Điểm thi THPT quốc gia ở Hà Giang cao bất thường khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phải thành lập Hội đồng chấm thẩm định. Sau nhiều ngày kiểm tra, chiều 17/7, đại diện A83 (Bộ Công an) cho biết, ông Vũ Trọng Lương đã can thiệp sửa điểm của thí sinh.
Theo kết quả điều tra, ông Lương được phân công dùng máy tính quét bài thi trắc nghiệm hàng năm ở Hà Giang. Lợi dụng việc này, ngày 27.6, vị phó phòng đã lên mạng tải toàn bộ đáp án thi về máy tính và chuyển vào phần mềm. Từ các tin nhắn gửi vào điện thoại cá nhân, ông Lương nhập số báo danh vào máy tính và sửa điểm. Ông Lương chỉ mất 6 giây để sửa điểm cho một thí sinh.
Nhà chức trách còn cho rằng, vị phó phòng đã mở ổ khóa niêm phong, rút bài ở túi và sửa đáp án thi. Tổng cộng, ông Lương đã sửa hơn 330 bài thi trắc nghiệm của 114 thí sinh.
Chưa khẳng định bỏ tiền mua điểm
Theo Dân Trí: Trước nghi vấn việc sửa điểm thi ở Hà Giang có phải do một số đối tượng cấu kết “bỏ tiền mua điểm”, ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, có việc đó hay không phải chờ cơ quan pháp luật vào cuộc.
Ông Quý cho hay: “Xác định động cơ của đối tượng vi phạm, tôi nghĩ đó là động cơ không trong sáng. Còn việc khẳng định có “mua điểm” hay không thì phải chờ cơ quan pháp luật vào cuộc. Nếu đúng như vậy thì chúng ta cũng theo đúng quy định của pháp luật để xử lý. Đây là bài học xương máu để ngành GD-ĐT Hà Giang khắc phục được trong các kỳ thi trong các năm tới”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về "hành vi sửa điểm hàng loạt bài thi của ông Vũ Trọng Lương có bị khởi tố hình sự?", ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho hay, theo khoản 5 và khoản 6 của Điều 49 trong Quy chế thi THPT quốc gia hiện hành, cho đến thời điểm hiện nay, chưa đủ cơ sở, căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Việc này sẽ được xem xét tiếp trên cơ sở có kết quả điều tra cụ thể của các bên liên quan, cụ thể là của Bộ Công an. Nếu đủ điều kiện thì sẽ xem xét kết luận”, ông Trinh cho biết.
Luật sư: Người nâng điểm thi có thể bị phạt tù tới 20 năm
Theo VNE: Luật sư Vũ Tiến Vinh cho biết, với cương vị Phó phòng Khảo thí Sở GD-ĐT, ông Lương đã vi phạm các quy định của Luật Cán bộ, công chức về những điều cán bộ, công chức không được làm. Ngoài ra, ông Lương cũng vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT về công tác thi cử, tuyển sinh. Đây là những “vi phạm rất nghiêm trọng” và có chủ ý nên cần xử lý nghiêm.
Theo ông Vinh, hành vi sửa điểm của vị phó phòng còn có dấu hiệu của tội Giả mạo trong công tác, theo Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng.
Theo luật sư Vinh, những người liên quan khác trong tổ công tác như lãnh đạo ban chấm thi, cán bộ, kỹ thuật viên và công an giám sát… tùy theo mức độ vi phạm và dựa vào kết quả điều tra mà sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, theo Điều 366 Bộ luật Hình sự 2015. Mức hình phạt từ cải tạo không giam giữ ba năm đến 10 năm tù.
Ngoài ra, người quản lý hồ sơ, hệ thống máy tính mà thiếu trách nhiệm để ông Lương dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 360 Bộ luật Hình sự 2015.
"Nếu phát hiện cha mẹ học sinh nhờ ông Lương sửa điểm cho con và trực tiếp hoặc qua trung gian đưa tiền cho vị phó phòng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ. Tội này có hình phạt cao nhất đến 20 năm tù", luật sư Vinh phân tích.