(Baonghean) - Ngày 10/8/1961, chiếc máy bay trực thăng H-34 của Không lực Hoa Kỳ thực hiện chuyến bay rải chất diệt cỏ đầu tiên dọc theo quốc lộ 14 từ Kon Tum lên Đăk Tô, mở đầu cho chiến dịch rải chất khai quang, diệt cỏ của quân đội Mỹ tại miền Nam nước ta. Trong mười năm (từ 1961 đến 1971), quân đội Mỹ đã rải xuống đất nước ta khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam đi-ô-xin. Chất độc này đã làm cho 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp và khoảng 150.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh. Đã xuất hiện thế hệ thứ 3 (cháu của những người bị phơi nhiễm) mang di chứng của chất độc da cam. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách thiết thực, ý nghĩa đối với nạn nhân chất độc da cam. Hàng năm, Chính phủ đã chi khoảng 800 tỷ đồng cho việc khắc phục hậu quả chất độc hoá học. Năm 2004, Chính phủ đã thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam nhằm tuyên truyền, vận động, thu thập chứng cứ, tập hợp những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam lên án tội ác chiến tranh do Mỹ gây ra; đồng thời kêu gọi sự chung tay của cộng đồng nhằm chia sẻ khó khăn đối với các nạn nhân chất độc da cam. Từ năm 2004, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức "Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8" và sau đó phát triển thành "Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam" (từ 10/8 đến 10/9 hàng năm). Từ năm 2005, thông qua phong trào này, các cấp hội chữ thập đỏ trong cả nước đã trợ giúp 818.552 lượt nạn nhân với tổng trị giá trên 250 tỷ đồng, riêng năm 2010 đạt trên 60 tỷ đồng. Tỉnh ta hiện có 30.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam dioxin, hầu hết trong số đó đang hết sức khó khăn trong cuộc sống. Ngày 26/9/2006, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh được thành lập. Đến nay, toàn tỉnh đã có 18 huyện, thành thị, 101 xã có hội nạn nhân chất độc da cam với trên 3.000 hội viên. Các ngành chức năng đã kiểm tra hồ sơ, đối chiếu thực tế và đã xét, quyết định cho 16.674 người bị nhiễm chất độc da cam trong tỉnh được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quyết định của Chính phủ (trong đó có 7.661 người là nạn nhân trực tiếp). Chính quyền, đoàn thể và hội nạn nhân chất độc da cam các cấp đã vận động những tấm lòng hảo tâm chia sẻ, giúp đỡ các gia đình nạn nhân da cam. Từ năm 2006 - 2010, toàn tỉnh đã đóng góp quỹ nạn nhân chất độc da cam 3 tỷ đồng, hỗ trợ làm được 92 nhà tình thương trị giá 938 triệu đồng, hỗ trợ vốn cho 53 gia đình sản xuất, chăn nuôi trị giá 275 triệu đồng; tặng quà cho các gia đình nạn nhân trong ngày tết, Ngày nạn nhân chất độc da cam hàng trăm triệu đồng.  Tuy vậy, hiện vẫn còn rất nhiều gia đình nạn nhân da cam chưa được trợ giúp và họ tiếp tục là "những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo khổ". Một số địa phương vẫn chưa nhận thức đúng, đầy đủ về tính chất, đặc thù của Hội Nạn nhân chất độc da cam để từ đó tạo điều kiện cho hội hoạt động có hiệu quả.   Với mục đích chung tay xoa dịu nỗi đau da cam và từ  những kết quả đã đạt được, "Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam" năm nay  sẽ tập trung vào một số hoạt động như: Tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về tác hại và hậu quả lâu dài của chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đối với sức khoẻ con người và môi trường sinh thái nhân sự kiện "50 năm thảm họa da cam" tại Việt Nam; tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam và ý nghĩa của "Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam"; Tiếp tục khảo sát, đánh giá về nhu cầu, nguyện vọng được trợ giúp của nạn nhân chất độc da cam, tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền vận động các tổ chức, cá nhân tại cộng đồng trợ giúp các nạn nhân và gia đình nạn nhân theo tinh thần cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo"...

Mai Anh