Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cùng đoàn đã đến thăm mô hình ươm cây giống lâm nghiệp tại xã Tân Hương. Đây là xã miền núi, cách trung tâm huyện 8km, mới được thành lập năm 2005. Toàn xã có 2.015 hộ dân, 8.674 nhân khẩu.
Báo cáo với đoàn, lãnh đạo xã Tân Hương cho biết, trên địa bàn xã hiện có 283 hộ gia đình, 3 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Tổng diện tích vườn gieo ươm là 35,6 ha; tổng công suất gieo ươm bình quân 160 triệu cây/năm. Năm 2021, trên địa bàn xã đã tổ chức sản xuất, kinh doanh 140,28 triệu cây. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2022, đã tổ chức sản xuất, kinh doanh là 60 triệu cây.
Tổng doanh thu từ sản xuất, kinh doanh cây giống trên địa bàn xã năm 2021 đạt 64,4 tỷ đồng. Bình quân doanh thu trên đơn vị diện tích từ sản xuất, kinh doanh cây giống năm 2021 đạt 1,808 tỷ đồng/ha (90 triệu đồng/sào). Hiện nay, bà con đang chuẩn bị công tác đóng bầu để giao ươm phục vụ trồng rừng vụ thu, với số lượng cây giống dự kiến sẽ gieo ươm từ nay đến hết năm 2022 là 100 triệu cây.
Thị trường giống cây lâm nghiệp của xã chủ yếu cung ứng cho các xã trên địa bàn huyện Tân Kỳ, các huyện trong địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh miền Trung như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắk Lắk... Các vườn ươm đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 2.100 lao động trong và ngoài xã/năm, với thu nhập bình quân từ 4-7 triệu đồng/lao động/tháng.
Sau khi nghe báo cáo, tham quan thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp cũng như người dân trên địa bàn. Nhờ đó, đời sống của người dân trên địa bàn xã ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 4,6%.
Để mô hình phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Tân Kỳ, các sở, ngành quan tâm giải quyết các khó khăn, vướng mắc về mỏ đất cho doanh nghiệp; tạo các điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tiếp cận với những chính sách của Nhà nước. Huyện cũng cần giúp đỡ để xã Tân Hương về đích Nông thôn mới trong năm 2022.
Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã đến tham quan Nhà máy may Minh Anh ở xã Kỳ Tân. Nhà máy có tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng, dự kiến sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 6.500 lao động.
Đến nay, giai đoạn 1 của dự án đã đi vào hoạt động được 8 tháng, đang giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động, mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/lao động/tháng. Công ty cũng đã có chính sách hỗ trợ những công nhân nhiễm Covid-19, bố trí xe đưa đón công nhân, tổ chức bếp ăn tập thể đảm bảo vệ sinh.
Đánh giá cao hoạt động sản xuất của công ty, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc doanh nghiệp đầu tư dự án nhà máy may vào địa bàn đã giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tân Kỳ nói riêng và tỉnh nói chung. Đồng thời, đánh giá cao tâm huyết của lãnh đạo doanh nghiệp, những đóng góp của doanh nghiệp vào hoạt động an sinh xã hội trong thời gian qua.
Với quan điểm doanh nghiệp phát triển sẽ góp phần kinh tế - xã hội phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Tân Kỳ quan tâm hơn nữa vào việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh giải quyết. Các sở, ngành quan tâm giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp về điều chỉnh quy hoạch, hướng dẫn doanh nghiệp được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước./.