(Baonghean) - Người nước ngoài đến Việt Nam không còn ngạc nhiên trước những hàng ăn nơi phố xá, bên những đống rác hay lẹp nhẹp nước thải thoát ra từ một đường cống gần đó. Họ ngạc nhiên nhiều hơn trước thái độ thản nhiên, dửng dưng của người Việt Nam khi chấp nhận thực phẩm bẩn và tiêu thụ thực phẩm bẩn từ năm này qua năm khác
Người nước ngoài đi du lịch các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng luôn mang theo thuốc đau bụng như “vật phòng thân”. Một phần vì hệ tiêu hoá khi gặp thức ăn, gia vị lạ hay có phản ứng “phản vệ” tự nhiên. Một phần vì khâu an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước châu Á và Việt Nam vẫn còn lởm khởm.
Nếu hỏi khách nước ngoài, món ăn gì khiến họ ấn tượng nhất khi đến Việt Nam, câu trả lời thường quanh quẩn trong mấy món: phở, bánh mỳ, bánh xèo, bún chả… Nghĩa là toàn những món ăn đường phố, ăn ở những quán ăn nhỏ, lụp xụp hay thậm chí là trên vài chiếc bàn, ghế nhựa kê vội ở vỉa hè. Thậm chí nhiều người nhận xét: Hình như quán càng nhỏ, càng tồi tàn, ăn lại càng ngon, mặc dù đôi khi sau bữa ăn là pha rượt đuổi với cái nhà vệ sinh! Khó có thể đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ở những hàng quán ven đường ấy.
Chưa cần biết nguồn gốc nguyên liệu như thế nào, chỉ riêng việc chế biến món ăn và ăn uống ngay cạnh làn xe cộ qua lại là đủ khẳng định: Ăn hàng đồng nghĩa với… ăn bẩn! Người Việt Nam nói chung chấp nhận thực tế này và thậm chí còn cho đó là điều bình thường. Có người giật mình khi đọc thông tin về cá biển nhiễm kim loại, tôm bơm nước hay chân gà thối để hàng chục năm, song lại quên rằng bản thân có thói quen ăn sáng ở hàng xôi đầu ngõ, ngay cạnh cái cống thoát nước đen ngòm. Nguy hiểm chính là ở chỗ đó: Người ta quen với thực phẩm bẩn đến mức quên luôn cái sự thật là mình đang ăn đồ ăn bẩn từng ngày, từng giờ.
Ở nước ngoài cũng có thực phẩm bẩn. Đã từng có những vụ scandal chấn động dư luận khi người ta phát hiện ra các xưởng sản xuất sủi cảo tại gia của người Trung Quốc ở nước ngoài, dùng thịt ôi thiu làm nhân, bán giá rẻ rề cho các nhà hàng ăn nhanh.
Hay mới đây, Tổng thống của một nước phải triệu tập họp khẩn vì một doanh nghiệp cung cấp thịt gia cầm quy mô quốc gia và xuyên quốc gia dùng hoá chất để thịt có màu đẹp hơn. Ở đâu cũng có gian thương, có người xem thường sức khoẻ và mạng sống của đồng loại để chạy theo lợi ích kinh tế. Thế nhưng chính bản thân người tiêu dùng cũng coi nhẹ sức khoẻ, tính mạng của mình khi chấp nhận thực phẩm bẩn thì quả thực là quá mâu thuẫn, quá lạ lùng.
Nhiều bà nội trợ sẽ trả lời một cách bất lực: Ăn cũng chết mà không ăn cũng chết, bây giờ cái gì cũng bẩn nên đành nhắm mắt đưa chân chứ biết làm thế nào? Đó là tiếng kêu tuyệt vọng hay là lời bao biện cho sự mềm lòng, thiếu cương quyết bảo vệ cho sức khoẻ và tính mạng của bản thân? Một hàng đậu phụ bẩn được “chỉ mặt gọi tên” rành rành trên báo nhưng chỉ cần vài tuần, thậm chí vài ngày sau là khách vẫn tấp nập vào ra mua hàng như “chưa hề có cuộc chia ly”. Người Việt Nam hay có tính cả nể và quán tính, sức ỳ lớn. Ngay cả khi đó là quán tính trong vấn đề sử dụng thực phẩm bẩn, người ta cũng thấy từ bỏ nó sao mà khó khăn!
Người nước ngoài đến Việt Nam không còn ngạc nhiên trước những hàng ăn nơi phố xá, bên những đống rác hay lẹp nhẹp nước thải thoát ra từ một đường cống gần đó. Họ ngạc nhiên nhiều hơn trước thái độ thản nhiên, dửng dưng của người Việt Nam khi chấp nhận thực phẩm bẩn và tiêu thụ thực phẩm bẩn từ năm này qua năm khác. Thực phẩm bẩn liệu có nhởn nhơ mãi được không, nếu như không phải vì chúng ta ăn bẩn?
Hải Triều