Diễn Châu là huyện có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực phòng thủ của Nghệ An. Vùng biển rộng 3.700 km2, trong đó phần đánh cá chung với Trung Quốc rộng 600 km2 và 25 km tiếp giáp với đất liền. Để đảm bảo an ninh trật tự, giữ yên vùng lãnh thổ trên biển thời gian qua Diễn Châu đãthành lập được các hội nghề cá, tổ tự quản và lực lượng dân quân biển.

Tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau khi đánh bắt hải sản trên biển được ngư dân Diễn Châu ý thức rất cao và xem đây là điều kiện quan trọng để nghề cá phát triển bền vững. Chính vì vậy, tại các xã Diễn Bích, Diễn Ngọclà các xã có số lượng tàu thuyền nhiều nhất huyện với gần 600 chiếc, chính quyền địa phương và các chủ tàu cá đã thành lập Hội Nghề cá, tổ an ninh tự quản trên biển, hoạt đồng từ 10 năm nay. Ngoài việc giúp đỡ nhau trong quá trình đánh bắt trên biển như tiếp tế lương thực, thực phẩm, tiêu thụ hải sản, giúp nhau lúc gặp rủi ro tai nạn thì Hội Nghề cá, tổ an ninh tự quản còn có nhiệm vụ thông tin nhanh nhất về các vụ việc phức tạp như xâm lấn lãnh thổ trên biển Việt Nam, thông tin về nạn buôn lậu, dùng các vật liệu nổ để đánh bắt cá với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để cùng nhau phối hợp để giải quyết.

 Với việc khẩn trương chuẩn bị mọi thứ cho một chuyến ra khơi, anh Ngô Trí Đông - chủ tàu cá xa bờ xã Diễn Ngọc không quên kiểm traphương tiện máy móc, đặc biệt là thử lại hoạt động của chiếc máy Icom bộ đàm tầm xa, máy bộ đàm tầm trung và điện thoại di động. Với công suất tàu 600CV, đôi tàu của anh luôn vươn khơi đánh bắt hải sản vùng giáp ranh với phần đánh cá chung Việt Nam - Trung Quốc. Với sự chuẩn bị như vậy nên tàu của anh Đông luôn có những thông tin nhanh nhất về tình hình trên biển cho các cơ quan chức năng. Anh Đông cho biết: Đoàn tàu đánh bắt xa bờ thường xuyên liên kết, thông tin chặt chẽ với nhau. Có những sự việc như tai nạn hay va chạm với tàu nước ngoài thì thông tin với nhau, đồng thời liên lạc về đất liền, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng.

Điểm mới trong trong công tác đảm bảo an ninh, chủ quyền trên biển ở Diễn Châu đó là năm 2010, tại xã Diễn Bích và Diễn Ngọc đã thành lập được 2 đội dân quân biển với sự tham giacủa 60 ngư dân đang trực tiếp đánh bắt trên 10 đôi tàu xa bờ. Tại xã Diễn Ngọc tất cả lực lượng dân quân được xã mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, cung cấp phao cứu sinh, áo phao. Tuy mới thành lập nhưng lực lượng này hoạt động rất tích cực. Ngoài thường xuyên liên lạc bằng bộ đàm đàm với UBND xã thì hàng tháng còn thực hiện chế độ báo cáo tình hình diễn biến an ninh trên biển.

Toàn huyện Diễn Châu có 8 xã vùng biển với 1.340 phương tiện tàu thuyền đánh bắt trên biển với tổng công suất đánh bắt 33.000CV, trong đó có 36 tàu đánh bắt xa bờ. Để các tổ nghề cá, tổ tự quản trên biển, lực lượng dân quân biển hoạt động đúng theo quy định và có cách xử lý phù hợp các tình huống trên biển, Đồn Biên phòng 152 đã trực tiếp tận các chủ tàu xa bờ thông tin quy chế hoạt động trên biển của tàu cá, tuyền truyền chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước về vấn đề Biển Đông, nắm bắt và thông báo tần số liên lạc của từng đôi tàu, đồng thời phát tờ rơi hướng dẫn khu vực đánh bắt. Trong 6 tháng đầu năm Đồn Biên phòng 152 đã nhận được 10 tin báo từ ngư dân trong đó có 6 tin có giá trị về tình hình an ninh trên biển. Đại úy Lê Quang Thiêm - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng 152, cho biết: Chúng tôi đánh giá cao vai trò của các tổ nghề cá, tổ an ninh tự quản, đặc biệt là lực lượng dân quân biển đã thông tin về tình hình tàu thuyền hoạt động trên biển, từ đó đã giúp chúng tôi xử lý kịp thời các vụ việc. Đồn Biên phòng đang tập trung tuyên truyền cho mọi người dân, đặc biệt là các chủ phương tiện nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, sẵn sàng tham gia giữ gìn vùng biển của Tổ quốc.

Vươn khơi đánh bắt không chỉ mang về cho ngư dân những chuyến tàu đầy tôm, cá mà chính họ đã khẳng định chủ quyền biên giới hải đảo.Sự chung sức đồng lòng của lực lượng ngư dân Diễn Châu đang góp phần quan trọng giữ gìn toàn vẹn vùng lãnh thổ thiêng liêng trên biển của Tổ quốc.

Mai Giang