(Baonghean.vn) - Một khi linh hồn bị cầm giữ bởi thần linh, cơ thể sẽ trở nên ốm yếu, bệnh tật. Lúc này người ta biện lễ đi chuộc về, theo quan niệm dân gian của cộng đồng người Thái.

Clip: Lễ chuộc hồn vía ở bản Tờ xã Yên Khê – Con Cuông:

Từ đầu năm, cụ Phúc ở bản Tờ xã Yên Khê huyện Con Cuông chợt đổ bệnh. Dù đã đến nhiều bệnh viện khác nhau nhưng bệnh không thuyên giảm. Lúc này người ta nghĩ đến biện pháp tâm linh. Nghĩa là phải cần đến một thầy mo để xem cụ gặp vấn đề gì mà thuốc thang nào cũng không khỏi bệnh.

Người Thái ở Con Cuông làm lễ chuộc lại hồn vía khi hồn vía bị cầm giữ bởi một thế lực thần linh hay ma quỷ nào đó. Theo quan niệm dân gian, nếu không chuộc về thì cơ thể sẽ trở nên đau ốm, bệnh tật, thậm chí là chết. Ảnh: Hữu Vi

Theo quan niệm tâm linh của cộng đồng Thái thì con người ta ngoài thể xác, hồn vía cũng rất quan trọng đối với một cơ thể mạnh khỏe. Mỗi người có đến hàng chục, thậm chí hàng trăm phần vía. Mỗi khi hồn vía đi lạc sẽ khiến thân xác bệnh tật, ốm đau triền miên.

Một người con gái được giao việc mang theo một chiếc áo của cụ Phúc đến nhà thầy mo. Sau khi làm lễ, cầm chiếc áo lên, thầy mo phán bảo vía của cụ Phúc đã đi lạc từ 23 năm nay. “Họ (hồn vía) đã làm, vỡ ruộng. Cây trồng cũng đã có quả.” – Thấy mo nói.

Muốn chuộc lại hồn vía cho cụ Phúc, người nhà phải biện lễ đi “chuộc” thì những kẻ đang cầm giữ mới chịu thả ra. Các thế lực siêu nhiên là chủ nhân của đất và ruộng ở đó đòi lễ gồm 1 con chó để canh nhà, tiết chó, một con gà, tiết gà, vải vóc, bạc nén. Tất nhiên không thể thiếu rượu. Vị thầy mo chọn một ngày đẹp trong tháng và ủy thác cho một thầy mo khác làm lễ chuộc hồn vía cho cụ Phúc.

Thầy mo tung đồng xu hỏi xem ý của thần linh thế nào. Nếu tung được 2 lần một đồng sấp, một đồng ngửa thì coi như thần linh đã đồng ý nguyện vọng của con người. Ảnh: Hữu Vi

“Buổi lễ thực sự là một chuyếm đi trong cõi tâm linh.” – ông Vi Văn Nguyên trú bản Kẻ Mẽ xã Mậu Đức (Con Cuông), thầy mo tổ chức buổi lễ chia sẻ. Theo mo Nguyên thì thế giới tâm linh cũng được chia thành các mường khác nhau.  

Mường Bằng Phẳng là chốn ở của người, thần linh cai quản bản mường, đất đai và những vực nước, khúc sông lớn nhỏ khác nhau, là nơi cư trú của thuồng luồng, một loại linh vật trong truyền thuyết dân gian.

Mường Rừng là nơi cư ngụ của hổ và các thứ thần linh như ma rừng, ma núi, ma cây cối, nương rẫy… Có một thời gian dài, người ta sợ hãi con hổ còn hơn thuồng luồng. Vì thế người ta cũng coi hổ như là một linh vật, thiêng liêng như thuồng luồng vậy.

Khi đã chuộc được hồn vía, áo của người cần chuộc hồn được đem về nhà. Ảnh: Hữu Vi

Mường Trời không có người ở. Đó đơn giản chỉ là một khoảng trung gian. Ở đó có môt chiếc guồng nước quay suốt ngày đêm.

Mường Then là nơi ở của các thần linh cai quản trần gian. Trong đó có Then Na, người đứng đầu các vị thần cả 4 mường. Con người chỉ có thể đến được mường Bằng Phẳng và mường Rừng. Chỉ có thầy mo lên được mường Trời và mường Then.

Theo thầy mo thì nơi hồn vía cụ Phúc bị cầm giữ ở Mường Bằng Phẳng. Con cháu có thể theo thầy mo đến để chuộc và đón về. Trong ngày đã định, mo Nguyên cùng đàn con cháu tổ chức lễ mà theo ông thì nó hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa tinh thần. Muốn khỏi bệnh tất nhiên phải dùng đến thuốc thang.

Ông Nguyên cho biết thêm : “Vào năm 1976 tôi từng đi tham gia tuyên truyền chống mê tín dị đoan nên nhận thức rõ việc cúng bái ngày nay chỉ mang ý nghĩa tinh thần giúp người ốm vui mà không thể thiếu được thuốc men.”

Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN