Giá dầu lao dốc khiến Dow Jones hôm qua mất gần 400 điểm, chứng khoán châu Âu và Trung Quốc trước đó cũng rơi vào thị trường giá xuống.

Giá dầu xuống đáy 12 năm đã gây sốc thị trường toàn cầu, cùng thời điểm với lo ngại hiệu quả từ các biện pháp kích thích của Trung Quốc hết tác dụng. Chốt phiên, S&P 500 mất 2,2%, mất điểm tuần thứ 3 liên tiếp và đóng cửa tại mức thấp nhất từ ngày 25/8 năm ngoái. Trong khi đó, Dow Jones mất 2,4% và giảm mạnh nhất là Nasdaq với 2,7%

"Thị trường phải trải qua một vài giai đoạn, và giờ là lúc họ đang ôm đầu khóc lóc. Tình hình tại Mỹ bị tác động nhiều hơn bởi vấn đề giá dầu vẫn chưa chạm đáy. Nếu chỉ có yếu tố Trung Quốc thôi thì không sao. Nhưng khi chịu tác động từ cả Trung Quốc đi xuống lẫn giá dầu lao dốc, thị trường đã nhận ra họ đang phải gánh các vấn đề khổng lồ", Krishna Memani - Giám đốc Đầu tư tại Oppenheimer Funds nhận xét.

Trước đó, chỉ số Stoxx Europe 600 của châu Âu cũng giảm 2,8%, nâng mức giảm cả tuần lên 3,4%. Như vậy, châu Âu đã bước vào thị trường giá xuống (bear market), khi chỉ số này mất 20% từ đỉnh tháng 4 năm ngoái.

Chứng khoán Trung Quốc sáng qua cũng chịu tình trạng tương tự. Shanghai Composite Index mất 3,6%, giảm 20% từ đỉnh tháng 12 năm ngoái. Hang Seng China Enterprises Index, theo dõi các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết trên sàn Hong Kong (Trung Quốc) cũng mất 2,6% xuống đáy 4 năm.

Trên thị trường dầu thô, dầu WTI hôm qua đóng cửa giảm 5,7%, xuống còn 29,42 USD một thùng. Dầu Brent mất 5,9% xuống 29,05 USD một thùng. Mối lo dư dung khi khả năng Iran phục hồi xuất khẩu ngày càng tăng đã khiến giá dầu tiếp tục đi xuống.

Dù vậy, Goldman Sachs dự báo giá dầu sẽ tăng trở lại trong năm nay, do giá giảm khiến nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa. Con sốt dầu đá phiến Mỹ sẽ đảo chiều đi xuống trong nửa cuối năm.

Trên thị trường vàng, giá thế giới có phiên tăng mạnh nhất 6 tuần trước tình hình tại Mỹ và Trung Quốc. Chốt phiên hôm qua, mỗi ounce vàng lên 1.088 USD.

Giá đồng đôla Mỹ đã tăng tuần thứ 3 liên tiếp so với rổ 10 tiền tệ lớn trên thế giới. Đây là chuỗi tăng dài nhất từ tháng 7, do nhu cầu trú ẩn tăng. Trong khi đó, rouble Nga mất 2% và rand Nam Phi giảm 1,3% - mạnh nhất trong nhóm nước mới nổi.

Yen Nhật tiếp tục mạnh lên do nhu cầu trú ẩn. Còn euro cũng tăng giá ngày thứ 6 liên tiếp.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN