bna_toan_canh3183875_2472020.jpgSáng 24/7, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tổ chức họp phiên thường kỳ tháng 7/2020. Tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và thành viên UBND tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

NẮNG NÓNG, HẠN HÁN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Báo cáo UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2020, Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nguyễn Xuân Đức cho biết, do nắng nóng gay gắt kéo dài, hạn hán trên diện rộng, nên tiến độ sản xuất một số cây trồng vụ mùa có khả năng đạt thấp; số vụ cháy rừng thời gian qua xảy ra nhiều. Tình hình tiêu thụ một số sản phẩm nông sản, thủy sản xuất khẩu gặp khó khăn, nhất là hải sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 ước tăng 10,76% so với cùng kỳ, ước giảm 1,74% so với tháng 6 năm 2020. Tình hình sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; một số sản phẩm chủ lực như: bia, điện sản xuất, sợi dệt may... lũy kế 7 tháng giảm so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 7 ước đạt 6.255,78 tỷ đồng, tăng 17,81%; hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc. Tính đến 30/6/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt 44,17% kế hoạch. Thu ngân sách 7 tháng ước thực hiện 8.348,9 tỷ đồng, đạt 54,9% dự toán và bằng 93,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nguyễn Xuân Đức báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 7 tháng đầu năm 2020. Ảnh: Phạm Bằng

Đến ngày 15/7/2020, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới 49 dự án với tổng số vốn đăng ký là 3.927,61 tỷ đồng. Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới cho 1.020 doanh nghiệp, tăng 2,2% so với cùng kỳ với tổng số vốn đăng ký 7.781,5 tỷ đồng. Cùng đó, có 350 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại. 

Đến ngày 13/7, UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ 3 nhóm đối tượng: người có công; bảo trợ xã hội; người nghèo, hộ cận nghèo với 554.821 người được chi trả, tổng số kinh phí đã giải ngân hơn 546 tỷ đồng. Công tác cải cách hành chính được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Thủ tục hành chính được rà soát, công bố công khai, rút ngắn thời gian xử lý. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, công tác quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo.

Ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công Thương báo cáo thêm về tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Bằng

Tại phiên họp, lãnh đạo các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Du lịch, Y tế... đã báo cáo thêm những kết quả đã triển khai. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã phát biểu nhiều ý kiến, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải quyết khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

CHỈ RÕ VIỆC, ĐƠN VỊ, NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá cao những kết quả tích cực của các ngành trên các lĩnh vực. Đồng thời, thống nhất 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tháng 8 và những tháng tiếp theo.

Với quan điểm là chỉ rõ việc, chỉ rõ đơn vị, chỉ rõ người chịu trách nhiệm, Chủ tịch UBND tỉnh nêu lên những nhiệm vụ cụ thể và yêu cầu các ngành thực hiện tốt. Trước hết, các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai sớm 20 Nghị quyết mà HĐND tỉnh vừa thông qua tại kỳ họp thứ 15. Trong đó, trọng tâm là Nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2020.

Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành tham mưu sớm cho tỉnh ban hành bảng giá đất trong khu công nghiệp; sửa đổi Nghị quyết 26 về chính sách hỗ trợ đầu tư. Ảnh: Phạm Bằng

Cùng với thực hiện 3 nhiệm vụ về phòng chống dịch, phát triển sản xuất và tổ chức đại hội Đảng cấp trên cơ sở, chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, theo Chủ tịch UBND tỉnh thì một nhiệm vụ quan trọng là cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư.

Đánh giá Nghệ An đang có cơ hội lớn để đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành phải có những hành động cụ thể để nắm bắt thời cơ này. Việc làm trước mắt là phải rút ngắn được thời gian giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.

Đồng thời, đề nghị Tổ công tác liên ngành do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa làm tổ trưởng sớm đi vào hoạt động, thực hiện thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trong việc xử lý các vấn đề liên quan về cải cách hành chính, thu hút đầu tư, quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung đề nghị Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh sớm triển khai hoạt động tiếp xúc trên cả 3 lĩnh vực. Các sở, ngành, địa phương công khai đầu mối, thiết lập kênh kết nối để xử lý kịp thời các vấn đề doanh nghiệp và người dân kiến nghị; đôn đốc công tác GPMB để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Ảnh: Phạm Bằng

Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam hoàn thiện sớm hồ sơ điều chỉnh quy hoạch tổng thể của Khu kinh tế, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư. Sở KH&ĐT phối hợp với các cơ quan tham mưu sửa đổi Nghị quyết 26 phù hợp với tình hình mới. 

Về công tác thu chi ngân sách, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tỉnh quyết tâm đạt được mục tiêu thu ngân sách theo dự toán được giao trong điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn. Cùng đó, quản lý chặt chẽ công tác chi, cắt giảm những khoản chi không cần thiết; rà soát, sắp xếp, sử dụng tài sản công hiệu quả.

Một vấn đề quan trọng mà Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương quan tâm là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Theo người đứng đầu UBND tỉnh, thời gian qua Nghệ An đã làm tốt công tác này nhưng không vì thế mà chủ quan. Vẫn còn một số ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp. Từ cuộc họp UBND tháng 8 trở đi, Sở KH&ĐT phải cập nhật số liệu giải ngân từng ngành, từng địa phương và nêu rõ ngành, địa phương nào chưa đạt yêu cầu.

“Giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn này là một trong những động lực để thúc đẩy tăng trưởng, bên cạnh việc thu hút đầu tư, xuất khẩu. Tôi yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ này, lấy kết quả giải ngân để đánh giá thành tích trong năm 2020. Đơn vị nào không đảm bảo được kết quả giải ngân thì không xét thi đua”.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung

Đồng chí Nguyễn Đức Trung cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành Nông nghiệp về công tác chống hạn, cháy rừng, đảm bảo sản xuất vụ hè thu và phòng, chống mưa lũ. Ngành Công Thương sớm thúc đẩy các dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động, đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện.

Ngành Du lịch triển khai các chính sách thúc đẩy, phục hồi du lịch. Ngành LĐ,TB&XH tiếp tục đánh giá khả năng cung cấp nguồn nhân lực cho các dự án lớn, tạo điều kiện cho các chuyên gia vào làm việc, đảm bảo an sinh xã hội.

Ngành Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt, chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Học sinh tham gia Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh tư liệu

Ngành Tài nguyên và Môi trường chủ động quy hoạch mỏ đất, đảm bảo nguyên vật liệu cho các dự án, sớm báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh ban hành bảng giá đất trong các khu công nghiệp.

Ngành Nội vụ quan tâm công tác kiện toàn các xã sau sáp nhập, đặc biệt là chế độ, chính sách cho các cán bộ cấp xã, xóm.

Ngành Công an tiếp tục trấn áp các loại tội phạm, nhằm tạo sự ổn định, lấy niềm tin của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

"Các cấp, các ngành phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao; quản lý chặt chẽ đội ngũ công chức, viên chức, không để xảy ra sai phạm. Quan điểm của tỉnh là làm sai thì phải xử lý nghiêm" - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định.