(Baonghean) -

Vụ thả tôm mới năm 2013 sắp bắt đầu, chính quyền, người dân và cơ quan chuyên môn đang ráo riết thực hiện những công tác cuối cùng. Rút kinh nghiệm từ vụ tôm năm 2012, nhiều biện pháp, quy trình nghiêm ngặt đang được thực hiện để có vụ tôm mới thành công.

Theo lịch mùa vụ năm 2013 mà Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng, thời gian thả giống đối với đối tượng tôm thẻ chân trắng bắt đầu từ tháng 4 đến 30/6 đối với vụ chính. Sau vụ chính, những vùng nuôi có điều kiện cơ sở hạ tầng tốt, môi trường nước ổn định đảm bảo tiến hành thả vụ phụ. Thời gian thả giống từ ngày 20/9 đến 30/10. Đối với tôm sú, thời gian thả giống từ giữa tháng 4 đến 30/5. So với lịch thời vụ năm 2012, thời gian thả giống năm nay có muộn hơn. Từ đây, các công tác chuẩn bị về giống, ao đầm, cơ sở hạ tầng được các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân chuẩn bị chu đáo hơn.

Cho đến thời điểm này, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã cơ bản thực hiện xong các bước xử lý ao đầm để chuẩn bị mua tôm về thả. Ông Trần Anh Tráng, xã An Hòa, nhà có gần 2ha nuôi tôm, cho biết: “Để chuẩn bị cho vụ tôm mới, gần 1 tháng nay tôi thuê gần chục nhân công về để tiến hành cải tạo ao đầm. Rút kinh nghiệm từ vụ tôm năm ngoái, năm nay gia đình tôi tiến hành xử lý, rửa đáy rất kỹ rồi phơi khô để giảm mầm bệnh còn sót lại. Tôi đang chuẩn bị lấy nước vào và tiến hành xử lý, gây màu và khi nào đến lịch là có thể mua giống về thả được”.

Người dân xã An Hòa (Quỳnh Lưu) xử lý ao đầm chuẩn bị cho đợt thả tôm giống.

Không chỉ ông Tráng và nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đang ráo riết thực hiện những công tác cuối cùng trước khi bước vào công đoạn thả giống. Ông Hoàng Ngọc Thủy, cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Theo kế hoạch vụ 1 năm nay, toàn huyện thả nuôi trên 800ha tôm các loại. Ngay từ đầu năm, huyện đã tập trung chỉ đạo 22 xã có diện tích nuôi tôm trên địa bàn tích cực chỉ đạo bà con tiến hành nạo vét lại ao đầm, những chỗ hư hỏng xuống cấp thì kịp thời tu sửa. Đặc biệt công đoạn xử lý môi trường nước, mầm bệnh được bà con nuôi tôm đặt lên hàng đầu để có thể hạn chế tối đa sự phát sinh dịch bệnh trong vụ nuôi. Đến nay, gần 100% diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện đã hoàn thành công tác chuẩn bị, chỉ chờ thời điểm thích hợp là có thể tiến hành thả vụ tôm mới.

Chuẩn bị bước vào vụ tôm mới, chất lượng nguồn tôm giống là điều mà người dân và các địa phương quan tâm, lo lắng, nhất là sau dịch bệnh phức tạp do hội chứng gan tụy gây nên trong năm 2012. Trước tình hình đó, Chi cục Thú y, Chi cục NTTS và UBND huyện đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra điều kiện thú y và điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất giống thủy sản, nhằm quản lý chặt chất lượng tôm giống được sản xuất, lưu thông trên địa bàn từ đầu vào đến đầu ra. Khi các cơ sở lấy tôm về ương gièo cũng như khi xuất bán đều buộc phải lấy mẫu kiểm dịch vi rút đốm trắng để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan. Sau khi kiểm tra, 51 trại của 16 cơ sở trên địa bàn toàn huyện cơ bản đã đảm bảo các điều kiện sản xuất, điều kiện thú y.

Đối với các cơ sở sản xuất tôm sú, hiện có 18 trại đưa giống bố mẹ về sản xuất. Các trại nhập 48 con tôm sú giống bố mẹ từ các tỉnh Đà Nẵng, Cà Mau, Phú Yên cũng đã tổ chức công tác kiểm dịch chặt chẽ. Các cơ sở này đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật trong việc sản xuất giống. Hiện nay, đã có hơn 10 trại có tôm giống để xuất với khoảng hơn 20 triệu post.

Để đảm bảo nguồn giống phục vụ cho người nuôi tôm, hiện các doanh nghiệp đã tăng lượng sản xuất và cung ứng giống. Cùng với đó, chính quyền địa phương đã có những cơ chế và tạo điều kiện để các đơn vị khác vào đầu tư, sản xuất giống. Nhằm đảm bảo chất lượng con giống, Chi cục NTTS và Chi cục Thú y sẽ cử cán bộ giám sát, kiểm tra thường xuyên và tiến hành kiểm dịch đàn tôm trước khi thả. Nếu phát hiện những trường hợp vận chuyển giống chưa qua kiểm dịch, những lô thủy sản có chất lượng kém, thả tôm giống chưa qua kiểm tra sẽ có biện pháp tiến hành xử lý.

Ông Trần Xuân Học, Chi cục trưởng Chi cục NTTS cho biết: Đến nay, những công tác cơ bản đã thực hiện xong và bước đầu đảm bảo các điều kiện để tiến hành thả tôm vụ mới. Năm nay, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân giảm mật độ thả xuống từ 50-70 con/m2, kích cỡ giống P12. Từ đây, giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất trên một đơn vị diện tích nuôi. Đồng thời, trường hợp nếu có dịch bệnh xảy ra thì giảm sự lây lan và thiệt hại cho người nuôi tôm. Người dân cần tuân thủ một cách nghiêm ngặt lịch thả giống, làm tốt công tác vệ sinh môi trường để hạn chế đến mức thấp nhất những tác động bất lợi. Thả tôm đúng lịch thời vụ, không thả sớm quá sẽ gặp lạnh và cũng không thả muộn quá vì cuối vụ sẽ hay gặp mưa, nước nuôi bị nhạt, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tôm.

Phạm Bằng