10 năm sau ngày UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa thế giới, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Thư ký Hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ vẫn nhớ như in những ngày chuẩn bị hồ sơ đệ trình UNESCO phê duyệt.
Ngày ấy, cả Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và các ngành chức năng đều đặt quyết tâm cao phải hoàn thiện ngày đêm để khi đệ trình UNESCO là phải được công nhận di sản ngay lần đệ trình đầu tiên. Và kết quả là hồ sơ trình để được công nhận di sản năm ấy đã thành công mỹ mãn; Việt Nam có được một di sản vinh danh tổ tiên và được thế giới rất ngưỡng vọng.
Dù không phải một tôn giáo, nhưng cứ đến ngày 10/3 âm lịch, người Việt ở khắp 5 châu lại hướng về nguồn cội, cùng nhớ về hai tiếng “đồng bào” ruột thịt, về Đền Hùng để thắp nén hương thơm lên bàn thờ Tổ, tri ân công đức tổ tiên của dân tộc mình.
Với TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đó là điều mà không phải nơi nào cũng có được: "Sau 10 năm rất nhiều thần phả, sắc phong, tư liệu Hán Nôm tồn tại ở các di tích Phú Thọ và trên cả nước đã được dịch ra tiếng Việt và lưu trữ ở các định dạng khác nhau.
Các phong tục, tập quán đã được giữ gìn và phát huy. Chúng ta có cả một môi trường diễn xướng, bối cảnh cho một thời kỳ Hùng Vương, không chỉ di tích mà cả các di sản văn hóa phi vật thể...
Ngoài ra, cũng có rất nhiều di tích bị xuống cấp theo thời gian, sau khi được UNESCO ghi danh, có rất nhiều nguồn đầu tư hỗ trợ để tu bổ, tôn tạo các di tích để phát huy giá trị trong đời sống hôm nay".
Dân tộc nào trên thế giới đều có nguồn cội của mình nhưng người Việt Nam khác các dân tộc khác ở chỗ cùng thờ chung một ông Tổ - Vua Hùng. Chính điều này tạo nên một bản sắc riêng có của Việt Nam, được UNESCO công nhận. Với Việt Nam, tín ngưỡng Hùng Vương là một biểu tượng của quốc gia.
Chúng ta luôn coi đó là vị tổ của dân tộc, là yếu tố đã gắn kết cộng đồng trên một không gian lãnh thổ để trở thành một cộng đồng có sức mạnh, tồn tại, phát triển và giữ vững được bản sắc văn hóa.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, quan niệm về Vua Tổ Hùng Vương được sử sách ghi lại cả trăm năm và sinh hoạt tín ngưỡng ban đầu gắn chặt với các làng xã, đặc biệt là khu vực trung du Bắc Bộ: "Đến Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, năm Bính Tý, lần đầu tiên Nhà nước đứng ra tổ chức cũng tại địa điểm ở Đông Dương học xá, người chủ lễ là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử một vị nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Nhà nước đứng ra làm chủ lễ.
"Cũng trong ngày đó thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ, một người rất có uy tín trong dân, chính là cụ Huỳnh Thúc Kháng được đứng đầu một đoàn đại biểu Chính phủ lên đền Thượng ở Phú Thọ là để làm lễ cáo với trời đất, cáo với tổ tiên, cáo với Vua Hùng là đất nước đã độc lập và người ta kể lại đoàn đã mang theo một tấm bản đồ Việt Nam 3 miền Trung - Nam - Bắc nối kết với nhau thành một quốc gia Việt Nam độc lập. Chúng ta thấy rõ ràng là, lúc đó biểu tượng của Vua Hùng không chỉ là biểu tượng của một đấng tiên tổ xa xôi mà nó đã trở thành một sức mạnh của cộng đồng" - Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.
Ngày nay, trên dải đất hình chữ S với 54 dân tộc anh em sinh sống với những nét văn hóa riêng biệt khác nhau nhưng vẫn cùng chung một vị Thủy Tổ - Hùng Vương. Và đây là yếu tố gắn kết các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hiện đại, thực hành tín ngưỡng thờ tổ Hùng Vương được thế giới ghi nhận như là một cái giá trị nổi trội của trong đời sống văn hóa của người Việt.
Trách nhiệm của thế hệ chúng ta là làm sao phát huy tinh thần đoàn kết, hướng về cội nguồn ấy thành sức mạnh nội sinh vượt qua khó khăn, giữ gìn di sản, ghi nhớ công đức tổ tiên, như cam kết của ông Nguyễn Tiến Khôi - Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Phú Thọ: "Chúng ta vinh dự được UNESCO công nhận là di sản, điều đó rất đáng tự hào nhưng phải có ý thức giữ gìn di sản này vì không chỉ là tài sản của chúng ta mà đã trở thành di sản thế giới.
Cứ đến dịp Giỗ Tổ chúng ta lại tuyên truyền mạnh mẽ về Giỗ Tổ Hùng Vương, tinh thần đại đoàn kết: trách nhiệm tỉnh Phú Thọ phải không ngừng tu bổ tôn tạo, phát huy sức mạnh xã hội hóa đóng góp để tiếp tục tu bổ mở rộng nơi này thành nơi di tính văn hóa của cả nước. Vừa là giữ gìn khu di tích, vừa phát triển kinh tế".
Sức mạnh ấy sẽ giúp cho 54 dân tộc anh em là “con một nhà”, vượt qua mọi chông gai, thử thách trên con đường dựng nước và giữ nước, và trước mắt là vượt qua thiên tai, dịch bệnh, phục hồi kinh tế.
Càng ý thức được giá trị năm xưa, chúng ta càng hiểu hơn về tinh thần đại đoàn kết để không chỉ 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S thấm nghĩa đồng bào mà còn gắn kết để 3.000.000 công dân Việt Nam đang sinh sống ở rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới đều hướng về nguồn cội và cảm nhận giá trị thiêng liêng của hai tiếng “đồng bào”./.