Theo ông Nguyễn Hồng Thanh - Tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch CLB SLNA thì chọn ai làm cũng được nhưng phải tìm được người xứng đáng. Trước đây, chúng ta cũng kỳ vọng rất nhiều vào các vị trí chủ chốt của liên đoàn sẽ thay đổi được bộ mặt của bóng đá Việt Nam, nhưng qua nhiều nhiệm kỳ, có lúc chúng ta chọn doanh nhân, có lúc chọn chính khách nhưng rốt cuộc bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Do đó theo ông Thanh, việc tìm ra người “đứng mũi chịu sào” ở VFF lần này sẽ không dễ dàng.
Theo các chuyên gia, về mặt đối ngoại, quan hệ với các tổ chức bóng đá quốc tế thì ứng viên nổi bật hiện nay là ông Trần Quốc Tuấn - hiện đang là Phó Chủ tịch Thường trực VFF. Hiện ông Tuấn cũng được nhiều CLB đề cử cho chức Chủ tịch VFF. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý cho ông Tuấn ngồi vào “ghế nóng”, như trường hợp cựu còi vàng Dương Mạnh Hùng thậm chí còn căng băng rôn phản đối ông Tuấn tham gia nhiệm kỳ mới của VFF.
Ngoài ông Tuấn ra, vị trí Chủ tịch VFF nhiệm kỳ mới còn có những ứng cử viên khác nữa được đề cử như ông Cấn Văn Nghĩa (Giám đốc khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình), ông Lê Quý Phượng (nguyên Hiệu trưởng Đại học TDTT 2). Thậm chí ông Đoàn Nguyên Đức đã làm đơn xin từ chức Phó Chủ tịch VFF nhiệm kỳ vừa qua nhưng vẫn được một số người đề cử cho chức Chủ tịch VFF nhiệm kỳ mới, nhưng ông Đức đã nhất quyết từ chối.Ở vị trí Phó Chủ tịch VFF, hiện có một số ứng viên được giới thiệu như ông Trần Anh Tú (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPF), Nguyễn Công Khế (Chủ tịch tập đoàn truyền thông Thanh Niên), ông Cao Văn Chóng (nguyên Tổng giám đốc VPF), Nguyễn Lân Trung (cựu Phó chủ tịch VFF nhiệm kỳ 6)...
Trong các ứng cử viên đó, có ông Nguyễn Lân Trung đã từng bị dư luận “ném đá” về màn ăn mừng chiến thắng gây nhiều tranh cãi của ông, trên xe buýt hai tầng chở các tuyển thủ U23 lúc đi diễu hành.
Nói vậy để thấy, ngay trong danh sách đề cử cũng đã có những người “không được lòng” dư luận lẫn giới chuyên môn. Nên để chọn được những người vừa làm được việc, lại làm hài lòng tất cả mọi thành viên của VFF là rất khó. Theo như “người hay cãi” trong giới bóng đá Việt là HLV Lê Thụy Hải thì "Chủ tịch VFF nên chọn người có tiếng nói, tiếng nói chung về mọi mặt chứ không chỉ trong địa hạt thể thao. Bởi khi có tiếng nói với Bộ chủ quản, với Nhà nước thì danh nghĩa Chủ tịch VFF mới có giá trị và bóng đá mới nhờ vả được".
Dù thế nào, thì VFF nhiệm kỳ VIII sẽ chọn được tân chủ tịch, vì ông Lê Hùng Dũng (đương kim chủ tịch hiện nay) sẽ xin nghỉ vì lý do sức khỏe.
Và người ngồi vào vị trí mà nhà tài phiệt Lê Hùng Dũng để lại cho dù là ai thì cũng phải nhớ đến lời nhắn nhủ của cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực là: “Chủ tịch VFF không phải là chỗ để kiếm lời, để kiếm chức, để tiến thân mà là chỗ để dấn thân, để đam mê và làm việc phục vụ xã hội, còn nếu cứ né tránh, đùn đẩy thì bóng đá mình không bao giờ phát triển được”.