Hiện chuối tiêu hồng đang bế tắc đầu ra. Video: Thanh Phúc, Kỹ thuật: Lâm Tùng |
Có mặt tại vùng bãi Thuận Lý (Thuận Sơn) khi 20 ha chuối tiêu hồng đang vào kỳ thu hoạch. Khoảng 1/3 diện tích chuối quả đã xanh già, nhiều buồng chín bói nhưng chủ trại chỉ thu hoạch cầm chừng do không có thương lái thu mua.
Anh Nguyễn Trọng Tuấn - người quản lý trang trại chuối rộng 20 ha này cho biết: “Hiện đang là chính vụ thu hoạch chuối tiêu hồng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 15-20 tấn chuối được thu hoạch. Song, chuối chặt xuống không biết bán cho ai. Thi thoảng mới có thương lái từ Vinh lên thu mua độ vài tấn/chuyến”.
Anh Tuấn cho biết, để có 20 ha chuối phát triển như hôm nay, vốn đầu tư ban đầu từ cải tạo đất, hệ thống điện nước, giống, phân bón… lên đến hàng chục tỷ đồng.
Cuối năm 2019, những cây chuối tiêu hồng đầu tiên được trồng, quy trình chăm sóc cây chuối tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu nên rất kỳ công, tốn kém. Theo tính toán, để có một buồng chuối đạt tiêu chuẩn, tiêu tốn 100.000 – 120.000 đồng.
Vậy nhưng, năm 2020, khi lứa chuối đầu tiên cho thu hoạch thì dịch Covid- 19 trên thế giới diễn biến phức tạp, chuối chỉ xuất khẩu nhỏ giọt sang Trung Quốc với mức giá thấp, lợi nhuận gần như là con số “0”. Không có lãi nhưng vẫn còn may mắn là tiêu thụ được. Anh Tuấn cho biết: “Năm ngoái, giá chuối thấp nhưng vẫn xuất sang Trung Quốc được 15 container và sau đó, thương lái ngoài Bắc vào thu mua nên chuối không bị ứ đọng”.
Còn năm nay, không xuất khẩu được, các tỉnh phía Bắc dịch bùng phát mạnh nên thương lái không vào thu mua, thị trường tiêu thụ nội tỉnh gần như không có nên chuối ế ẩm, ứ đọng. Chuối chín nẫu đành phải vứt bỏ hoặc mang đi ủ làm phân vi sinh.
Bế tắc đầu ra, giá chuối cũng xuống thấp kỷ lục, chỉ dao động 1.200 – 1.800 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư đã lên đến 2.500 - 3.000 đồng/kg, nếu bán với mức giá 4.000 đồng/kg thì mới có lãi. Theo tính toán, với mức giá này, người trồng chuối phải bù lỗ khoảng 15-20 triệu đồng/ha.
Mô hình trồng chuối tiêu hồng xuất khẩu từng được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội trên vùng đất bãi Thuận Sơn (Đô Lương) và là một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiên phong của huyện.