(Baonghean) - Thời gian qua, ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thường xuyên quan tâm nâng cao nghiệp vụ tín dụng chính sách cho cán bộ, hội viên. Đặc biệt, Hội thi Nghiệp vụ giỏi tín dụng chính sách là hoạt động giàu ý nghĩa nhằm gắn kết quan hệ hợp tác giữa ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời giúp đội ngũ cán bộ ngân hàng, hội - đoàn thể ủy thác ngày càng “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về các chế độ chính sách”.

Nghệ An là tỉnh có dân số đông (trên 3,2 triệu người), hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm tỷ lệ còn cao, đầu năm 2016 toàn tỉnh có 95.189 hộ nghèo (chiếm 12,1%), 80.464 hộ cận nghèo (tỷ lệ 10,23%). Do đó, việc tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đặc biệt đối với đối tượng chính sách là vấn đề mà bất cứ tổ chức tín dụng nào đều quan tâm.

Nhận thức được điều đó, ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động với các ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến về các chính sách tín dụng đến với người dân; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ tín dụng, hướng dẫn quy trình thành lập - nghiệp vụ quản lý hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn.

1498139231759.jpgĐội Ngân hàng CSXH Yên Thành 2 ôn luyện trước hội thi. Ảnh: Việt Phương

Hiện nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đang triển khai đầy đủ các chương trình tín dụng thực hiện chính sách giảm nghèo của Chính phủ. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay Chi nhánh đang triển khai thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách, theo dõi và quản lý gần 296 nghìn hộ vay, chiếm khoảng 38% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Tổng doanh số cho vay trong gần 15 năm đạt 17.361 tỷ đồng, với 1.481 ngàn lượt hộ được vay vốn; doanh số cho vay năm sau đều cao hơn năm trước, bình quân mỗi năm đạt 1.153 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 20/6/2017 đạt 6.911 tỷ đồng, tăng 6.605 tỷ đồng so với ngày đầu thành lập (năm 2003), tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm 25,8%.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, hàng năm Ngân hàng CSXH cấp tỉnh, cấp huyện đã chủ động tham mưu cho Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp về kế hoạch nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách xã hội hàng năm và theo giai đoạn; đồng thời chỉ đạo Phòng Giao dịch cấp huyện thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ, bình xét đúng đối tượng cho vay, lập và hoàn thiện hồ sơ cho vay kịp thời. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác cho vay, tình hình sử dụng vốn vay của tổ viên các tổ tiết kiệm và vay vốn được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, những năm gần đây, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tổ chức tốt Hội thi Nghiệp vụ giỏi tín dụng chính sách nhằm tăng cường sự hiểu biết, gắn kết và tạo sân chơi bổ ích cho cán bộ NHCSXH và cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác.

Hội thi Nghiệp vụ giỏi tín dụng chính sách là đợt sinh hoạt chính trị, chuyên môn giữa Ngân hàng CSXH với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ viên chức, người lao động Ngân hàng CSXH và cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay trong toàn tỉnh. Hội thi động viên cán bộ viên chức, người lao động Chi nhánh Ngân hàng CSXH và cán bộ các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tích cực tìm hiểu nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý tổ chức thực hiện công tác ủy thác, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Chi nhánh Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác cho vay trong toàn tỉnh.

Đây cũng là hoạt động thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 15 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; chào mừng 15 năm thành lập NHCSXH và chào mừng Đại hội nhiệm kỳ của các tổ chức chính trị xã hội, Đại hội công đoàn các cấp, hướng tới Đại hội Công đoàn cơ sở và Đại hội Công đoàn NHCSXH nhiệm kỳ 2018-2023.

Đối tượng dự thi, ngoài cán bộ viên chức, người lao động trong chi nhánh NHCSXH, còn có các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay (là cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong tỉnh. Tại cấp xã: là cán bộ trong Ban chấp hành của tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Từ cấp huyện trở lên: là cán bộ của tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay).

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Diễn Châu giải ngân vốn chương trình cận nghèo cho khách hàng. Ảnh: Việt Phương

Là thành viên của đội thi, ông Phan Hữu Trang - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Thành chia sẻ: “Để tham dự cuộc thi, chúng tôi tập trung nghiên cứu các văn bản nghiệp vụ, ôn luyện tình huống. Cuộc thi năm nay có nhiều đổi mới, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ khi có sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác là đơn vị đồng hành với ngân hàng chính sách thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Điều đáng ghi nhận là hầu hết cán bộ, nhân viên phòng giao dịch huyện, thị và hội sở tỉnh đều tham dự, thể hiện tinh thần học hỏi trong ngành. Mặc dù có kinh nghiệm và được ôn luyện kỹ, nhưng tôi và các đồng nghiệp chưa ai khẳng định giải đáp hết tất cả các câu hỏi, nhưng tin chắc thông qua hội thi là dịp để nhìn nhận khắc phục kịp thời những hạn chế, rút ra bài học thiết thực áp dụng cho hoạt động nghiệp vụ của mình”.  

Còn chị  Lê Thị Hằng - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Nghi Hòa (TX. Cửa Lò) cho biết: “Tham gia hội thi là cơ hội nâng cao sự hiểu biết trong công tác nhận ủy thác cho vay, học hỏi kinh nghiệm nhằm hoàn thiện năng lực bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chúng tôi sẽ luôn chung tay cùng Ngân hàng CSXH triển khai có hiệu quả tín dụng ưu đãi đến với đối tượng thụ hưởng, góp phần vào công cuộc giảm nghèo, an sinh xã hội và phát triển kinh tế của địa phương”.

Với mô hình quản trị đặc thù khi hơn 99% tổng dư nợ của ngân hàng là nằm ở hoạt động ủy thác tín dụng thông qua Hội LHPN chiếm 36,05%, Hội Nông dân chiếm 31,07%, Hội Cựu chiến binh chiếm 19,6% và Đoàn Thanh niên chiếm 13,28%, đương nhiên vai trò, vị trí của các tổ chức Hội, đoàn thể vô cùng quan trọng, gắn kết mật thiết với chất lượng, hiệu quả tín dụng chính sách.

Xác định việc củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ và Ban quản lý tổ TK&VV là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng tín dụng nên NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thường xuyên phối hợp thực hiện nhiệm vụ này; vì vậy chất lượng tổ không ngừng nâng lên, hoạt động ổn định và bền vững.

Các tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý 7.712 tổ TK&VV với 243.045 hộ vay vốn tại 5.923 thôn (xóm), đến nay 100% thôn (xóm) trên địa bàn toàn tỉnh đã có tổ TK&VV hoạt động, phục vụ cho nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, không còn thôn (xóm) “trắng” về tín dụng chính sách.

Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Những năm qua, công tác cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đã tổng hợp được lực lượng lớn mạnh từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự tham gia của đội ngũ cán bộ Ban Quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn đã góp phần nâng cao hiệu quả chuyển tải vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến các đối tượng thụ hưởng. Vì thế, việc tổ chức hội thi với đông đảo các thành phần tham gia là rất quan trọng.

Qua hội thi nhằm giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị trong chi nhánh NHCSXH và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác các cấp; Hội tụ các cán bộ có nghiệp vụ giỏi, thúc đẩy và duy trì phong trào nghiên cứu, tìm hiểu, nâng cao trình độ nghiệp vụ, nâng cao chất lượng ủy thác trong toàn tỉnh.

Việt Phương

TIN LIÊN QUAN