(Baonghean.vn) - Sẽ xử lý nghiêm cán bộ công nhân viên chức vi phạm hành lang ATGT; Không cho phép các địa phương quy hoạch nhà ở của dân 2 bên Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ để tránh hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, hành lang ATGT.
Đó là kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác giải toả hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, vỉa hè trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2020 sáng 3/4.
Hội nghị do đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có đồng chí Huỳnh Thanh Điền - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, lãnh đạo Sở GTVT, Công an tỉnh cùng các sở, ban, ngành liên quan và 21 điểm cầu. |
Tình hình lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, hè phố trên địa bàn Nghệ An diễn ra khá phổ biến trên các huyện, thành phố, thị xã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông, trật tự ATGT và là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường công tác giải toả vi phạm hành lang an toàn giao thông, hè phố nhưng hiệu quả chưa cao, vi phạm vẫn còn nhiều, tình trạng tái lấn chiếm vẫn tiếp diễn.
Theo tổng hợp, tổng số công trình vi phạm trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ khoảng hơn 4.600 trường hợp. Vi phạm chủ yếu là san lấp mặt bằng trái phép, xây dựng ki ốt, hàng rào, sử dụng lòng đường, hè phố để họp chợ, kinh doanh buôn bán tập kết vật liệu xây dựng, bãi rửa xe… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, mỹ quan đô thị trên địa bàn.
Đối với đường sắt, tổng công trình nhà ở, vật kiến trúc vi phạm hành lang là 123 trường hợp. Đối với hè phố đô thị, tình trạng buôn bán, đặt biển quảng cáo, che bạt,… lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thường xuyên xảy ra.
Trao đổi về nhiệm vụ trọng tâm của công tác này trong thời gian tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh: Phải ra quân có trình tự, có kế hoạch; đảm bảo các phương tiện thiết bị, huy động các lực lượng trên địa bàn, tuyên truyền nhận thức sâu rộng cho các tầng lớp nhân dân. Khối lượng công việc cho chiến dịch lần này là rất lớn, do đó, các địa phương phải có nỗ lực, quyết tâm cao; trước mắt UBND tỉnh chọn thành phố Vinh để ra quân toàn tỉnh, các huyện đồng loạt ra quân từ ngày 5/5/2017.
Tại điểm cầu các huyện, thị: Tương Dương, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thị xã Cửa Lò, lãnh đạo các huyện cũng nêu quyết tâm ra quân giải toả hành lang; chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện cũng như có những kiến nghị, đề xuất giải pháp đến UBND tỉnh, Ban chỉ đạo ATGT tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường để thực hiện tốt Nghị quyết 56 của HĐND tỉnh và Kế hoạch 136/KH-UBND tỉnh về việc giải toả vi phạm hành lang ATGT, đề nghị UBND các huyện thành thị và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch giải toả vi phạm, chống lấn chiếm hành lang ATGT của địa phương, đơn vị mình cụ thể, chi tiết phù hợp với địa bàn. Lựa chọn chỉ đạo điểm một số tuyến đường để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên diện rộng. Thực hiện việc giải toả vi phạm đối với công trình tập thể, cơ quan, đơn vị, gia đình cán bộ đảng viên trước, sau đó đến từng hộ gia đình, cá nhân. Quy định và giao cụ thể trách nhiệm quản lý cho người đứng đầu địa phương đồng thời xây dựng cơ chế tự người dân giám sát để duy trì kết quả đạt được sau giải toả.
Về công tác tuyên truyền, mở đợt tuyên truyền vận động đến từng xã phường thị trấn tự giải toả công trình vi phạm, mở điểm giao cắt ở các khối xóm, khu dân cư… Mỗi tổ chức đăng ký tối thiểu 1 tuyến đường hoặc 1 đoạn tuyến theo mô hình đường tự quản, đoạn tuyến văn minh, kiểu mẫu…hoàn thành trước ngày 10/4/2017.
UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt xác định cụ thể phạm vi giải toả các trường hợp vi phạm; tổ chức thống kê kiểm đếm, lập hồ sơ công trình, vật kiến trúc vi phạm hành lang an toàn giao thông, vỉa hè đô thị; rà soát thống kê, phân loại các vi phạm, các trường hợp đã được bồi thường GPMB nhưng chưa giải toả hoàn thành trước ngày 15/4/2017.
Sau ngày 20/4/2017, UBND cấp xã phải có thông báo bằng văn bản đến các đối tượng vi phạm chưa tự tháo dỡ, di dời và tiếp tục yêu cầu tự tháo dỡ, di dời chậm nhất 10 ngày kể từ khi nhận được thông báo. Nếu không thực hiện sẽ tiến hành cưỡng chế, giải toả.
“Tỉnh sẽ xử lý nghiêm cán bộ công nhân viên chức vi phạm hành lang ATGT. Ngoài ra, rút kinh nghiệm trước đây quy hoạch nhà dân 2 bên đường dẫn tới vi phạm hành lang, thời gian tới kiên quyết không phê duyệt cho các địa phương quy hoạch nhà ở của dân bám 2 bên đường, nhất là Quốc lộ, tỉnh lộ mà phải quy hoạch thành cụm dân cư có đường gom. Các địa phương, ban ngành liên quan sẽ rà soát lại tất cả các quy hoạch đô thị, không được bám vào tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ”, - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Vi phạm hành lang an toàn giao thông là vi phạm pháp luật được quy định tại Điều 8 - Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, có 23 hành vi bị nghiêm cấm như: Phá hoại đường, cầu, hầm, bến phà đường bộ, đèn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo hiệu, gương cầu, dải phân cách, hệ thống thoát nước và các công trình, thiết bị khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ. Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép... |
Thu Huyền
TIN LIÊN QUAN |
---|