(Baonghean) - Với người dân xứ Nghệ nói riêng, người dân cả nước nói chung, ngày giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một ngày lễ trọng. Năm nay, thể theo nguyện vọng của dòng họ, của lòng dân, giỗ Bác sẽ được tổ chức trong 2 ngày (20, 21 tháng 7 âm lịch).

Đường về quê Bác hôm nay.

Trong tiết trời chớm thu, chúng tôi tìm về Kim Liên - Nam Đàn. Trên con đường dẫn vào quê ngoại Hoàng Trù, mùa này sen đã vãn, những tưởng sẽ khó tìm được những bông sen đẹp để cắm lên bàn thờ Người vào ngày giỗ trọng, thế nhưng, trên bàn thờ Bác của gia đình chị Cao Thị Huệ (ở xóm Trù 1) vẫn trang trọng một lọ hoa sen tươi tắn vừa hái ở ao nhà. Ông Hoàng Chính Sơn (con cháu dòng họ Hoàng Xuân) – bố chồng chị Huệ, năm nay trên 70 tuổi, vừa lau dọn bàn thờ Bác, vừa xúc động kể cho chúng tôi nghe: “Năm 1961, Người về thăm quê lần thứ 2, lúc đó, ông khoảng chừng hơn 10 tuổi. Ngay từ tối hôm trước, cả làng đã rạo rực, chộn rộn vì hay tin sáng mai Người sẽ về thăm quê. Cũng như bao người dân Kim Liên hồi đó, nhà ông nghèo lắm, nhưng cứ nghĩ mai Bác về thăm, phải có gì để tiếp Bác chứ. Thế là tối đó mẹ ông cùng chị gái xay bột, làm hẳn một mẻ bánh đúc lạc. Sáng ra, vừa mới hừng đông, cả làng, cả xã đã tập trung kín sân vận động háo hức, chờ đợi. Và rồi, giây phút cả làng, cả xã hô vang “Bác về, Bác đã về” xúc động làm sao. Vẫn đôi dép cao su, bộ quần áo bà ba giản dị, nụ cười ấm áp, Người nói chuyện, Người hỏi thăm bà con chân thành, gần gũi, Người dặn dò phải cố gắng xây dựng quê hương thoát khỏi cảnh nghèo... Và lần gặp ấy, cũng là lần cuối cùng người dân Kim Liên được thấy Bác. Ngày Bác mất, cả làng, cả xóm để tang và cúng Bác. Nay già rồi, nguyện vọng của ông là được ra Quảng trường Ba Đình viếng Bác, để được nhìn thấy Bác một lần nữa, rồi có nhắm mắt cũng yên lòng”.

Với chị Cao Thị Huệ - con dâu cụ Sơn thì ngày về làm dâu, đã thấy trong nhà, bàn thờ Bác bên cạnh bàn thờ tổ tiên. Cứ ngày Rằm, mồng Một, hay gia đình có cúng lễ, bố chồng chị lại nhắc con dâu nhớ sửa soạn hoa quả thắp hương cúng Bác. Khi gia đình có chuyện buồn, vui, bên cạnh báo cho ông bà tổ tiên, gia đình chị không bao giờ quên báo cho Bác biết. Mọi năm, cứ đến ngày 3/9, gia đình chị cùng các gia đình khác trong làng lại làm giỗ Bác. Mâm cỗ kiểu gì cũng phải có hoa sen, nếu không có sen thì chị mới mua hoa huệ. Chị nghĩ: Làng mình chuyên trồng sen, Bác sinh ra từ Làng Sen, đúng giữa mùa sen nở, hương sen đã theo Bác suốt cả cuộc đời. Nay Bác đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng trong lòng vẫn luôn nhớ tới Làng Sen, hương sen. Riêng năm nay, ngày giỗ của Bác lại được tính theo âm lịch, lại là năm chẵn, nên chị Huệ bàn với bố chồng sẽ nấu cơm chay để cúng Bác.

Cụ Trần Văn Tư (xóm Trù 1, xã Kim Liên) hái bưởi thắp hương nhân ngày giỗ của Người.

Không chỉ gia đình chị Huệ, mà ở Kim Liên nhà nào cũng có bàn thờ Bác, đều cúng Bác để tưởng nhớ công ơn Người, đồng thời, giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu được tấm lòng của Người để cùng nhau phấn đấu, xây dựng quê hương giàu mạnh. Với ông Trần Văn Tư (xóm Trù 1) ngày giỗ Bác còn là dịp để con cháu trong gia đình đoàn tụ, là thời điểm thích hợp nhất để ông nhắc nhở con cháu nhớ tới công lao của Người, nhớ tới sự hy sinh của Người dành cho đất nước để chúng ta có ngày hôm nay. Lúc chúng tôi đến thăm nhà ông, đã thấy ông cùng đứa cháu nội loay hoay ngoài vườn. Thì ra hai ông cháu đang “nghiên cứu” xem chọn quả bưởi nào đẹp nhất để thắp hương cúng Bác. Khi chúng tôi hỏi em Trần Văn Tiến – cháu nội ông Tư có biết ngày giỗ Bác là ngày nào không? Tiến nhanh nhảu: “Năm ngoái nhà cháu làm giỗ Bác vào ngày 3/9, năm nay, giỗ Bác vào ngày 21/7 âm lịch, cháu thấy băng rôn treo ngoài đường nhiều lắm nên đọc là biết ngay. Mặc dù chúng cháu chỉ được thấy Bác Hồ trong ảnh, trong phim, qua lời kể của cô giáo, của ông nội, thế nhưng, mỗi lần nhớ đến Bác, cháu cứ thấy Bác gần gũi như ông nội mình. Ở trường, các bạn được danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” mà mình chưa được là thấy cần phải cố gắng chăm chỉ học hành, tham gia sinh hoạt đội tốt để đạt cho bằng được”.

Với vai trò bảo vệ, gìn giữ, tôn tạo những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô giá về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, những ngày này, cán bộ Khu Di tích Kim Liên đang khẩn trương chuẩn bị cho Lễ giỗ lần thứ 45 của Bác Hồ thật trang trọng, thành kính theo nghi lễ truyền thống của dân tộc. Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh và huyện Nam Đàn, tại Nhà tưởng niệm Bác – nơi sẽ diễn ra nghi lễ quan trọng, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, chu đáo, nhằm tạo ra một không gian thiêng liêng để tỏ lòng tri ân to lớn đối với công lao của Người. Ông Lê Đình Hùng – Trưởng phòng nghiệp vụ - Khu Di tích Kim Liên cho biết: Để chuẩn bị cho ngày giỗ Bác, trước đó cả tháng, chúng tôi đã có kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, làm thế nào để đảm bảo đúng như sự chỉ đạo của tỉnh và của huyện Nam Đàn, đó là, Lễ giỗ Bác phải được tổ chức trang trọng, phù hợp truyền thống dân tộc, an toàn, tiết kiệm. Năm nay, ngày giỗ Bác trùng vào thứ 7, nên chắc chắn sẽ rất đông du khách tới dâng hương, dâng hoa. Để đảm bảo an toàn, chu đáo cho Lễ giỗ, vừa có thể đón tiếp các đoàn khách tới tham quan, dâng hương tưởng nhớ tới Người, chúng tôi cũng đã bố trí nhân lực cụ thể để đảm bảo công việc một cách tốt nhất. 

Lễ vật trên bàn thờ Bác tại Nhà tưởng niệm Khu Di tích Kim Liên được các cán bộ, nhân viên hái từ vườn của Khu Di tích. Đó là những quả bưởi da xanh – đặc sản của Miền Nam, buồng chuối ngự, trái thanh long đỏ ửng... và không thể thiếu bình hoa huệ trắng trong, tinh khiết. “Người không con mà có triệu con”, ngày giỗ Người cả nước tưởng nhớ. Già trẻ, gái trai ở gần thì tìm đến Khu Di tích Kim Liên dâng hương, dâng hoa, ở xa thì thắp hương cúng vọng với niềm mong ước, nỗi nhớ khôn nguôi và lòng biết ơn vô hạn.

Bà Lê Thị Hằng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Năm nay, Kỷ niệm 45 năm ngày giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại là năm đầu tiên chúng ta tổ chức vào ngày âm lịch. Lễ giỗ Bác được tổ chức theo nghi lễ truyền thống trong 2 ngày (20 và 21 tháng 7 âm lịch) tức ngày 15 và 16/8 tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Khu Di tích Kim Liên và một số di tích liên quan như: Nhà thờ dòng họ Nguyễn Sinh, Nhà thờ dòng họ Hoàng Xuân, quê nội, quê ngoại. Còn riêng người dân Kim Liên thì nhà nào cũng làm giỗ Bác. Lễ chính sẽ diễn ra vào ngày 21/7 âm lịch, với các nội dung như: Lễ khai quang, Lễ yết cáo, Lễ đại tế và lễ tạ.

Thanh Thủy