Hiện nay có khá nhiều phương pháp trị liệu tâm lý mà các nhà tâm lý đang áp dụng đối với bệnh nhân, trong đó hội họa được xem là một liệu pháp tích cực.
 
Bước vào phòng khám tâm lý ở số 465 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), đập vào mắt tôi là hàng chục bức tranh với đủ gam màu cùng một mớ cọ, chì vẽ, giấy nằm xếp chồng ở góc tường, ba bốn học viên đủ mọi độ tuổi đang chăm chú sơn sơn phết phết tác phẩm của mình một cách say mê. Tới gần một cậu bé chừng 12 tuổi, tôi hỏi em đang vẽ gì, em nhoẻn miệng cười nói đang vẽ bãi biển, có ông mặt trời nhấp nhô phía sau rặng núi, thêm rặng dừa với vài người đang tắm biển. Nhìn cậu bé say mê, chăm chút từng tiểu tiết trên bức tranh, khó mà hình dung cách đây không lâu em là một đứa trẻ lầm lì, thô lỗ và khó ưa.
 
Cô Võ Thị Minh Huệ - thạc sĩ tâm lý đang điều trị cho T.T.D (ngụ Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, ngày đầu tiên khi D.vào đây, được yêu cầu vẽ tự do, em chỉ vẽ tranh giết người đầy máu me với hai màu trắng đen. Còn với yêu cầu vẽ về ngôi trường đang học, D. vẽ trường có hàng rào bao bọc, học sinh đánh nhau trong trường. Khi vẽ, D. miết bút chì đến rách giấy và tất cả chỉ tô bằng chì đen.
images1508639_tamly7_zzbi.jpg
 
Nhìn tranh “đọc” được cảm xúc
 
Ba mẹ D. ly hôn được 7 năm, D. sống với mẹ, còn anh trai được gửi về quê ở với bà ngoại. Do phải nuôi hai anh em D. ăn học và cả mẹ già, nên mẹ D. - là kế toán của công ty tư nhân - phải tranh thủ làm việc cả ngày lẫn đêm, hết việc ở công ty, mẹ D. còn nhận làm thêm sổ sách kế toán cho các công ty khác nên hầu như không có thời gian gần gũi, chăm sóc D. Từ đó, D. cảm thấy cô đơn. Em không tiếp xúc với ai, tự cô lập mình, luôn cho rằng mình kém cỏi, lại rất dễ manh động và thỉnh thoảng có những hành vi bạo lực. Khi đi khám, D. có dấu hiệu ảo thanh, luôn nghe thấy có tiếng nói chê bai, dè bỉu.
 
Sau khi biết bệnh của con, mẹ D. hạn chế bớt công việc, dành thời gian cho D. nhiều hơn, cùng con tâm sự và kết hợp cùng bác sĩ tâm lý để tìm cách xóa bỏ dần dần những ý nghĩ tiêu cực trong đầu D.
 
Theo Th.S Minh Huệ, đa phần với những đứa trẻ có vấn đề về tâm lý hay những đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường, khi vào đây được yêu cầu vẽ, bức đầu tiên bao giờ cũng nhuốm màu bạo lực với súng ống, tên lửa, dao găm, đánh nhau... Tuy nhiên, sau thời gian kết hợp điều trị bằng thuốc và vẽ tranh, tâm lý của D. đã bắt đầu ổn định. Những bức vẽ sau này của em không còn mang hơi hướm bạo lực nữa mà thay vào đó là những bức tranh với các gam màu nhẹ nhàng hơn, tươi tắn hơn và không gian cũng trở nên thoáng đãng hơn.
 
Một câu chuyện khác là chị N.T.H.T (28 tuổi, ở Bình Thạnh, TP.HCM - chuyên viên công nghệ thông tin). Được gia đình đặt hết kỳ vọng nên ngay từ những ngày còn học đại học, gia đình đã tập trung đầu tư cho T., dành cho T. nhiều ưu ái hơn các thành viên khác. Đến khi ra trường có việc làm, công việc quá tải khiến T. cảm thấy đuối và càng làm cô cảm thấy khả năng của mình có hạn chứ không như mọi người nghĩ nên đâm ra thất vọng và cảm thấy có lỗi với gia đình, không xứng đáng với niềm tin mà gia đình dành cho mình. Ngay cả bản thân T., cô cũng tự tạo áp lực cho mình với suy nghĩ mình phải luôn là người làm ra nhiều tiền để cung cấp cho bố mẹ, giúp em ăn học, thậm chí những lúc gia đình cần tiền, T. luôn xác định mình phải là người đầu tiên và duy nhất làm việc đó chứ không phải ai khác.
 
Đang vật lộn với hàng đống ý nghĩ tiêu cực, lại thêm khối lượng công việc ngày một nhiều khiến T. không thể hoàn thành tốt nên cô lâm vào stress và buộc phải nghỉ việc. Thất nghiệp, T. bị bế tắc về tiền bạc. Không có tiền để cung cấp cho bố mẹ, T. càng cảm thấy có tội với đấng sinh thành. Sau đó, T. cố gắng tìm việc khác. T. luôn mong muốn công việc thứ 2 phải tốt hơn công việc thứ nhất nhưng rồi thực tế không như mong đợi khiến T. bị sốc hơn. Cô cảm thấy chán nản, buồn bã và thất vọng não nề. Stress công việc khiến T. bị trầm cảm nặng và rồi T. hạn chế tiếp xúc với mọi người. Bạn bè xung quanh muốn giúp đỡ cũng bị T. từ chối và ngay bản thân T. cũng muốn giấu cảm giác tiêu cực ấy, không muốn ai biết đến sự thất bại của mình cho đến khi T. tự cô lập chính mình lúc nào không hay.
 
Tâm nhẹ hơn nhờ tranh
 
Nhận thấy tâm trí hỗn độn và cảm giác cô đơn, sợ hãi liên tục bủa vây, T. tìm đến các chuyên gia tâm lý. Sau 12 buổi trò chuyện cùng bác sĩ kết hợp với liệu pháp vẽ tranh, trạng thái tâm lý của T. dần ổn định và hiện cô đã lấy lại thăng bằng trong cuộc sống.
 
Khác với em D. và chị T., ông C.V.H (ở Q.Thủ Đức, TP.HCM) tìm đến hội họa như một liệu pháp giúp ông vượt qua biến cố lớn trong cuộc đời. Bước vào tuổi 50, từ người giữ chức vụ lớn trong công ty, ông H. bị khủng hoảng trầm trọng khi công việc, tình cảm và gia đình cùng lúc gặp nhiều bất ổn. Ông thấy chông chênh, không xác định phương hướng. Ông tìm đến vẽ như liệu pháp cân bằng.
 
Ban đầu những bức vẽ của ông H. chỉ toàn gam màu nóng đỏ rực hoặc gam màu lạnh xanh ngắt. Từ từ, qua các bức vẽ, ông H. như được trò chuyện nhiều hơn về cuộc đời của mình. Mỗi câu chuyện như nút thắt trong các vấn đề của ông được tháo gỡ, càng bộc bạch nhiều tâm trạng ông càng thoải mái hơn.
 
Chỉ sau ba tháng dưới sự kiểm soát của chuyên gia tư vấn, ông H. đã có thể đối mặt với những vấn đề khó khăn tưởng chừng không lối thoát. Không chỉ vẽ tranh để trị liệu, những bức tranh của ông dần có hồn hơn, màu sắc hài hòa hơn và từ đó, ông đâm ra đam mê luôn môn nghệ thuật này.
 
Theo Th.S Võ Thị Minh Huệ, tranh vẽ được sử dụng trong bước đầu đánh giá của phiên trị liệu. Nhìn vào bức tranh có thể đánh giá được người vẽ có chịu ảnh hưởng của bạo lực trong gia đình, trường lớp hoặc xã hội không. Nó thể hiện một phần ký ức của người vẽ, bức tranh dù không hoàn hảo nhưng phần nào bộc lộ cảm xúc và cái nhìn của người bệnh. Hơn nữa, bản thân người trị liệu không nhất thiết phải giỏi hội họa nhưng cần có khả năng đọc được tranh và trò chuyện với thân chủ qua tranh./.
 
Theo Thanhnien