(Baonghean.vn) – Sáng 16/11, trong khuôn khổ chuyến làm việc tại huyện Kỳ Sơn, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo xã Mường Lống. Đi cùng đoàn có các lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo huyện Kỳ Sơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường kiểm tra mô hình trồng cỏ nuôi trâu, bò vỗ béo của tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường kiểm tra mô hình trồng cỏ nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn.

Mường Lống là một xã rẻo cao, nằm cách trung tâm thị trấn Mường Xén 40km về phía đông. Xã có 13 thôn với 894 hộ và 4.538 nhân khẩu, trong đó chủ yếu người dân tộc Mông. Tại đây, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Xuân Đường dẫn đầu đã đến thăm các mô hình trồng cỏ voi để nuôi bò vỗ béo và thí điểm mô hình trồng chanh leo của các hộ dân.

Chủ tịch UBND tỉnh đến kiểm tra trực tiếp mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Mường Lống, Kỳ Sơn.

Báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống cho hay, thời gian gần đây, xã Mường Lống chủ yếu tập trung phát triển mô hình trồng cỏ voi nuôi bò vỗ béo. Đặc biệt, xã đang thí điểm mô hình trồng cây chanh leo tại 2 hộ dân.  

Theo đó, nuôi trâu, bò nhốt là một trong những nét đẹp văn hóa lâu đời của bà con nhân dân các thôn bản xã Mường Lống. Năm 1993, sau khi Đảng và Nhà nước có chủ trương xóa bỏ trồng cây thuốc phiện, mô hình nuôi trâu, bò nhốt tự phát không ngừng được nhân rộng bằng việc đưa giống cỏ voi vào trồng đại trà. Cỏ voi tạo nguồn thức ăn chủ yếu và quan trọng trong việc chăn nuôi trâu, bò, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường trao đổi với gia đình chị Vừ Tồng Po, một trong hai gia đình làm thí điểm mô hình chanh leo tại xã Mường Lống, Kỳ Sơn.

“Giống cỏ voi là loại cỏ dễ trồng, phát triển nhanh và thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Chỉ trồng một mùa có thể thu hái cho trâu, bò đến vài năm sau, không phải bỏ nhiều công sức lao động, đem lại nguồn thức ăn cơ bản và quan trọng trong việc chăn nuôi trâu, bò”, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống nói.

Hiện nay cỏ voi đã trở thành loại cỏ được trồng lan rộng khắp toàn xã, với tổng diện tích hàng chục nghìn hecta. Nguồn thu nhập chính của bà con xã Mường Lống chủ yếu từ hiệu quả chăn nuôi trâu, bò vỗ béo thành hàng hóa. Nhờ mô hình này, bà con nhân dân đã hạn chế việc phát nương làm rẫy trên đất dốc, năng suất hiệu quả thấp.

Mặt khác, góp phần giữ được cơ bản diện tích rừng bảo vệ và các nguồn lợi thu được trong việc khai thác lộc rừng và công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Tại bản Mường Lống 1, hiện có 100% số hộ trồng cỏ nuôi bò vỗ béo, thu nhập bình quân hộ/năm ước tính khoảng 50-60 triệu đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường khuyến khích nhân dân xã Mường Lống nhân rộng mô hình chanh leo và khẳng định tỉnh có chính sách hỗ trợ cho bà con.

Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống, đầu năm 2016, huyện đã đưa cây chanh leo vào để 2 hộ tại bản Mường Lống 1 trồng thí điểm. Sau hơn 7 tháng cho thấy cây chanh leo đang phát triển tốt và đã cho lứa quả đầu tiên. Với từ 9 - 11 quả đạt 1 kg, chất lượng được Công ty cổ phần Nafoods Group đánh giá là đạt tiêu chuẩn loại 1.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo xã Mường Lống, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần nhanh chóng triển khai nhân rộng 2 mô hình này.

“Chúng tôi hết sức phấn khởi vì trong năm nay, xã đã làm được những việc mới, khẳng định được sự thắng lợi ban đầu. Sau khi đi thăm, chúng tôi thấy mô hình trồng chanh leo và trồng cỏ voi là rất phù hợp với địa phương. Đất đai và khí hậu cũng phù hợp. Vì vậy mong lãnh đạo xã, cán bộ Đảng viên xã Mường Lống đoàn kết, thống nhất, tích cực xây dựng để xã thành một địa phương đi đầu trong phát triển ở Kỳ Sơn”, đồng chí Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường làm việc với xã Mường Lống, Kỳ Sơn.

Để các mô hình này được phát triển hơn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị xã Mường Lống cần phải quy hoạch lại nghĩa trang ở một vùng khác, giành các khu đất bằng phẳng, màu mỡ để trồng chanh leo. “Nếu thực hiện tốt các mô hình, hiệu quả mang lại không chỉ kinh tế mà còn hưởng lợi từ du lịch. Mường Lống vốn đã là một địa danh nổi tiếng, có khí hậu đặc biệt và các loại cây quý hiếm", Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường trao 30 suất quà cho 30 hộ nghèo xã Mường Lống, Kỳ Sơn.

Mường Lống vẫn là một xã nghèo đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều vẫn còn rất cao 58,52% (522/894 hộ). Vẫn còn 3 bản chưa có đường đi bằng xe máy và 8 bản chưa có điện lưới quốc gia. Đặc biệt, đầu năm 2016, Mường Lống hứng chịu hậu quả kép về thiệt hại do đợt băng giá lịch sử và dịch bệnh đối với gia súc với tổng thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường kiểm tra cầu tránh lũ dành cho học sinh tại bản Piêng Hòm, xã Phà Đánh.

Làm việc với đoàn công tác, xã Mường Lống đề nghị ưu tiên vốn đầu tư xây dựng cơ bản và huy động kêu gọi được của năm 2017, 2018 để mở đường giao thông đi hai bản Thăm Pạng, Thà Lạng, nâng cấp tuyến đường dân sinh liên thôn bản từ ngã Tham Hốc, Xám Xúm đi bản Xám Xúm và bản Huồi Khun. Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của xã và làm bờ rào khuôn viên đảm bảo an toàn trong mọi tình huống. Hỗ trợ xây dựng Trường Mầm non hoặc Trường Tiểu học Mường Lống 1 và trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020. Hỗ trợ xây dựng HTX trồng cỏ nuôi trâu bò hàng hóa và quảng bá sản phẩm ra thị trường….

Về các kiến nghị này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết sẽ ghi nhận và làm việc với lãnh đạo huyện Kỳ Sơn để tiếp tục giải quyết. Cuối buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Đường đã tặng 30 suất quà cho 30 hộ nghèo tại xã Mường Lống.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường kiểm tra bữa ăn cho học sinh mầm non tại bản Piêng Hòm, xã Phà Đánh, Kỳ Sơn.

Cũng trong sáng 16/11, đoàn công tác đã đến thăm mô hình cầu tránh lũ cho học sinh tại bản Piêng Hòm (xã Phà Đánh) và đến thăm điểm trường Mầm non Piêng Hòm.

Tiến Hùng – Thành Duy

TIN LIÊN QUAN