Chiều 22/6, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi và các điểm đen đuối nước tại các địa phương: Quỳnh Lưu, Diễn Châu và Yên Thành. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Lao động TB&XH.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tại chốt chặn xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu). Ảnh: Xuân Hoàng Tại huyện Quỳnh Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại xã Quỳnh Hưng, địa phương vừa công bố lại dịch tả lợn châu Phi. Qua kiểm tra, chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận địa phương làm tốt công tác lập chốt chặn kiểm soát dịch, cử lực lượng trực chốt nghiêm túc.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở địa phương thường xuyên kiểm tra lực lượng được phân công trực chốt, vì đây là xã đã tái phát dịch trở lại.
Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ ông Trần Huy Hồng, xóm Trưởng xóm 6, xã Diễn Xuân, nắm bắt tình hình phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại địa phương. Ảnh: Xuân Hoàng Tại huyện Diễn Châu, Chủ tịch UBND tỉnh đến xã Diễn Xuân là 1 trong 3 điểm nóng dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Diễn Châu hiện nay. Đến xóm 6, xã Diễn Xuân, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tìm hiểu cụ thể về số lượng hóa chất, vôi bột đã được cấp và công tác chỉ đạo phòng chống dịch.
Sau khi nắm bắt thông tin từ cơ sở, Chủ tịch UBND tỉnh lo lắng: Xã Diễn Xuân có 10 xóm, nhưng đã có tới 9 xóm xảy ra dịch là đáng lo ngại, nếu không quyết liệt chỉ đạo sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến đàn lợn của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở chính quyền xã Diễn Xuân và huyện Diễn Châu cần xem xét lại công tác phòng chống dịch trong thời gian qua. Ảnh: Xuân Hoàng Huyện Yên Thành là địa phương hiện có số xã dương tính với dịch tả lợn châu Phi nhiều nhất tỉnh, với 23 xã. Trong đó, có nhiều xã xảy ra nhiều điểm dịch.
Tại xã Xuân Thành, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cấp xóm có vai trò lớn trong công tác phòng chống dịch, vì vậy cán bộ xóm cần nắm bắt thật cụ thể từng người dân làm nghề gì, ở đâu, để có cách tuyên truyền hiệu quả. nếu không, chính người dân là mang mầm bệnh về lây nhiễm đàn lợn của mình.
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý chính quyền xã Xuân Thành chỉ đạo các xóm có cách tuyên truyền hiệu quả. Ảnh: Xuân Hoàng
Hóa chất, vôi bột và nhân lực có đủ, vậy tại sao dịch tả lợn châu Phi vẫn lây lan ra diện rộng là vì sao? Bởi vậy, chính quyền địa phương phải kiểm tra lại cách thức công tác chỉ đạo phòng chống, khống chế dịch. Các xã phải nắm được đặc thù về địa hình, nhận thức của người dân để có giải pháp phòng bệnh cụ thể, sát sao hơn. Khi nắm được nguyên nhân dịch lây lan thì công tác khống chế dịch mới hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát lại các địa phương thuộc diện điểm nóng về dịch tả lợn châu Phi để có kế hoạch cấp bổ sung hóa chất khử trùng và đồ bảo hộ. Đồng thời đề nghị các xã, huyện trích ngân sách dự phòng để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Chủ tịch UBND tỉnh chất vấn các địa phương có dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp. Đồ họa: Quang An Ngoài kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Chủ tịch UBND tỉnh còn kiểm tra các điểm đen đuối nước tại xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) và xã Bắc Thành (Yên Thành), nơi vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm 5 em học sinh tử vong vừa qua tại khu vực đập Trại Xanh, xã Bắc Thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý kiểm tra công tác phòng đuối nước tại đập Trại Xanh xã Bắc Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng Đồng chí Thái Thanh Quý lưu ý, các địa phương phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực sông, hồ đập; đồng thời cử người bảo vệ, đặc biệt là tại đập nước Trại Xanh.
Từ ngày 13/3 đến ngày 21/6/2019, trên địa bàn tỉnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 1.365 hộ, tại 306 xóm của 121 xã thuộc 18 huyện, thị, thành phố: Quỳnh Lưu (14 xã), Tân Kỳ (04 xã), TX Hoàng Mai (05 phường, xã), Nam Đàn (01 xã), Đô Lương (06 xã), Quỳ Hợp (02 xã), Quỳ Châu (02 xã), Nghi Lộc (13 xã), Diễn Châu (20 xã), Hưng Nguyên (4 xã), Kỳ Sơn (15 xã), Yên Thành (23 xã), Tp Vinh (02 phường, xã), Con Cuông (02 xã), Tương Dương (03 xã), Quế Phong (03 xã), Anh Sơn (01 xã), Thanh Chương (01 xã).
Tổng số lợn lợn mắc bệnh đã tiêu hủy: 5.293 con. Tổng trọng lượng lợn tiêu hủy 231.657,5 kg.