Dự kiến dôi dư 185 cán bộ, 199 công chức sau sáp nhập
Nghệ An có 16 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã (14 xã, 2 thị trấn) có cả 2 tiêu chí (diện tích, dân số) dưới 50% so với quy định phải tiến hành sắp xếp, sáp nhập với các đơn vị hành chính liền kề trong giai đoạn 1 (2019 - 2021).
Theo phương án sáp nhập, Nghệ An có 36 đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập thành 16 đơn vị, giảm 20 thuộc 9 huyện, thị gồm: Quế Phong, Tương Dương, Thanh Chương, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên và thị xã Thái Hòa. Lúc đó, toàn tỉnh còn lại 460 ĐVHC cấp xã, gồm có 411 xã, 32 phường, 17 thị trấn.
Đến nay, các địa phương đã hoàn thành lấy ý kiến nhân dân về phương án sáp nhập và đạt tỷ lệ đồng thuận tương đối cao. HĐND cùng cấp đã họp thông qua đề án sáp nhập.
Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ xây dựng “Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 của tỉnh Nghệ An” trình UBND tỉnh nghe và cho ý kiến trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh sẽ họp ngay trong tháng này để ban hành Nghị quyết về “Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 của tỉnh Nghệ An”, trước khi trình cấp Trung ương.
Theo tờ trình của Sở Nội vụ, tổ chức bộ máy sẽ được sắp xếp, bố trí theo quy định của Đảng, Nhà nước và điều lệ của các tổ chức đoàn thể.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu cơ bản nhất trí với các vấn đề đặt ra. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quan tâm đến phương án bố trí, sắp xếp, giải quyết cho cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách dôi dư.
Hiện nay, 36 ĐVHC cấp xã thuộc diện sáp nhập có 345 cán bộ, 389 công chức và 514 người hoạt động không chuyên trách.
Sau khi sáp nhập thành 16 ĐVHC cấp xã mới, dự kiến sẽ bố trí được 160 cán bộ, 190 công chức và 208 người hoạt động không chuyên trách. Như vậy sẽ dôi dư 185 cán bộ, 199 công chức, 306 người hoạt động không chuyên trách.
Lãnh đạo nhiều địa phương đề nghị làm rõ việc hướng giải quyết đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách thuộc diện dôi dư. Đồng chí Đinh Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn đề xuất với tỉnh nghiên cứu thêm phương án bố trí đối với cán bộ cấp xã như cho phép được chuyển sang làm công chức của xã khác hoặc cấp huyện.
Đại diện Ban Pháp chế, HĐND tỉnh dự họp, đồng chí Thái Thị An Chung - Phó Trưởng ban Pháp chế cho rằng, đối với phương án bố trí số lượng cán bộ, công chức dôi dư, về chính sách nên nghiên cứu rộng hơn, không chỉ là về hỗ trợ kinh phí. Bên cạnh đó, UBND tỉnh nên sớm soạn thảo, trình sửa đổi Nghị quyết 117 về mức phụ cấp cho cán bộ hoạt động không chuyên trách ở khối, xóm, bản vì sau khi sáp nhập quy mô số hộ tăng lên nên cần có mức phụ cấp mới, phù hợp để khuyến khích cán bộ khối, xóm, bản yên tâm công tác.
Một số ý kiến cũng nếu lên vấn đề băn khoăn khi sáp nhập thành ĐVHC cấp xã, xóm mới nhưng có 1 xã, 1 xóm cũ đã về đích nông thôn mới, xã, xóm còn lại chưa về đích. Do đó cần có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân nhằm tạo được sự đồng thuận cao…
Xây dựng nhiều giải pháp bố trí cán bộ, công chức dôi dư
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đánh giá cao công tác chuẩn bị của Sở Nội vụ, cũng như quá trình triển khai phương án sáp nhập, lấy ý kiến nhân dân của các đơn vị cấp huyện liên quan; đồng thời cơ bản thống nhất “Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 của tỉnh Nghệ An”.
Tuy nhiên, Sở Nội vụ cần bổ sung biểu tổng hợp để thấy được quy trình thực hiện sáp nhập, số lượng xã sáp nhập, tỷ lệ người dân đi tham gia bỏ phiếu, tỷ lệ thống nhất… trước khi trình UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh.
Bên cạnh đó, để việc sáp nhập tiến hành đạt hiệu quả cao, Sở Nội vụ phải tham mưu để sau khi HĐND tỉnh họp và thông qua nghị quyết về Đề án sáp nhập ĐVHC cấp xã của tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo tất cả 9 đơn vị cấp huyện có sáp nhập ĐVHC cấp xã bắt tay ngay vào rà soát lại số lượng, đánh giá lại năng lực, phẩm chất, trình độ, uy tín, sở trường, đề xuất phương án bố trí cán bộ, công chức rõ ràng.
Trên cơ sở thực trạng công tác cán bộ của các đơn vị đề nghị sắp xếp, bố trí, tỉnh sẽ tổng hợp lại và có phương án chính thức cho cả tỉnh, để sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua phương án sáp nhập có thể thực hiện kịp thời, đồng bộ.
Trong quá trình đó, Sở Nội vụ phải phân công cán bộ nắm địa bàn 9 đơn vị cấp huyện trên, sát cánh, tham gia ngay từ khâu chuẩn bị; đồng thời Sở cũng cần rà soát toàn bộ văn bản liên quan đến công tác cán bộ, nghiên cứu những tình huống để có phương án giải quyết; tiếp đó có hướng dẫn hướng sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức ngay sau khi HĐND tỉnh họp xong để thực hiện.
Sở Xây dựng phải vào cuộc, giúp các huyện, thị nghiên cứu, khảo sát để đưa ra phương án để lựa chọn vị trí, địa điểm đặt của trụ sở các đơn vị sáp nhập nếu như có thay đổi về trụ sở; đề xuất phương án sẽ sử dụng trụ sở nào làm trụ sở tạm thời trong thời gian chờ trụ sở mới.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin và Truyền thống phối hợp giúp các huyện, thị liên quan tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền để tư tưởng, nhận thức, cán bộ, người dân phải thống nhất. Công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động, thuyết phục phải đi trước một bước.
Đồng thời tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách các địa bàn có sáp nhập xã trực tiếp xuống xem xét, góp phần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo sáp nhập.
Cũng tại cuộc làm việc, các đại biểu đã nghe Tờ trình của Sở Nội vụ về việc xây dựng dự thảo “Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã và sáp nhập khối, xóm, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
Sau khi nghe các ý kiến, kết luận nội dung này, đồng chí Thái Thanh Quý đề nghị Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy để nghiên cứu chính sách đồng bộ các quy định liên quan đến công tác cán bộ, công chức để có phương án giải quyết, trên tinh thần là không chỉ có phương án hỗ trợ kinh phí, mà còn có các giải pháp sắp xếp, bố trí khác. Riêng đối với cán bộ khối, xóm, bản cần nghiên cứu chính sách theo hướng là cần có hỗ trợ, động viên khi nghỉ việc do dôi dư sau sáp nhập.
Cũng tại cuộc làm việc, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến dự thảo Nghị quyết nhập, đổi tên xóm, khối bản ở các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện: Anh Sơn, Nghi Lộc, TP. Vinh và thị xã Hoàng Mai.