Sau 13 ngày diễn ra sôi nổi (17 - 30/6), Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 đợt 2 đã diễn ra vào tối 30/6 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk.

Liên hoan do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức.

Chương trình 'Sắc' của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh đạt Huy chương Vàng Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc ảnh 1

Một tiết mục trong Chương trình "Sắc". Ảnh: Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh cung cấp

Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc đợt 2, năm 2021 thu hút sự tham gia của trên 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ đến từ 22 đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Liên hoan được tổ chức ở 2 loại hình nghệ thuật: Loại hình ca, múa, nhạc và loại hình giao hưởng, nhạc vũ kịch, thanh xướng kịch, với gần 200 tiết mục ở đầy đủ thể loại như hát, múa, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ, cải lương, ca kịch, chèo, tuồng.

Các diễn viên Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh tại lễ bế mạc và trao giải Liên hoan. Ảnh:Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh cung cấp

Tham gia Liên hoan lần này, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh trình diễn chương trình “Sắc” với nhiều tiết mục ca múa nhạc ấn tượng. Các tiết mục được đầu tư công phu dựa trên trục nội dung chính là ca ngợi tình yêu quê hương, con người thông qua những hình ảnh nhân sinh trực quan. Nổi bật nhất vẫn là sự lồng ghép các nét di sản xứ Nghệ, như dân ca ví, giặm, dân ca dân tộc thiểu số,... thành những tác phẩm múa nghệ thuật, đơn ca song ca, hợp ca khắc họa về dòng chảy lịch sử, về thân phận con người.

Chương trình “Sắc” gồm 3 phần. Phần 1 có chủ đề “Hương sắc dòng Lam” gồm 4 tác phẩm được khai thác từ chất liệu ví, giặm chuyển tải câu chuyện đôi miền sông Lam; những nét sơ khai mộc mạc của Dân ca ví, giặm trong lao động và sản xuất, trong tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, đất nước và con người.

Phần 2 có chủ đề “Sắc nắng miền Tây” với các tác phẩm được khai thác từ chất liệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số Mông, Khơ mú, Thổ, Đan Lai qua các tiết mục như: “Đi tìm bóng nắng” chất liệu dân tộc Đan Lai; Lĩnh xướng tốp ca “Hát chơi trăng chơi Xuân” phát triển dân ca Thổ; Song ca Khèn hát người thương phát triển dân ca Mông.

Phần 3: có chủ đề “Sắc màu vươn xa” nói về khát vọng hùng cường của một dân tộc, là sự cộng hưởng của những khát vọng vươn lên của con người nơi vùng đất nắng gió.

Nhạc sỹ Trần Quốc Chung – Phó Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết: “Sắc” là tên gọi của chương trình nhằm khái quát những nét đẹp của đất và người Nghệ An được chưng cất trong những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Sắc không chỉ là vẻ đẹp, là những tinh túy mà còn là ý chí, khát khao là vẻ đẹp trong tình yêu, lao động của con người.

Với 12 tiết mục tham gia bằng kết cấu chặt chẽ cả nội dung lẫn nghệ thuật. Chương trình “Sắc” của Trung tâm Nghệ thuật tỉnh được đánh giá là chương trình đặc sắc về nội dung hấp dẫn về hình thức thể hiện, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân trong thời đại 4.0.

Chương trình đoạt được Huy chương Vàng toàn đoàn với 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng, 2 Bằng khen cho cá nhân biểu diễn sáo trúc và cho tập thể múa.