(Baonghean) - Từ xuất phát điểm thấp hơn mức trung bình của cả nước, ở thời điểm năm 2010 chỉ mới có 17,31 giường bệnh/vạn dân, đến nay Nghệ An đã đạt chỉ tiêu 23,8 giường bệnh/vạn dân. Đó được coi là nỗ lực đáng ghi nhận của ngành Y tế tỉnh nhà. Từ kết quả ấy, tỉnh ta đang nỗ lực cho mục tiêu năm 2015 tăng số giường bệnh ở các bệnh viện công lập là 420 giường; giường bệnh tư nhân tăng 150 giường... 
 
Những năm qua, tỉnh ta luôn đảm bảo kinh phí đầu tư cho phát triển sự nghiệp y tế, hàng năm chi từ 9 - 10% GDP của tỉnh; đặc biệt tập trung nỗ lực đầu tư để phát triển hệ thống các cơ sở y tế. Đáng kể là trong 2014, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô 700 giường, các trang, thiết bị hiện đại của một bệnh viện loại 1. Ngành Y tế tỉnh tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương hoàn thành xây dựng các bệnh viện đa khoa khu vực. Kêu gọi và thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho các cơ sở y tế trong tỉnh, tổ chức triển khai có hiệu quả các dự án sử dụng vốn trong và ngoài nước như: Dự án hỗ trợ Y tế Bắc Trung bộ, mua sắm thiết bị cho 8 bệnh viện tuyến huyện, 7 trung tâm y tế tuyến huyện …; Dự án tăng cường hệ thống y tế tỉnh Nghệ An, vốn ODA – CHLB Đức: đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc, Bệnh viện Đa khoa Tân Kỳ, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Đô Lương; Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải triển khai tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam và Bệnh viện Lao. 
 
images1102161_a7_b_nh_vi_n_h_u_ngh__da_khoa_t_nh__p_d_ng_k__thu_t_cao_trong_kh_m__ch_a_b_nh..jpgBệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh áp dụng kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh.
 
Những năm qua, Nghệ An được coi là một trong những địa phương làm khá tốt công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 10 bệnh viện ngoài công lập như Thái An, Thành An, 115, Ðông Âu, Minh Hồng, Phủ Diễn... với trên 1.000 giường bệnh; số giường bệnh tăng hàng năm, hiện đạt chỉ tiêu 3,5 giường/vạn dân; góp phần tích cực trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Bên cạnh đó, phải kể sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, trang, thiết bị cho hệ thống cơ sở y tế. Chỉ tiêu giường bệnh tăng lên trong những năm gần đây còn là từ chất lượng công tác khám, chữa bệnh được cải thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Như Khoa Châm cứu - Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh gần đây đã được định hướng chuyên khoa sâu điều trị bệnh liệt dây thần kinh.
 
Hệ thống trang thiết bị cũng như đội ngũ y, bác sỹ được tập trung đầu tư và nâng cao về nghiệp vụ chuyên môn này. Nhờ đó, số ca bệnh đến điều trị tại khoa tăng lên hàng năm. Bên cạnh đó, sự đầu tư của Nhà nước xây dựng và đưa vào sử dụng 100 giường bệnh (năm 2013) và nhiều trang thiết bị, kỹ thuật mới góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh;chỉ tiêu giường bệnh của bệnh viện tăng lên hàng năm, năm 2011 là 250 giường bệnh và đến nay, con số đó là 300 giường bệnh kế hoạch, giường bệnh thực tế phục vụ bệnh nhân là 360 giường. Tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, số giường bệnh kế hoạch là 800 giường, nhưng số giường bệnh thực hiện năm 2014 lại đạt tới 1.063 giường bệnh do số lượt bệnh nhân đến thăm khám ngày càng tăng lên. Để đáp ứng nhu cầu, bệnh viện tự cân đối ngân sách bảo đảm cho số giường bệnh nằm ngoài kế hoạch… 
 
Ở tuyến huyện, chỉ tiêu giường bệnh của các bệnh viện hầu hết cũng đều tăng lên hàng năm. Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương thuộc địa bàn miền núi được hưởng đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Dự án y tế Bắc Trung bộ đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, trang, thiết bị phục vụ hoạt động. Hàng năm, bệnh viện còn trích nguồn thu và huy động được các nguồn xã hội hoá để xây dựng cơ sở vật chất; liên kết với các doanh nghiệp đầu tư các trang, thiết bị cho bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sỹ, bệnh viện đã triển khai các kỹ thuật: phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp phaco. Phẫu thuật u tuyến nước bọt… Đồng thời, thực hiện tốt các quy chế trong khám, chữa bệnh để chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng lên tạo niềm tin cho người bệnh đến bệnh viện. Nhờ vậy, số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng lên, năm 2014 ước đạt trên 132 nghìn lượt người, tổng số giường bệnh kế hoạch tăng hàng năm 10 giường, đến nay đạt 200 giường. Giường bệnh thực hiện cao hơn kế hoạch 60 giường.
 
Ngành Y tế cũng đã triển khai chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện có chất lượng Đề án "Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2020", Đề án "Nâng cao y đức" do UBND tỉnh phê duyệt. Từ chỗ xuất phát điểm của ngành thấp hơn mức trung bình của cả nước. Vào năm 2010, khi đó Nghệ An có 4,3 bác sỹ/vạn dân so với 20,5 và 7 của toàn quốc; đến năm 2014, Nghệ An đã đạt chỉ tiêu 23,8 giường bệnh/vạn dân và 6,8 bác sỹ/vạn dân. Theo ông Đậu Huy Hoàn – Phó Giám đốc Sở Y tế, trong những năm qua, số lượng bệnh nhân đến thăm khám tại các cơ sở y tế không ngừng tăng lên, năm 2014, đã có 5,7 triệu lượt người đến các bệnh viện để thăm khám; điều trị cho 440 nghìn lượt bệnh nhân, phẫu thuật cho trên 50 nghìn ca các loại… chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, với nhiều kỹ thuật mới được triển khai thực hiện như ghép thận, tạng, tuỷ…
 
Song song với tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật cho tuyến huyện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới, là triển khai có hiệu quả việc khám, chữa bệnh theo phân cấp, phân tuyến, đẩy mạnh xã hội hoá y tế tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Hầu hết các bệnh viện đã thực hiện áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh viện, để đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục hành chính; chú trọng chất lượng phục vụ bệnh nhân. Công tác khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách và trẻ em đều được triển khai thực hiện tốt ở các tuyến…
 
Để đạt được mục tiêu của ngành Y tế đề ra năm 2015 tăng số giường bệnh ở các bệnh viện công lập là 420 giường; giường bệnh tư nhân tăng 150 giường; theo ông Đậu Huy Hoàn – Phó giám đốc Sở Y tế, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, thời gian tới, ngành Y tế phát huy tối đa nguồn lực hiện có của Trung ương, địa phương và đẩy mạnh xã hội hoá; đồng thời, tăng cường công tác đào cán bộ, đào tạo theo địa chỉ để sử dụng cho khu vực miền núi, có cơ chế khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành Y. Tiếp tục thực hiện phân tuyến và danh mục kỹ thuật đối với từng bệnh viện; tăng cường chuyển giao kỹ thuật, bác sỹ từ tuyến trên xuống tuyến dưới có hiệu quả. Để giảm tải bệnh viện, ngoài đẩy mạnh cải cách hành chính trong tại các cơ sở y tế, ngành tăng cường thêm phòng khám, bác sỹ làm việc tại phòng khám; tăng cường cơ sở vật chất, bố trí thêm giường bệnh cho bệnh nhân nội trú… Theo kế hoạch năm 2015, ngành Y tế sẽ phát triển xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền theo hướng hiện đại, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại; nâng cao chất lượng của Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng; phát triển kỹ thuật chuyên sâu cho các bệnh viện chuyên khoa như: Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Sản - Nhi, Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần và Bệnh viện Mắt”…
 
 
Đinh Nguyệt