(Baonghean) - Đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên là khâu rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, để đánh giá đúng thực chất, khắc phục “bệnh” thành tích, đòi hỏi cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao nhận thức của từng tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.

Những chuyển biến mới

Đảng bộ xã Quỳnh Đôi là đơn vị nhiều năm liền được xếp loại trong sạch - vững mạnh (TSVM) và 4 năm gần đây (2012 - 2015) đạt TSVM tiêu biểu của Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu. Tuy nhiên, đây là đơn vị có tỷ lệ chi bộ đạt TSVM thấp so với các đơn vị khác trong huyện. Trong tổng số 11 chi bộ (8 chi bộ nông thôn, 3 chi bộ trường học, trạm y tế), năm 2014 có 6 chi bộ đạt TSVM, năm 2015 có 5 chi bộ đạt TSVM (quy định của Trung ương có 70% chi bộ trở lên).

Bí thư Đảng ủy Nguyễn Đình Hiền thẳng thắn cho biết: Đánh giá tổ chức đảng phải lấy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, lấy phong trào nơi đó làm thước đo, tiêu chí “cứng”. Không để “lọt” các tập thể chưa thật sự xứng đáng. Quan điểm của Đảng ủy là đánh giá nghiêm túc, xếp loại đúng chất lượng, chi bộ nào được đánh giá TSVM phải thực sự nổi bật, được các chi bộ khác “tâm phục, khẩu phục” và thấy được trách nhiệm cần phải tiếp tục phấn đấu vươn lên để đạt TSVM.

images1754341_bna_5836cb659ab90.jpgPhó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa trao đổi với lãnh đạo huyện Thanh Chương và chủ đầu tư về việc mở rộng dây chuyền may của Công ty may Venture.

Đối với Đảng ủy thị trấn huyện Đô Lương, để đánh giá chất lượng các tổ chức đảng chính xác, trên cơ sở định hướng, hướng dẫn của cấp trên, Đảng ủy thị trấn đã xây dựng 54 tiêu chí xếp loại, đánh giá phù hợp với từng loại hình, từng cơ sở.

Khi các chi bộ gửi văn bản tự nhận xét, đánh giá, xếp loại lên, Đảng ủy tiến hành thẩm định có sự tham gia của các ban chuyên môn, MTTQ và các đoàn thể để đảm bảo chính xác. Ví dụ: Tiêu chí lãnh đạo phát triển nông nghiệp, thương mại - dịch vụ thì có ban kinh tế đánh giá sâu; tiêu chí lãnh đạo văn hóa, xã hội có ban văn hóa; tiêu chí an ninh trật tự có Ban quân sự và Công an xã... 

Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Nguyễn Nguyên Minh, ngoài dựa vào các tiêu chí, việc đánh giá, thẩm định của đảng ủy còn được dựa trên cơ sở theo dõi phong trào và việc xử lý các vấn đề ở cơ sở của từng tổ chức đảng.

Kết quả thẩm định, đánh giá được gửi lại cho các chi bộ và thông báo trước toàn thể đảng bộ, tạo sự dân chủ, tranh thủ sự phản hồi và đồng thuận của toàn đảng bộ. Bằng cách làm này, việc đánh giá, xếp loại tổ chức đảng khá chính xác. Đơn cử trong năm 2015, qua tự xếp loại, 100% chi bộ đều tự xếp loại TSVM, nhưng Đảng ủy đã thẩm định và rút gần 15% tổ chức đảng xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Với phương châm “đánh giá trúng để giải quyết trúng”, tạo động lực, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, qua khảo sát thực tế ở một số địa phương, cho thấy, các đơn vị đã quan tâm công tác đánh giá, xếp loại tổ chức đảng theo hướng thực chất, khắc phục tình trạng cào bằng, “hòa cả làng”.

Hàng năm, cấp ủy các cấp đều ban hành hướng dẫn kiểm điểm tập thể, cá nhân và phân loại tổ chức đảng, đảng viên. Huyện ủy cũng thực hiện quy trình đánh giá qua nhiều kênh: Các TCCSĐ tự đánh giá; các phòng, ban, MTTQ và đoàn thể cấp trên đánh giá chuyên môn theo ngành dọc cấp dưới; cấp ủy cấp trên rà soát, điều chỉnh, xếp loại cấp dưới.

Với bước đi, cách làm thận trọng, tỉ mỉ, theo nhận định của nhiều đơn vị: công tác đánh giá, xếp loại hiện nay tương đối khách quan, trung thực và toàn diện. Từ đó đề ra những chủ trương, chính sách điều chỉnh, bổ sung kịp thời nhằm củng cố tổ chức, kiện toàn đội ngũ. 

Kết quả đánh giá, xếp loại tổ chức đảng ngày càng đi vào thực chất. Chỉ tính riêng đảng bộ cấp trên cơ sở, năm 2011, có 80,7% đảng bộ vững mạnh (21/28 đảng bộ) 15,3% đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ (4/28 đảng bộ); 4% đảng bộ hoàn thành nhiệm vụ (1/28 đảng bộ). Năm 2015 chỉ còn 44,4% đảng bộ vững mạnh (12/27 đảng bộ); 55,6% đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ (15/27 đảng bộ).

Đồng chí Lê Quốc Khánh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Công tác đánh giá, xếp loại tổ chức đảng hàng năm được Tỉnh ủy đặc biệt coi trọng trên cơ sở ban hành các quy định, hướng dẫn chấm điểm cụ thể theo từng loại hình, toàn diện trên các lĩnh vực lãnh đạo của cấp ủy và thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW ngày 25/9/2014 của Ban Tổ chức Trung ương, đảm bảo tỷ lệ xếp loại TSVM của mỗi đảng bộ không vượt quá 50% tổng số tổ chức đảng trong đảng bộ. Tinh thần này đảm bảo công tác đánh giá, xếp loại tổ chức đảng chặt chẽ, thực chất hơn; động viên, khuyến khích tạo phong trào thi đua giữa các địa phương, các đảng bộ.

Bên cạnh đó, theo đồng chí Lê Quốc Khánh vẫn còn một số tiêu chí, nội dung còn chung chung, chưa sát với thực tiễn, ảnh hưởng đến chất lượng xếp loại. Một số nơi còn biểu hiện “bệnh” thành tích trong đánh giá, xếp loại. Sự phối hợp đánh giá của các ban, ngành cấp trên đối với cấp dưới chưa có sự thống nhất cao, còn nể nang, nương nhẹ trong xếp loại. Mặt khác, quy định tỷ lệ xếp loại mức cao nhất giữa bên chính quyền và tổ chức đảng còn chồng chéo, chưa thống nhất, chính quyền không quá 70% xuất sắc, bên Đảng là không quá 50% TSVM... 

Cần có tiêu chí cụ thể, rõ ràng

Theo quy định, việc đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên dựa trên 4 yếu tố: Phẩm chất chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống; trình độ, năng lực công tác cả ở cơ quan, trong các mối quan hệ xã hội nơi cư trú, cả về chức trách, trách nhiệm của cấp ủy viên (đảng viên là cán bộ lãnh đạo), trách nhiệm quản lý, lãnh đạo ở cơ quan nhà nước, đoàn thể (đối với đảng viên là cán bộ quản lý)... Dù vậy, công tác đánh giá, xếp loại đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý đang được coi là khâu khó và yếu nhất lâu nay. 

Kiểm tra chất lượng nấm linh chi tại mô hình sản xuất nấm xã Sơn Thành (Yên Thành).

Theo đồng chí Trương Hồng Phúc - Bí thư Huyện ủy Đô Lương: Chính tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm, thích nghe khen, thích được khen của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang là một trong những cản trở lớn nhất dẫn đến chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, đảng viên chưa thật sự khách quan và chính xác. Trong khí đó, tiêu chí đánh giá đảng viên, cán bộ còn chung chung, mang nặng định tính, chưa có tính định lượng cụ thể, rõ ràng. 

Cùng quan điểm này, đồng chí Hoàng Văn Bộ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu cũng cho rằng: Hiện đang thiếu một tiêu chí cụ thể, rõ ràng gắn với chức danh, vị trí, việc làm, nên việc đánh giá, xếp loại đang mang nặng về cảm tính, thường là cán bộ lãnh đạo, quản lý được xếp loại xuất sắc. 

Đồng chí Đặng Anh Dũng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương thì cho rằng: Trong đánh giá, xếp loại cán bộ đảng viên đặt ra yêu cầu về tính tự phê bình và phê bình, nhưng nhìn vào bản kiểm điểm đảng viên hàng năm, dung lượng ưu điểm nhiều, khuyết điểm, hạn chế rất ít và chung chung. Khi tính tự phê bình của cán bộ, đảng viên không cao, không tự nhận khuyết điểm của mình; cộng với tâm lý chung nể nang, né tránh “hòa cả làng” thì sẽ không có sự cởi mở, nói thẳng, nói thật với nhau để cùng tiến bộ. 

Đánh giá đúng thực chất cán bộ, đảng viên được xác định là khâu quan trọng nhất, là cội nguồn của mọi quy trình về công tác cán bộ và củng cố nâng cao năng lực lãnh đạọ, sức chiến đấu của tổ chức đảng.

Để khắc phục những tồn tại, tránh bệnh hình thức trong công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hiện nay, các tổ chức đảng, đặc biệt là người đứng đầu cần bám sát thực tiễn để đánh giá đúng thực chất, đồng thời đề cao những người dám nói thẳng, nói thật trong góp ý, phê bình và tự phê bình.

Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần thay đổi nhận thức, muốn được xếp loại xuất sắc thì bản thân mình phải thật sự là người nổi trội, thật sự xuất sắc trong tập thể. Song song với đó cần cụ thể hóa về tiêu chí ở từng vị trí, việc làm cụ thể; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên để làm cơ sở đánh giá, xếp loại thực chất hơn; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đảng viên trong toàn đảng bộ.

Kết quả kiểm điểm, phân loại, xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên: Từ năm 2013 đến nay, có 662 lượt đồng chí là cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý được nhận xét, đánh giá, phân loại. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã xử lý kỷ luật 1.805 đảng viên. Trong đó khiển trách 1.260 người, cảnh cáo 312 người; cách chức 107 người và khai trừ 126 người, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN