Phóng viên:Thưa đồng chí! Thời gian qua, cùng với cả nước, Nghệ An đã tích cực triển khai chuẩn bị công tác bầu cử với tinh thần khẩn trương, sẵn sàng cho ngày hội lớn toàn dân. Xin đồng chí chia sẻ một số kết quả chuẩn bị đó?
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn:Sau hơn 5 tháng triển khai tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đến thời điểm này, các nội dung, phần việc chuẩn bị cho bầu cử đã được thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật và tiến độ đặt ra. Ban chỉ đạo, ủy ban bầu cử các cấp được thành lập; gắn với phân vai, phân việc và địa bàn chỉ đạo cụ thể cho từng thành viên. Đặc biệt, việc thành các tổ bầu cử được chỉ đạo lựa chọn những người có trách nhiệm và kinh nghiệm, trong đó có nhiều thành viên tổ bầu cử đã tham gia 2 - 3 kỳ bầu cử. Toàn tỉnh có 3.416 tổ bầu cử với tổng hơn 2,2 triệu cử triđược lập và niêm yết.
Ủy ban bầu cử và Ủy ban MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức các đoàn, tổ kiểm tra, giám sát công tác bầu cử ở cơ sở để nắm bắt tình hình, kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh một số thiếu sót, nhất là những địa bàn đang có biểu hiện chủ quan, thiếu tập trung, chưa nắm chắc nhiệm vụ bầu cử. Riêng Ủy ban Bầu cử tỉnh tổ chức 9 đoàn và tiến hành kiểm tra theo 2 đợt ở 21/21 huyện, thành, thị xã.
Nội dung có ý nghĩa trọng tâm là công tác nhân sự ứng cử được tiến hành đúng quy trình và quy định, đáp ứng về tiêu chuẩn, cơ cấu. Đặc biệt, trong quy trình chuẩn bị nhân sự ứng cử đã phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân thông qua việc giới thiệu người cơ quan, tổ chức, địa phương ra ứng cử và tổ chức lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử, kể cả cử tri thực hiện quyền tự ứng cử. Ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức 3 vòng hiệp thương dân chủ, đúng luật để lựa chọn và chốt danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ở nhiệm kỳ này, cấp Quốc hội và HĐND tỉnh, huyện không có người ứng cử, nhưng ở cấp xã có 31 người nộp hồ sơ tự ứng cử và sau hội nghị hiệp thương lần 3còn lại 17 người tự ứng cử cấp xã được lập danh sách chính thức để bầu tại 7 địa phương: Diễn Châu, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghi Lộc, Nam Đàn, Đô Lương.
Việc xác định các đơn vị bầu cử ở các địa phương, số lượng những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND bầu ở mỗi đơn vị bầu cử được thực hiện theo đúng quy định. Cụ thể, toàn tỉnh có 5 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội; 26 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 216 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện; 3.242 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã. Và số người ứng cử đại biểu Quốc hội được lập danh sách chính thức qua vòng hiệp thương thứ ba là 23 vị để bầu 13 đại biểu; số người ứng cử viên HĐND tỉnh là 137 vị để bầu 83 đại biểu; số người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện là 1.222 vị để bầu 737 đại biểu; số người ứng cử viên HĐND cấp xã là 18.333 vị để bầu 10.996 đại biểu.
Công tác thông tin, tuyên truyền được các cấp, các ngành chủ động triển khai sâu rộng theo từng giai đoạn, tiến độ chuẩn bị, tạo không khí và nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân hướng tới ngày bầu cử. Cùng với đó là tăng cường nắm bắt, dự báo tình hình và chủ động xử lý các vấn đề khó khăn, phức tạp, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trên phạm vi toàn tỉnh. Tiếp nhận, xử lý những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân liên quan đến công tác bầu cử và người ứng cử được thực hiện theo đúng quy định. Công tác chuẩn bị các cơ sở vật chất phục vụ cuộc bầu cử, gồm kinh phí, các tài liệu bầu cử, dấu bầu cử, hòm phiếu, phiếu bầu... được đảm bảo; chú trọng tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử, nhất là thành viên các tổ bầu cử gắn với xây dựng kịch bản điều hành, tổ chức chi tiết trong ngày bầu cử, đảm bảo cho ngày bầu cử diễn ra thuận lợi, an toàn.
Phóng viên:Thưa đồng chí! Quá trình chuẩn bị công tác bầu cử, Nghệ An có những khó khăn gì?
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn:Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn, dân số đông, địa bàn phức tạp. Đặc biệt có nhiều điểm vùng sâu, vùng xa, biên giới, hệ thống giao thông chưa phát triển; từ khu vực bỏ phiếu đến trung tâm làm việc xã phải đi bộ 1-2 ngày. Bởi vậy, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã chủ động đề xuất và được Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho phép Nghệ An tổ chức bầu cử sớm trước 2 ngày so với quy định tại 207 khu vực bỏ phiếu, chiếm 6,05% tổng số khu vực bỏ phiếu toàn tỉnh.
Mặt khác, ở 11 huyện vùng miền núi, dân tộc thời tiết khắc nghiệt vào mùa này thường xảy ra giông, lốc và vừa qua đã có một số điểm tại huyện Kỳ Sơn do giông, lốc đã làm hư hỏng danh sách cử tri; danh sách và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử được niêm yết. Tuy nhiên, do chủ động và có các phương án sẵn sàng nên mọi hư hỏng đã được khắc phục kịp thời, kể cả một số tuyến đường bị sạt lở, đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi trong ngày bầu cử cho nhân dân. Bên cạnh là một số vấn đề, địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự cũng được ban chỉ đạo, ủy ban bầu cử các cấp chủ động các phương án để xử lý.
Cùng với một số khó khăn riêng mang tính đặc thù của Nghệ An thì trước vấn đề chung của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban Bầu cử tỉnh cũng đã linh hoạt, kịp thời đưa ra những chỉ đạo phù hợp. Bao gồm từ việc điều chỉnh lịch tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử của người ứng cử đến tập huấn, kiểm tra, giám sát bầu cử, công tác tuyên truyền…, tất cả đều chuyển sang trạng thái chống dịch.
Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất được chỉ đạo tăng cường các hòm phiếu phụ, sẵn sàng chủ động trong điều kiện có thể nhiều cử tri phải cách ly tại nhà, cách ly tại các cơ sở y tế hoặc cách ly tập trung. Song song với đó là chỉ đạo cơ sở rà soát, lựa chọn những người đủ điều kiện tham gia vào các tổ bầu cử để sẵn sàng bổ sung, hoặc thay thế những người trong tổ bầu cử nếu trong ngày bầu cử “rơi” vào diện F0 hoặc F1 phải cách ly, để đảm bảo các điểm bầu cử được tổ chức bình thường. Ủy ban Bầu cử tỉnh cũng đã ban hành hướng dẫn chi tiết một số nội dung công tác tổ chức bầu cử gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong ngày bầu cử 23/5/2021 trên phạm vi toàn tỉnh.
Phóng viên:Thưa đồng chí! Trước thềm diễn ra ngày bầu cử trên phạm vi toàn tỉnh, đồng chí có những gửi gắm gì đến các ứng cử viên và cử tri tỉnh nhà?
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn:Điều cần khẳng định là công tác chuẩn bị nhân sự ứng cử cho bầu cử kỳ này ở cả 4 cấp trên địa bàn tỉnh được thực hiện rất kỹ lưỡng. Ngoài đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định thì chất lượng, trình độ, năng lực của các ứng cử viên khá cao. Đặc biệt thông qua dự kiến chương trình hành động, các ứng cử viên đều nhận thức rất rõ trách nhiệm của mình trước nhân dân và chung hơn là đất nước, là tỉnh, địa phương nơi mình được bầu. Bởi vậy, không chỉ riêng tôi mà cử tri tỉnh nhà đều mong muốn, kỳ vọng các ứng cử viên khi trúng cử sẽ có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp, góp phần thúc đẩy sự phát triển đất nước, quê hương; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố mối quan hệ khăng khít, máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đây là cơ hội để nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp; đồng thời là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vì vậy, tôi mong muốn các bậc cử tri tỉnh nhà thực hiện tốt quyền lợi và nghĩa vụ đi bỏ phiếu; nghiên cứu kỹ và sáng suốt lựa chọn những người thật sự xứng đáng làm đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Phóng viên:Xin cảm ơn đồng chí!