(Baonghean) - Từ những hạn chế, tồn tại chỉ ra sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã chú trọng đổi mới toàn diện công tác cán bộ, coi đây là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng.
Chuyển động từ cơ sở
Vào đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015, ở Quế Phong, nhiều cán bộ, công chức, nhất là cấp cơ sở chưa được đào tạo hoặc đào tạo mang tính tự phát, chắp vá, chưa gắn với nhu cầu sử dụng cán bộ của địa phương. Tỷ lệ cán bộ chưa đạt chuẩn, nhất là ở khối đoàn thể cơ sở còn cao.
Thực tế đó được Huyện ủy nhận rõ khi ban hành Đề án “Nâng cao năng lực cán bộ, công chức huyện Quế Phong giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo”. Huyện ủy đã xây dựng và cụ thể hóa tiêu chuẩn chức danh cán bộ huyện, xã. Trong đó, chú trọng các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, quản lý Nhà nước và một số tiêu chuẩn khác tùy theo từng chức danh. Đồng thời tập trung rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ; xây dựng và thực hiện tốt quy chế luân chuyển cán bộ. Áp dụng đồng loạt chế độ thi tuyển cán bộ, công chức trên địa bàn cùng với đào tạo lại những cán bộ chưa đạt chuẩn.
Tại xã Hạnh Dịch, ban đầu chỉ có 11/54 cán bộ xã có bằng trung cấp trở lên ở đầu nhiệm kỳ, thì nay 100% cán bộ xã có bằng trung cấp chuyên môn trở lên. Trong đó có 28 người có bằng đại học, 3 người bằng cao đẳng chuyên môn. Vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ xã khóa mới có trình độ chính trị, chuyên môn và tỷ lệ trẻ cao. Đồng chí Nguyễn Bá Kiệm, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho rằng, với đội ngũ cán bộ có chuyên môn và sức trẻ, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hạnh Dịch sẽ tập trung lãnh đạo và tạo ra bước chuyển mới trong phát triển kinh tế.
Trong 4 năm (2011 - 2014), Quế Phong đã có 20.421 lượt cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng và hiệu quả mang lại rõ nét. Thông qua đại hội đảng cấp cơ sở và Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, đội ngũ cán bộ được bầu vào cấp ủy các cấp đã có sự vượt trội so với nhiệm kỳ trước.
Ở Anh Sơn, công tác cán bộ luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm trong từng khâu, từ công tác tuyển chọn. Công tác nhân sự cấp ủy cho đại hội Đảng bộ các cấp được thực hiện theo đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, trí tuệ của tập thể. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong nhiệm kỳ được chú trọng.
Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, toàn huyện đã bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho 390 bí thư chi bộ; 475 cấp ủy viên UBKT cơ sở; tổ chức đào tạo 4 lớp trung cấp lý luận chính trị; cử 20 cán bộ tham gia lớp cao cấp lý luận chính trị. Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Anh Sơn khẳng định. Thông qua đổi mới các khâu trong công tác cán bộ, hiện tại, đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở trên địa bàn được nâng cao một bước về trình độ chuyên môn, chính trị, được trẻ hoá và năng lực công tác đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị.
Đổi mới toàn diện công tác cán bộ
Trước hết là công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cả 3 cấp đã được thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, khắc phục được những hạn chế, yếu kém sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4. Cụ thể, trong xây dựng và rà soát, bổ sung quy hoạch hàng năm đã thể hiện tính chiến lược, sự liên thông, gắn kết quy hoạch của cả đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; công tác đánh giá cán bộ được thực hiện trước khi đưa vào quy hoạch và thể hiện được phương châm “động” và “mở”; đội ngũ cán bộ được trẻ hóa trong quy hoạch, đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi và giãn cách giữa các độ tuổi, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ dân tộc đảm bảo theo quy định của Trung ương.
Cấp ủy các cấp đã tích cực triển khai các giải pháp tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã cử 722 cán bộ tham gia học cao cấp chính trị; 4.346 cán bộ học trung cấp chính trị. Toàn tỉnh đã mở 180 lớp với 23.090 lượt cán bộ, công chức tham gia bồi dưỡng và hàng trăm cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Trung ương mở và học tập ở nước ngoài. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2012 - 2020”, trong đó quan tâm đến việc đào tạo cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số.
Công tác luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, kiện toàn tổ chức được thực hiện mạnh mẽ ở các cấp. Xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng như để chuẩn bị đội ngũ trẻ cán bộ có chất lượng toàn diện. Thực hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ trì cấp trên đã trải qua chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ trì ở cấp dưới.
Từ tháng 1/2013 đến tháng 9/2015, tỉnh đã thực hiện quy trình bổ sung chức danh Bí thư Tỉnh ủy, 2 Phó Bí thư Tỉnh ủy, 6 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 13 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã cho chủ trương và định hướng để HĐND các cấp bầu bổ sung 4 phó chủ tịch UBND tỉnh, 22 đồng chí là chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện. Tiến hành bổ sung 59 cấp ủy viên cấp huyện, 49 thường vụ cấp ủy cấp huyện; thực hiện luân chuyển 21 cán bộ lãnh đạo các ngành về làm bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện; và luân chuyển, bổ nhiệm nhiều cán bộ lãnh đạo.
Đồng chí Đậu Văn Thanh - Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho rằng: Để thực hiện tốt Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về Nghệ An và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 thì cán bộ có vai trò rất quan trọng. Nhiệm vụ này đang đặt ra cho ngành Tổ chức xây dựng Đảng tiếp tục có những đổi mới trong công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển trong chặng đường tới.
Bài, ảnh: MINH CHI