(Baonghean) - Huyện Quỳ Châu có nhiều danh thắng có thể xây dựng thành địa điểm du lịch hấp dẫn  đưa lại giá trị kinh tế gắn với bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác đúng mức.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Quỳ Châu có đến 14 di tích, danh thắng, trong đó có 2 di tích, danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia là: danh thắng Hang Bua ở bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến và di tích Cây Táo - mộ Đốc binh Lang Văn Thiết ở 2 xã Châu Hội và Châu Nga. Hang Bua là một danh thắng tự nhiên gắn liền với truyền thuyết lịch sử, phong tục tập quán của đồng bào Thái địa phương. Tại xã Châu Tiến còn có đền Mường Chiềng Ngam được xây dựng năm 1924, là nơi thờ 3 vị thành hoàng, cũng là 3 anh em Xiêu Bọ, Xiêu Ké, Xiêu Luông có công khai lập bản mường ở vùng Chiềng Ngam.

Từ năm 1945, do nhiều biến cố lịch sử, đền đã hư hỏng và chỉ còn ở dạng phế tích. Năm 1996, Lễ hội Hang Bua được khôi phục, năm 1997 danh thắng này được xếp hạng Di tích quốc gia. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng bào Thái và cuốn hút du khách, đền được khôi phục trên nền ngôi đền xưa vào năm 2006. Từ đó đến nay, dịp tổ chức Lễ hội Hang Bua vào đầu xuân hàng năm thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách về tham gia.

Cũng trên địa bàn xã Châu Tiến, du khách sẽ được khám phá bản Thái cổ “độc nhất vô nhị” ở miền Tây xứ Nghệ. Đó là bản Hoa Tiến 1 và Hoa Tiến 2 với những nếp nhà sàn truyền thống đồng báo Thái được quy hoạch ngay ngắn theo ô bàn cờ từ năm 1969. HTX làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến cũng đã được thành lập với 60 xã viên để góp phần khôi phục và phát huy giá trị của thổ cẩm.

Chị Lô Thị Nga - Phó Chủ nhiệm HTX cho biết: Bình quân mỗi tháng, HTX dệt ra khoảng 300 sản phẩm thổ cẩm. Các sản phẩm này được dệt và làm thành các mặt hàng có thể phục vụ du lịch như khăn, ví... Hiện nay, thổ cẩm Hoa Tiến đã có mặt tại thị trường Hà Nội, Hội An, TP Hồ Chí Minh, thậm chí đã vươn ra thị trường Nhật Bản, EU. Với những tiềm năng trên, hang Bua, đền Mường Chiềng Ngam, bản Thái cổ Hoa Tiến có thể trở thành điểm nhấn du lịch của huyện Quỳ Châu.

Rời Châu Tiến, xuôi theo Quốc lộ 48, du khách được về thăm các di tích lịch sử gắn liền với người anh hùng Lang Văn Thiết, hay còn gọi là Đốc Thiết. Hưởng ứng Chiếu Cần Vương, ông là người lãnh đạo tổ chức các hoạt động chống Pháp tại miền Tây Nghệ An.

Năm 1896, ông bị giặc Pháp bắt và chặt đầu đem về treo trên cây táo tại xã Châu Hội; thân thể ông được nhân dân an táng tại xã Châu Nga. Năm 1998, di tích Cây Táo và mộ Lang Văn Thiết được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Ngoài các di tích, danh thắng, Quỳ Châu còn có Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Quỳ Châu. Đây là nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật liên quan đến lịch sử cũng như phong tục lao động, sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc Kinh, Thái, Thổ, Khmú và Mông sinh sống trên vùng đất Phủ Quỳ xưa.

Khu trưng bày hiện vật gắn với lịch sử lao động, sản xuất của dân tộc Mông - ở Bảo tàng văn hóa các dân tộc Quỳ Châu.

Anh Vi Văn Dũng - cán bộ Trung tâm VHTT huyện phụ trách bảo tàng - cho biết: “Bảo tàng hiện nay lưu giữ 760 hiện vật được sắp xếp theo chủ đề và phân kì lịch sử để khách tham quan có cái nhìn tổng quát, trọn vẹn về vùng đất Phủ Quỳ”. Ngoài ra, Quỳ Châu còn có rất nhiều điểm tham quan hấp dẫn như núi Phá Xăng, hang Pá Xủn… rất đáng để du khách dành thời gian khám phá.

Tiềm năng lớn như vậy nhưng du lịch Quỳ Châu vẫn chưa được khai thác hiệu quả, chưa thu hút được du khách. Ngay tại xã Châu Tiến, với chuỗi các di tích, danh thắng hấp dẫn kể trên cũng chỉ thu hút khách đến tham quan trong dịp Lễ hội Hang Bua. Trong khi đó, các giá trị văn hóa bản địa của đồng bào Thái đang được chính người dân giữ gìn thì vẫn chưa được khai thác để trở thành sản phẩm du lịch.

Theo thông tin từ phòng VHTT Quỳ Châu, tại bản Hoa Tiến 1, 2, Sở VHTT –DL đã về khảo sát xây dựng mô hình du lịch cộng đồng dựa vào các nhà sàn cổ của người dân, nhưng hiện nay vẫn chưa được thực hiện. Còn sản phẩm thổ cẩm của HTX làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến đều phải “tự bơi” để tìm đầu ra, vì hầu như không có khách du lịch đến mua. “HTX đã mở 3 cửa hàng trưng bày sản phẩm trong 2 bản nhưng rất ít khách tham quan. Đầu ra cho sản phẩm chủ yếu do HTX tham gia các hội chợ trong nước và tìm được đối tác ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ giúp. Chúng tôi rất mong muốn Hoa Tiến được đầu tư bài bản và thu hút được khách du lịch để sản phẩm có thể tiêu thụ tốt tại chỗ” - chị Lô Thị Nga - Phó Chủ nhiệm HTX kiến nghị.

Còn tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Quỳ Châu, theo thống kê, cả năm 2012, bảo tàng đón được hơn 12 ngàn du khách với 92 buổi mở cửa; trong 5 tháng đầu năm 2013 có 1026 du khách đến thăm, mở cửa 65 buổi, trong đó chỉ có 2 đoàn khách nước ngoài, 1 đoàn khách Trung ương, còn lại là đoàn khách của huyện và các địa phương trong tỉnh.

Anh Vi Văn Dũng cho hay: “Khi đến thăm bảo tàng, khách nước ngoài rất ấn tượng với những hiện vật được trưng bày”. Điều đó chứng tỏ, tự bản thân của bảo tàng mang lại sức cuốn hút rất lớn, vấn đề là bảo tàng chưa được quảng bá đúng mức để nhiều người biết đến. Ông Trần Việt Đức – Trưởng phòng VHTT huyện Quỳ Châu cho biết: Do nguồn lực của huyện còn hạn chế nên kinh phí để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các di tích; quảng bá tiềm năng du lịch gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, huyện mới chỉ có thể đầu tư cho một số di tích, danh thắng như hang Bua… Bên cạnh đó, ngành Văn hóa cũng kết hợp với ngành Giáo dục tuyên truyền giáo dục truyền thống thông qua việc đưa học sinh đến tham quan các điểm du lịch. Vì vậy, huyện cũng mong muốn các cấp quan tâm đầu tư kinh phí nâng cấp cơ sở hạ tầng, tôn tạo di tích và quảng bá hình ảnh du lịch Quỳ Châu trong tổng thể phát triển của du lịch Nghệ An.

Thiết nghĩ, trong điều kiện hiện tại, Quỳ Châu rất cần sự vào cuộc quyết liệt, chung tay của các cấp, ngành để hỗ trợ cho du lịch địa phương. Bên cạnh đó, huyện cũng nên chủ động hơn trong việc xây dựng, bảo vệ các giá trị văn hóa bản địa cũng như công tác quảng bá hình ảnh, liên kết với các công ty lữ hành để thu hút du khách về tham quan, đánh thức được tiềm năng cho du lịch địa phương.

Thành Duy