Trầu không hay còn gọi là trầu hương, trầu cay. Không chỉ dùng để ăn với vôi và cau, trầu còn là vị thuốc dân gian chữa được nhiều bệnh thông thường như đau đầu, cảm lạnh...
Theo Đông y, lá trầu không có vị cay nồng, tính ấm, có tính năng hạ khí, chỉ khái, tiêu viêm, sát trùng, trừ phong thấp, kích thích tiêu hóa…
Các nghiên cứu của khoa học hiện đại cũng cho thấy trong 100g lá trầu chứa tới 2,4% tinh dầu. Các thành phần chính trong trầu không có hoạt tính kháng sinh mạnh, ức chế nhiều chủng vi khuẩn như tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn Coli, lỵ … và có tác dụng kháng nấm mạnh đối với nhiều chủng loại nấm. Do đó, trầu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Dân gian có kinh nghiệm dùng trầu như sau:
1. Trầu chữa đau đầu
Dùng cuống lá trầu 7 - 10 cái giã nhuyễn, lấy nước cốt pha mật ong uống, đồng thời lấy 2 đầu nhọn của lá trầu nhai dập đắp vào hai bên thái dương.
2. Trầu chữa cảm lạnh
Dùng lá trầu giã nhuyễn cho vào khăn mặt hoặc khăn tay, nhúng vào nước ấm đánh gió dọc hai bên cột sống. Dùng cách này an toàn hơn cạo gió.
3. Trầu chữa đau bụng
Đau bụng do lạnh gây nôn mửa, ợ chua, ỉa chảy, ăn không tiêu: Dùng 2 - 4 lá trầu nhai nuốt nước. Đồng thời lấy 3 - 4 lá trầu hơ nóng cho héo mềm đắp lên rốn và dùng băng giữ lại.
4. Trầu chữa ho rát họng
Trộn 1/4 thìa nước ép cây húng quế với nước cây bạc hà, gừng tươi, lá trầu không với mật ong. Dùng nước này để ngậm sẽ thấy hiệu quả nhanh chóng.
5. Trầu chữa các bệnh ngoài da
Hắc lào, chàm, lở loét, mẩn ngứa, côn trùng đốt, trẻ bị hăm, rôm sảy. Chỉ cần lấy lá trầu giã nhuyễn hoà nước đun sôi để nguội rửa, đắp chỗ tổn thương.
6. Trầu chữa bỏng
Lá trầu giã nhuyễn, với ít rượu đắp lên vết bỏng. Chú ý tránh bội nhiễm và chỉ dùng với trường hợp bỏng diện hẹp và nông ngoài da (bỏng nước sôi).
Theo Alobacsi.vn