Sáng 3/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với 21 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, triển khai cấp bách các giải pháp ngăn chặn, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành: Nông nghiệp - PTNT, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giao thông và Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng tỉnh...
Nghệ An tiêu hủy gần 1.600 con lợn
Theo thông báo của Cục Thú y, tính đến ngày 2/6/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 3.464 xã, 335 huyện của 52 tỉnh, thành phố trên cả nước, buộc phải tiêu hủy trên 2,1 triệu con lợn, chiếm 7% tổng đàn.
Đối với Nghệ An, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ ngày 13/3/2019, đến nay đã xảy ra tại 272 hộ ở 122 xóm của 66 xã thuộc 14 huyện, thị. Tổng số lợn mắc bệnh tiêu hủy 1.598 con, tổng trọng lượng hơn 64 tấn.
Hiện tại dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra ở 58 xã thuộc 11 huyện: Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc, Diễn Châu, TX Hoàng Mai, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Yên Thành.
Từ đầu năm 2019 đến hết tháng 4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các địa phương, công an, quản lý thị trường kiểm tra xử lý 82 trường hợp vi phạm pháp luật trong vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Xử phạt với tổng số tiền hơn 354 triệu đồng.
Chống dịch như chống giặc
Kết luận hội nghị, đồng chí Thái Thanh Quý - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, lây lan rộng, tỉnh xác định coi việc phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi là nhiệm vụ cấp bách, tập trung chỉ đạo trong thời điểm này; kiên quyết, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; mở đợt tuyên truyền sâu rộng đến đảng viên, cán bộ và người dân nhận thức đầy đủ, cùng cả hệ thống chính trị thực hiện các giải pháp. Người đứng đầu chính quyền phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy và cấp trên về tình hình dịch bệnh tại địa phương.
"Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT nói rõ ngành nào, lực lượng nào, huyện nào trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi chưa tốt, cần phải nói rõ để kịp thời khắc phục. Sau cuộc họp này, đề nghị các cấp ngành, địa phương phải thực hiện một cách nghiêm túc hơn, gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nhằm nhanh chóng đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi ra khỏi địa bàn".
Đối với cấp tỉnh, Sở NN&PTNT là cơ quan thường trực tham mưu kiện toàn lại Ban chỉ đạo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh sẽ làm trưởng ban. Sở NN&PTNT cần soạn nội dung tuyên truyền cụ thể, súc tích ngắn gọn lại các nguyên nhân chính gây bệnh, các hướng dẫn cụ thể để người dân dễ hiểu, dễ nắm, dễ thực hiện.
Đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền mạnh hơn, đặc biệt các giải pháp phòng chống dịch, công tác chỉ đạo, có chuyên mục về phòng chống dịch tả lợn châu Phi để phản ánh diễn biến, nhất là hướng dẫn cho bà con các biện pháp phòng tránh dịch bệnh; biểu dương và phê bình các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam vào đầu tháng 02/2019, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 27/5/2019 và UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 313/KH-UBND ngày 29/5/2019 thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.