Tết sớm ở vùng cao 

Hiện là giáo viên của Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 (Quế Phong), hơn 20 năm gắn bó với nghề, đến nay thầy giáo Lương Văn Điền vẫn giữ nguyên tình yêu nghề, mến trẻ. Bảng đen, phấn trắng và tiếng bi bô của học trò cũng chính là động lực để thầy vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, dù mấy năm nay căn bệnh Parkinson khiến thầy gặp rất nhiều vất vả trong cử động và sinh hoạt hằng ngày.

Thầy giáo Lương Văn Điền cũng là 1 trong 30 giáo viên của huyện Quế Phong vừa được nhận quà Tết của Sở Giáo dục và Đào tạo nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Hơn cả giá trị vật chất, nhận được món quà tình nghĩa này, thầy cảm nhận được sự quan tâm của nhà trường, của các đồng nghiệp và của ngành đối với những giáo viên có hoàn cảnh éo le. Sự quan tâm, chia sẻ đó thêm một lần nữa giúp thầy có thêm nghị lực để vượt lên hoàn cảnh.

bna_image_681358_2012022.jpegLãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao quà Tết cho giáo viên khó khăn của huyện Quế Phong. Ảnh: M.H

Đã có hàng trăm suất quà được ngành Giáo dục gửi đến các giáo viên vùng cao trong dịp chuẩn bị bước sang năm mới 2022. Với nhiều giáo viên, đây cũng có thể xem là món quà Tết lớn nhất mà họ được hưởng bởi lâu nay khái niệm “thưởng Tết” với ngành Giáo dục vốn khá xa lạ.

Chị Lô Thị Tuyết công tác tại Trường THCS Cắm Muộn gần 10 năm và đến nay mỗi tháng chị có thu nhập gần 5 triệu đồng. Mức lương không cao lại còn phải nuôi 2 con nhỏ, chồng chủ yếu ở nhà làm ruộng nên hoàn cảnh của chị rất khó khăn. Công tác ở vùng khó nên chị và nhiều giáo viên ở trường cũng đã xác định không có thưởng Tết. Nếu có cũng chỉ hỗ trợ mỗi giáo viên từ 400.000 - 500.000 đồng/người. Năm nào rôm rả hơn thì có thêm một số hiện vật khác như can dầu, yến gạo.

Chia sẻ thêm về điều này, chị Tuyết cho biết: “Chúng tôi đã quen với việc không có thưởng Tết rồi nên mỗi năm đều cố gắng vun vén cho gia đình có một cái Tết trọn vẹn. Tuy nhiên, năm nay nhận được quà Tết của ngành, tôi vui hơn nhiều vì điều này sẽ giúp tôi có thêm điều kiện để mua quần áo mới cho con, mua thêm một số vật dụng cho ngày Tết”.

Nhiều món quà Tết đã kịp đến với các giáo viên vùng cao. Ảnh: M.H

Lên với các huyện vùng núi cao, câu trả lời chung của các thầy giáo, cô giáo về thưởng Tết đều là cái lắc đầu. Bởi, đặc thù của các trường học đều không có nguồn thu. Vì thế, nếu có tiền Tết thì có chăng chỉ là một sự hỗ trợ rất nhỏ về tinh thần được các nhà trường tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên hàng năm.

Thầy Phan Xuân Quân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Hợp (Quỳ Hợp) cho biết: “Thường mỗi một năm nhà trường trích từ kinh phí tiết kiệm của nhà trường và tiền công đoàn để hỗ trợ cho giáo viên từ 500.000 - 700.000 tiền Tết. Số tiền này rất nhỏ và chỉ đủ cho các giáo viên mua một vài vật dụng cho dịp Tết và cũng chỉ là món quà động viên của nhà trường. Còn lại, nếu nói thưởng Tết cho giáo viên có lẽ không chính xác, bởi thực tế chúng tôi không có ngân sách và nguồn thu để thưởng”.

Sẻ chia với giáo viên khó khăn

Đã 5 năm liên tục, ngành Giáo dục triển khai Chương trình “Tết sum vầy” dành cho các giáo viên ở các trường ngoài công lập. Năm nay, chương trình được tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ với sự tham gia của hơn 300 giáo viên đến từ các trường ngoài công lập đóng trên địa bàn thành phố Vinh.

Đến với chương trình này, ngoài niềm vui, các giáo viên cũng đem theo nhiều nỗi niềm. Bởi dù ở thành phố Vinh, dù mang tiếng là vùng trung tâm nhưng số trường ngoài công lập mà giáo viên có thể sống và yên tâm với nghề thực sự rất ít ỏi. Còn lại, rất nhiều giáo viên ở một số trường như THPT Nguyễn Trãi, THPT Nguyễn Huệ đã nhiều năm nay họ chỉ được trả lương theo số tiết, nhiều tháng không đủ để đóng BHXH. Nhiều giáo viên phải sống bằng nghề phụ, chủ yếu bán hàng qua mạng...

Các giáo viên trường ngoài công lập ở thành phố Vinh tham gia Chương trình "Tết sum vầy". Ảnh: M.H

Với những khó khăn trên, việc hy vọng có tiền thưởng Tết là một điều khá xa vời, vì thực tế, mơ ước được trả đủ lương với nhiều giáo viên cũng còn rất khó khăn. Chính vì thế, đến với chương trình này được nhận quà Tết từ công đoàn ngành, từ Sở Giáo dục và Đào tạo, các giáo viên đều rất vui. Cô giáo Đặng Thúy Quỳnh - Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Nguyễn Trường Tộ nói thêm: “Tất cả những giáo viên ngoài công lập tham dự chương trình này dù không nói ra nhưng ai cũng cảm nhận được sự thiệt thòi, bởi so với các trường công lập, các trường ngoài công lập khó tuyển sinh, chất lượng đầu vào thấp và đồng lương so với các bạn đồng nghiệp là khá khiêm tốn. Trong hoàn cảnh đó, sự quan tâm của các ban, ngành và nhận được món quà Tết, chúng tôi thực sự thấy ấm lòng và đây sẽ là động lực và niềm tin để chúng tôi tiếp tục cố gắng”.

Ngoài các thầy, cô ở thành phố Vinh, năm nay toàn tỉnh hơn 700 giáo viên ở các trường THPT ngoài công lập đều được nhận quà Tết của ngành. Cùng với chương trình này, nhiều hoạt động ý nghĩa khác cũng được các nhà trường và các ban, ngành cùng chung sức để mang đến một cái Tết ấm áp cho các thầy, cô giáo, học sinh và các nhà trường. Nhiều trường dù điều kiện giáo viên còn rất nhiều khó khăn nhưng các giáo viên vẫn chung tay để chăm lo Tết ấm cho học sinh hoặc cùng góp sức để hỗ trợ các giáo viên bị bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt.

Công đoàn ngành Giáo dục trao nhà "Mái ấm Công đoàn" cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn Ảnh: D.T

Tết năm nay, cũng là một cái Tết đặc biệt với rất nhiều giáo viên ở các bậc học khác, đặc biệt là với các giáo viên mầm non, giáo viên trường mầm non ngoài công lập. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều trường đã hơn 1 học kỳ không tổ chức dạy học trực tiếp, không có nguồn thu và lẽ dĩ nhiên giáo viên không có lương, không có tiền thưởng Tết.

 Năm 2021 là một năm khó khăn với toàn ngành Giáo dục và vì thế việc chi tiền thưởng Tết ở nhà trường là gần như không có. Nếu có thì cũng chỉ một giáo viên vài trăm nghìn đồng để động viên về mặt tinh thần. Riêng giáo viên ở các trường ngoài công lập thì rất khó khăn. Chính vì thế, trong chương trình Tết năm nay, ngành đã dành trên 800 triệu đồng để hỗ trợ các giáo viên ngoài công lập và một số giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã kêu gọi các nhà trường, các phòng giáo dục và đào tạo cùng chung tay hưởng ứng Chương trình “Tết Vì người nghèo”. Số tiền quyên góp được sẽ được dùng để hỗ trợ các giáo viên đang vất vả, khó khăn và triển khai một số hoạt động để các giáo viên vẫn thấy đủ đầy và ấm áp”.

 Ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục