Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã tiếp công dân Trần Thị Loan (xóm Tây Lộc, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu). Bà Loan tố cáo sai phạm trong hoạt động chuyên môn của Phòng khám đa khoa tư nhân Trường An (tại huyện Diễn Châu).
Cụ thể, bà Loan tố cáo bác sỹ Cao Đăng Tú của phòng khám thực hiện khâu nối gân cho bệnh nhân Ngô Thị Hoài Nam khi chưa có chứng chỉ hành nghề. Bà Loan cũng không đồng ý với kết quả giải quyết đơn của Sở Y tế vì cho rằng chưa khách quan, có sự bao che.
Theo nội dung báo cáo giải quyết đơn công dân của Sở Y tế, bà Ngô Thị Hoài Nam vào phòng khám thăm khám và được kết luận bị gãy xương chính mũi, gãy xương sườn, đứt gân gót chân. Bà Nam được bác sỹ Cao Đăng Tú khâu nối gân khi chưa có chứng chỉ hành nghề về khám chữa bệnh ngoại khoa.
Như vậy, Phòng khám đa khoa tư nhân Trường An có 2 vi phạm: Sử dụng người hành nghề khi chưa có chứng chỉ hành nghề; cung cấp khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn.
Sau đó, bà Ngô Thị Hoài Nam có đơn tố cáo bà Trần Thị Loan và Công an huyện Diễn Châu thực hiện trưng cầu pháp y về tỷ lệ thương tật của chị Nam. Hội đồng giám định pháp y tỉnh giới thiệu bà Nam đến giám định tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh.
Trên cơ sở đó, trung tâm giám định pháp y kết luận, bà Nam bị gãy xương chính mũi, gãy xương sườn, đứt gân gót chân. Đây là tài liệu để cơ quan điều tra, truy tố và TAND huyện Diễn Châu đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, bà Loan không đồng tình với bản án và kháng cáo. Hiện TAND huyện Diễn Châu đang thực hiện quy trình xem xét kháng cáo theo quy định.
Sau khi nghe các cơ quan chức năng báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, liên quan đến kết quả giám định thương tích, đề nghị Sở Y tế có văn bản trả lời cụ thể từng nội dung mà công dân kiến nghị, từ đó giúp công dân có cơ sở thực hiện quyền trước tòa.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã tiếp bà Đoàn Thị Thu (đại diện cho 20 hộ dân xóm 1, xã Diễn An, huyện Diễn Châu) kiến nghị, phản ánh một số tồn tại, bất cập trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp khi thực hiện quá trình sáp nhập các hộ dân của xóm 2 cũ sang xóm 1 mới.
Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu Tăng Văn Luyện cho biết, tại xã Diễn An có hàng chục trường hợp hộ dân ở xóm cũ mua đất đến ở xóm khác, song vẫn sinh hoạt ở xóm cũ. Điều này gây khó khăn cho việc quản lý dân cư.
Huyện Diễn Châu đồng tình với phương án của xã Diễn An là chia các xóm theo ranh giới các trục đường, tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt các tổ dân cư. Bên cạnh đó, quy mô xóm cũng phù hợp sau khi được sáp nhập.
Sau sáp nhập, người dân có gặp một số khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và phong tục tập quán. Tuy nhiên, theo ông Tăng Văn Luyện thì những khó khăn đó có thể khắc phục được. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quốc Chung cho rằng, trong 134 hộ dân của xã Diễn An phải xen dắm thì chỉ có 20 hộ dân ở xóm 2 cũ chưa đồng thuận. Việc sáp nhập xóm của xã Diễn An là hợp lý và đúng quy trình.
Về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với huyện Diễn Châu rà soát toàn bộ quy trình sáp nhập xóm, nếu có gì chưa phù hợp thì giải quyết sớm, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. Nội dung này phải báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/11/2020.
Đối với cán bộ xã Diễn An, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu phải gần dân, tôn trọng, lắng nghe nhân dân, giữ đúng mực khi tiếp xúc, có cách thức tuyên truyền, vận động người dân phù hợp. Người dân cũng cần phối hợp với các cấp chính quyền để sớm giải quyết sự việc ổn thỏa.
Công dân Nguyễn Văn Hóa (trú xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn) cũng đến kiến nghị cấp thẩm quyền khẩn trương thực hiện di dời, bố trí tái định cư đối với các hộ gia đình trú tại làng Hợp Thành, nay là xóm Đông Lâm bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường do Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung của Công ty CP Thực phẩm sữa TH gây ra.
Theo Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn Võ Tiến Sỹ, có 92 hộ dân ở xóm Đông Lâm nằm sát với trang trại chăn nuôi bò và khu chế biến thức ăn của Công ty CP Thực phẩm sữa TH. Do khu chăn nuôi cao hơn nhà dân nên đã ảnh hưởng đến môi trường và theo Sở TN&MT thì các hộ dân này cần phải di dời.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí bởi để di dời 92 hộ dân này đến khu tái định cư tập trung thì cần đến 150 tỷ đồng. Nếu các hộ dân này tự tái định cư thì cần khoảng 90 tỷ đồng. Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn đề xuất tỉnh bố trí ngân sách để thực hiện di dời các hộ dân này.
Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung giao UBND huyện Nghĩa Đàn rà soát, tính toán lại phương án di dời 92 hộ dân theo 2 hình thức trên, xác định tổng nguồn kinh phí để thực hiện.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, huyện Nghĩa Đàn làm việc với Công ty CP Thực phẩm sữa TH để xác định rõ nguồn vốn cần thực hiện. Nội dung này phải báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/11 để có cơ sở giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người dân.