Tại kỳ họp thứ 6 dự kiến khai mạc ngày 22/10, Quốc hội chưa lấy phiếu tín nhiệm đối với 2 chức danh: Chủ tịch nước và Bộ trưởng TT&TT.
Trả lời báo VietNamNet ngày 10/10, ông Trần Văn Túy - Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cho Quốc hội bầu và phê chuẩn. Việc lấy phiếu đã chuẩn bị đến bước gửi báo cáo công tác tới ĐBQH.
Các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn được quy định tại Điều 18, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Cụ thể, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn có 50 người. Tuy nhiên, kỳ này Quốc hội chỉ lấy phiếu tín nhiệm 48 người. Lý do có 2 người giữ 2 chức danh sẽ được Quốc hội bầu và phê chuẩn trong kỳ họp tới nên chưa đủ thời gian công tác hơn 9 tháng để lấy phiếu tín nhiệm. Đó là chức danh Chủ tịch nước và Bộ trưởng TT&TT.
Ông Túy cũng thông tin thêm, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần sau sẽ bàn về công tác nhân sự. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị nhân sự Chủ tịch nước để trình Quốc hội bầu. Còn Chính phủ chuẩn bị nội dung miễn nhiệm và bổ nhiệm Bộ trưởng TT&TT để trình Quốc hội phê chuẩn.
Trước đó, Hội nghị TƯ 8 đã biểu quyết 100% giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Đối với nhân sự Bộ TT&TT, ông Nguyễn Mạnh Hùng đang giữ chức quyền Bộ trưởng.
Ở 2 lần trước, Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm 47 người năm 2013 và 50 người năm 2014.
Lần này, người được lấy phiếu tín nhiệm phải bổ sung 2 nội dung.
Thứ nhất, phải báo cáo về việc tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Thứ 2, phải báo cáo về việc tự đánh giá, kiểm điểm về thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo Nghị quyết TƯ 6 và Nghị quyết số 56 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.