Chiều 4/10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh để đánh giá kết quả thực hiện và triển khai các giải pháp cấp bách ngăn chặn, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Tham gia hội nghị còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng và Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Nghĩa Hiếu.
 
bna_toan_canh9524562_4102019.jpgToàn cảnh hội nghị. Ảnh: Xuân Hoàng

5,8% tổng đàn lợn đã tiêu hủy

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tỉnh dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện tại Nghệ An từ ngày 13/3/2019. Đến ngày 3/10, bệnh dịch này đã xảy ra tại 12.661 hộ thuộc 1.472 xóm của 281 xã thuộc 20 huyện, thị. Tổng số lợn mắc bệnh tiêu hủy trên 58.490 con (chiếm 5,8% tổng đàn). Tổng trọng lượng tiêu hủy trên 2,6 triệu kg. Hiện còn 223 xã, thuộc 20 huyện, thị xã, thành phố có dịch chưa qua 30 ngày.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Xuân Hoàng

Sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ban, ngành, thông tin truyền thông và chính quyền các cấp đã quan tâm, chỉ đạo và triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch. Các địa phương từ huyện xuống xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Nguyên nhân dịch bùng phát mạnh trên địa bàn Nghệ An được xác định là do chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 88,8% tổng đàn lợn cả tỉnh, rất khó áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Hoàng

Sau cơn bão số 4, mưa lớn kéo dài gây ngập úng tại các huyện vùng trũng như Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Hưng Nguyên khiến mầm bệnh từ xác lợn, chất thải từ chăn nuôi, cơ sở thu gom, giết mổ, các hố chôn lợn không đảm bảo... theo nước phát tán rộng rãi ra môi trường. Thêm vào đó, nhiều loại côn trùng sinh sôi, phát triển (ruồi, muỗi, ve, mòng, chuột...) là nhân tố trung gian truyền lây mầm bệnh.

Ngoài ra, một số địa phương lơ là thiếu các biện pháp quyết liệt, chưa áp dụng triệt để các giải pháp chống dịch.  
Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, cần làm thay đổi nhận thức của người chăn nuôi và các địa phương làm tốt công tác phun độc khử trùng thì dịch mới được khống chế. Ảnh: Xuân hoàng

Đến tháng 9, UBND tỉnh đã cấp kinh phí 14,2 tỷ đồng; các huyện, xã đã chủ động cấp kinh phí 17,6 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí hỗ trợ lợn buộc tiêu hủy) để phòng chống dịch. Toàn tỉnh đã sử dụng 80 tấn hóa chất khử trùng.
Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay, mầm bệnh đã phát tán rộng, số lượng lợn tiêu hủy nhiều, các địa phương chưa thực hiện tốt công tác khử trùng tiêu diệt mầm bệnh tại các ổ dịch, việc kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn bị buông lỏng, chưa nghiêm. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thể áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, kết hợp với thời tiết diễn biến bất lợi ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn lợn. Vì vậy, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát thời gian tới rất cao.
Trong tháng 6/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Ảnh tư liệu Xuân Hoàng

Tại hội nghị, các địa phương Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Thanh Chương, Quế Phong, Hưng Nguyên đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm lượng hóa chất để phun tiêu độc khử trùng và nguồn ngân sách dự phòng. Tỉnh cũng cần hỗ trợ thêm đồ bảo hộ phục vụ công tác tiêu hủy lợn; chính sách khuyến khích người chăn nuôi trong việc phát triển chăn nuôi. Đề nghị Chi cục Thú y hướng dẫn việc lấy mẫu xét nghiệm lợn bệnh phù hợp với từng giai đoạn.

Tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự vào cuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành của Nghệ An để chỉ đạo và triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua.
Tiêu hủy lợn nhiễm dịch trên địa bàn huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu Xuân Hoàng

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị UBND tỉnh, các địa phương cấp huyện tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Cần phải thực hiện chống dịch từ cơ sở, từ người dân và "chống dịch như chống giặc" theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống dịch bệnh đó là sử dụng biện pháp an toàn sinh học gắn với chế phẩm an toàn sinh học.

Ngành thú y cần tham mưu cho UBND tỉnh áp dụng một số loại chế phẩm an toàn sinh học vào chăn nuôi lợn đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai có hiệu quả tại một số địa phương.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Phùng Đức Tiến

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý lưu ý các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố, diễn biến thời tiết trong thời gian tới phức tạp nên mầm bệnh sẽ tiếp tục lây lan. Để khống chế được dịch, đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch tỉnh nâng cao trách nhiệm cao hơn theo nhiệm vụ được giao. Từ nay đến cuối năm các địa phương tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch, với tinh thần "chống dịch như chống giặc".
Các huyện, phường, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh môi trường trong khu vực chuồng trại; các địa phương tiếp tục lập chốt kiểm soát dịch; kiểm soát nghiêm công tác giết mổ trên địa bàn. 
Các cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của dịch để người dân hiểu, thực hiện. Các tổ chức chính trị tiếp tục vận động các thành viên thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.