Cái chết của 2 nhà báo tại Mosul một lần nữa làm dấy lên lo ngại về an toàn cho các nhà báo đưa tin từ điểm giao tranh nóng nhất thế giới này.
Không quản nguy hiểm, đặt mình vào tử địa
Theo AFP, một quả mìn đã phát nổ khiến nhà báo người Iraq Bakhtiyar Addad, 28 tuổi, thiệt mạng vào ngày 19/6. Một lúc sau, một đồng nghiệp người Pháp của Addad là Stephan Villeneuve cũng qua đời do bị thương quá nặng.
Cả hai nhà báo này đều thiệt mạng khi đang đưa tin về cuộc chiến giữa lực lượng đặc nhiệm Iraq với IS tại “tử địa” Mosul. Cuộc chiến này đặc biệt cam go khi IS không ngần ngại sử dụng khoảng 100.000 thường dân đang mắc kẹt tại đây làm “lá chắn sống” cho chúng.
Theo Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RFS), có tới 28 nhà báo đã thiệt mạng tại Iraq từ năm 2014 đến nay. Chính RFS cũng là tổ chức thường xuyên đưa tin về các nhà báo đã thiệt mạng tại Iraq.
Tổng Thư ký RSF Christophe Deloire khẳng định “Iraq là một trong những đất nước chết chóc nhất đối với các nhà báo. Iraq một trong 3 quốc gia có nhiều nhà báo tử nạn khi đang tác nghiệp nhất trên thế giới trong 2 năm 2015 và 2016”.
Hơn thế nữa, việc tác nghiệp về cuộc chiến tại Mosul là đặc biệt khó khăn, nhất là tại các con phố hẹp ở khu Thành Cổ, nơi phiến quân IS ẩn náu. Ziad Al-Ajili- một thành viên của Tổ chức Quan sát Tự do Báo chí tại Iraq cho biết, đã có 9 nhà báo- trong đó có 8 người là công dân Iraq- thiệt mạng tại Mosul kể từ mùa Thu năm ngoái.
Trưởng nhóm phóng viên của Đài France Televisions Etienne Leenhardt cho biết: “Mosul là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các nhà báo. Họ không thể đoán trước được điều gì có thể xảy ra. Lính bắn tỉa của cả 2 bên núp sẵn trong các bụi cây rình rập họ, máy bay không người lái bất ngờ thả chất nổ vào xe của họ. Mosul là một mê cung với những ngõ ngách nhỏ có người dân sinh sống trong đó. Gần như không thể quan sát gì nhiều”.
Nhà báo - mục tiêu hàng đầu của IS
“Mosul là trận đánh cuối cùng đối với vài trăm phiến quân khủng bố IS đang giãy giụa trong tuyệt vọng để bảo vệ thành trì của chúng”, phóng viên thường trú kỳ cựu của tờ báo Pháp Le Figaro Georges Malbrunot cho biết.
Ông Georges Malbrunot từng bị phiến quân Hồi giáo tại Iraq bắt làm con tin trong vòng 4 tháng hồi năm 2004. Dù vậy, ông vẫn thường xuyên quay trở lại Iraq để đưa tin về cuộc chiến tại đây. “Phiến quân IS cố gắng gây ra tổn thất tối đa cho binh sĩ và thường dân tại đây. Mạng người đối với chúng chẳng có chút giá trị nào hết”, ông Georges Malbrunot nói.
Cùng chung quan điểm này Tổng Thư ký RSF Christophe Deloire cho biết, tổn thất cả về người và của đối với các hãng tin khi đưa tin về cuộc chiến tại Iraq nhất là kể từ khi IS chiếm được Mosul năm 2014 là đặc biệt nghiêm trọng và rất đáng lo ngại.
“IS muốn Mosul sạch bóng các nhà báo, chúng đã cưỡng ép họ phải rời khỏi thành phố này”, ông Deloire nói và cho biết thêm rằng, hiện IS vẫn còn giữ ít nhất 10 nhà báo làm con tin.
Theo nhà báo Leenhardt của Đài France Televisions, hiện hầu hết các nhà báo đưa tin từ Mosul đều tình nguyện làm việc này. Họ phải tuân thủ chặt chẽ mọi yêu cầu về việc bảo đảm an toàn cá nhân như đội mũ và mặc áo chống đạn. Những nhà báo này cũng mang theo các thiết bị định vị để mọi người có thể tìm thấy họ trong trường hợp khẩn cấp.
Dù vậy, cũng theo nhà báo Leenhardt, đã có trường hợp họ phải hủy bỏ dự định làm việc ban đầu: “Chúng tôi cử một nhóm đến Raqqa (Syria) vào tuần trước nhưng đã phải rút họ ra ngay khỏi đó bởi chúng tôi nhận ra rằng, không thể để họ mạo hiểm một cách không đáng”.
Tuy nhiên, nhà báo Leenhardt khẳng định, việc đưa thông tin về các cuộc giao tranh vẫn là việc phải làm: “Chúng tôi cần đưa tin về số phận của các thường dân, về những toan tính chính trị, về những xung đột về mặt quan điểm đạo đức trong cuộc chiến. Chúng tôi không thể bỏ lọt thông tin nào”./.
Theo VOV