ lại: Xóm 9 xã Mỹ Sơn thời ấy có 39 hộ dân; trong đó có đến 33 hộ dân có TNXP và bộ đội ở cùng. Gia đình tôi cũng có ba TNXP ở trong nhà là o Thụ, o Hùng, o Đường. Thường ngày, chúng tôi ăn gì thì các o ăn nấy; bữa thì khoai, sắn, bữa thì cơm độn.
Không riêng gì gia đình cụ Lữ, hàng chục hộ dân khác nơi xóm 9 xã Mỹ Sơn ngày ấy cũng là mái nhà chung cho nhiều TNXP đại đội 317 và bộ đội công binh. Những ngày làm nhiệm vụ tại tuyến lửa Truông Bồn gian khổ, vất vả nhưng luôn thấm đẫm tình quân dân thắm thiết.
Cho đến tận bây giờ, hai ông bà Đào Văn Thùy và Nguyễn Thị Hồng vẫn không thể quên được những gương mặt TNXP đã về làng 50 năm trước. Kỷ niệm những ngày cùng ăn, cùng ở, cùng TNXP đào hầm hào, cùng tham gia sản xuất… đã trở thành một phần của cuộc sống, mà mỗi khi nhắc tới bà vẫn thấy xúc động, bồi hồi.
Bà Hồng kể lại: "Gia đình tôi lúc ấy ở 5 gian nhà tập thể của HTX Mỹ Thái, hai vợ chồng bàn nhau nhường cho các o, chú TNXP hai gian. Khi đó có các chú Hạp, Thỏa, Tràn, Phương và o Dương ở trong nhà".
Sáng sớm hoặc ngay sau mỗi trận bom, khi tiếng kẻng báo động vang lên, TNXP, bộ đội, dân quân lại mang cuốc, xẻng, súng đạn băng đồng ra tiền tuyến Truông Bồn san lấp hố bom. Đêm đến, để tránh máy bay địch phát hiện, TNXP lại biến mình thành cọc tiêu sống để đoàn xe vận tải vượt truông.
Có lẽ, với người dân xóm 9 xã Mỹ Sơn ngày ấy, TNXP, bộ đội là những người thân trong nhà. Quân với dân, họ đã sống với nhau những tháng ngày đói khổ nhất, khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
“Chúng tôi coi các o, các chú TNXP, bộ đội như con cháu trong nhà mình. Thấy họ ăn mì lắm cũng tội nên chúng tôi thỉnh thoảng cho họ mớ sắn, khoai hay bơ gạo…”, bà Hồng kể.
Giờ đây kẻ mất, người còn, những người đã từng kề vai, sát cánh, sẻ sắn nhường khoai cho TNXP, bộ đội nơi tuyến lửa Truông Bồn chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng, có một điều chắc chắn rằng: 33 hộ nông dân thời kỳ ấy đã cùng ăn, ở, lao động, chiến đấu cùng TNXP, bộ đội công bình chính là 33 pháo đài chống Mỹ kiên cường; tiếp lửa cho tiền tuyến Truông Bồn.
Ông Nguyễn Tâm Cớn - Nguyên đại đội trưởng đại đội TNXP 317 tâm sự: Người dân xóm 9 xã Mỹ Sơn là điểm tựa vững chắc cho TNXP và bộ đội những ngày đánh Mỹ.
Vì sao Truông Bồn là tọa độ lửa?
Trong cuộc leo thang chiến tranh phá hoại Miền Bắc, Đế quốc Mỹ đã điên cuồng trút xuống cung đường 30 (nay là Quốc lộ 15A) với những địa danh như Truông Bồn, cầu Om, dốc Kỳ Lợn… hàng ngàn tấn bom đạn. Nguyên xóm trưởng xóm 9 xã Mỹ Sơn (ngày ấy) Nguyễn Tất Lữ đặt câu hỏi với chúng tôi: Vì sao gọi Truông Bồn là tọa độ lửa? Nhưng, thế hệ sinh sau như chúng tôi làm sao trả lời?
Lý giải điều này, Phó Ban quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn Đặng Công Chính cho rằng: Truông Bồn là tọa độ lửa bởi nó nằm trên cung đường chiến lược 30 (nay là Quốc lộ 15A) ở vị trí độc đạo, truông dốc.
Mặt khác, đây là vị trí cách hang 12 thung (thuộc xã Trù Sơn) gần 10km, đó là kho quân nhu của miền Bắc. Đế quốc Mỹ đánh phá Truông Bồn chính là muốn cắt đứt con đường tiếp viện của ta. Có lẽ vì thế mà, trong khoảng thời gian từ 1963-1973, tại các vị trí xung quanh Truông Bồn đã có 1.240 bộ đội, TNXP hi sinh khi đang làm nhiệm vụ.
Trong cuộc đối đầu một mất một còn ấy, Đế quốc Mỹ đã đụng độ với lực lượng bộ đội công binh, TNXP và một tập thể những người nông dân xóm 9 đang tựa lưng vào nhau để viết nên khẩu hiệu “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”.
Nhiệm vụ của bộ đội công binh, TNXP tại tuyến lửa Truông Bồn là thông đường, rà phá bom mìn cho đoàn xe ra trận. Bất kể đêm ngày, từ hậu phương xóm 9, họ lại mang cuốc xẻng, súng đạn qua cánh đồng Mỹ Sơn để ra tiền tuyến Truông Bồn.
Ngày 31/10/1968 đã trở thành ngày đau thương nhất khi 13 thanh niên nam nữ thuộc tiểu đội cảm tử đại đội TNXP 317 đã mãi mãi nằm xuống khi tuổi đời còn quá trẻ. Nhân dân xóm 9 xã Mỹ Sơn đã mất đi 13 người con anh dũng, quả cảm.
Cụ Lữ nghẹn ngào: Sáng sớm, mọi người đang chuẩn bị ra đồng sản xuất thì máy bay Mỹ ào tới. Một loạt tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên. Sau tiếng nổ là tiếng kẻng báo động rồi tiếng loan báo TNXP hy sinh nhiều. Ai trong xóm cũng khóc thương bởi TNXP đã được họ coi như người thân trong nhà.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, dấu vết đạn bom và những mất mát của cuộc chiến tranh đã lùi xa. Nhưng có một điều chắc chắn rằng tình quân dân nơi tọa độ lửa Truông Bồn sẽ còn mãi và được nhắc tới như là một biểu tượng của niềm tự hào dân tộc.