(Baonghean.vn) - Ngày 14/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam trong năm 2016.
Tỉnh Nghệ An xếp thứ 25, tăng 7 bậc so với năm 2015 - đạt thứ hạng tốt nhất từ trước đến nay. Phóng viên Báo Nghệ An phỏng vấn nhanh đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
PV: Thưa đồng chí, công bố mới nhất của VCCI là một tín hiệu đáng mừng đối với quá trình cải thiện môi trường đầu tư của Nghệ An. Đồng chí có thể nói gì thêm về vấn đề này?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Chúng tôi rất phấn khởi khi bảng xếp hạng của VCCI năm nay được công bố, trong đó Nghệ An có bước tiến khá ấn tượng: Tăng 7 bậc so với năm 2015, chỉ đứng sau Thừa Thiên - Huế trong nhóm các tỉnh khu vực Bắc miền Trung. Kết quả này thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp đối với những nỗ lực của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua.
Cụ thể, Nghệ An có tổng điểm đạt 59,45 - cao nhất từ trước đến nay và được xếp vào nhóm khá. Năm 2015 Nghệ An đứng thứ 32, bị tụt mất 4 bậc so với vị trí thứ 28 của năm 2014. Như vậy năm 2016 này tỉnh ta đã có sự “bứt phá” trở lại trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư với các tỉnh.
Để đạt được kết quả đó, năm qua, tỉnh Nghệ An tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên phát triển nội lực và coi trọng thu hút ngoại lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Lãnh đạo các cấp, ngành đã chỉ đạo sát sao các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc xây dựng, triển khai những giải pháp cụ thể để cải thiện chỉ số PCI.
Cùng với đó, nền hành chính công của tỉnh đã có nhiều bước tiến rõ nét, phải kể đến: Cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính. Các cơ quan nhà nước được quán triệt tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân thực hiện thủ tục hành chính. Công tác chỉ đạo, kiểm tra được tăng cường để bám sát tình hình thực tế, qua đó có điều chỉnh kịp thời.
PV: Trong các số liệu do VCCI đưa ra, các chỉ số về tính minh bạch, gia nhập thị trường và đào tạo lao động của Nghệ An năm 2016 có sự cải thiện khá tốt. Theo đồng chí, tỉnh cần phát huy đà chuyển biến tích cực này như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2016, tỉnh Nghệ An có 6 chỉ số tăng so với năm 2015. Trong đó tăng mạnh nhất là chỉ số về đào tạo lao động, tăng từ 5,81 điểm lên 6,51 điểm. Đây là kết quả của định hướng xây dựng Nghệ An thành trung tâm giáo dục, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho vùng - một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết 26 đề ra.
Nghệ An chúng ta có lợi thế là tỉnh đông dân, lực lượng lao động luôn dồi dào. Tuy nhiên xu thế hiện nay sẽ ngày càng đề cao chất lượng, chú trọng lao động tay nghề cao. Chúng ta càng tập trung cho công tác đào tạo lao động thì sẽ càng có cơ hội thu hút được các nhà đầu tư, các dự án có hàm lượng công nghệ, trí tuệ cao. Và đó mới là hướng đi có tính bền vững, hội nhập.
Một số nhà đầu tư Nhật Bản đang tiến hành khảo sát ở Nghệ An cũng có ý định liên kết với chúng ta trong khâu đào tạo. Nếu điều đó thành hiện thực thì sẽ mở ra một hướng đi rất triển vọng cho người lao động tỉnh nhà, vì khi đó chúng ta không chỉ cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp hoạt động nội tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh thành khác, thậm chí ra thị trường quốc tế.
Ngoài ra, chỉ số về tính năng động của chính quyền tỉnh, tính minh bạch cũng có tăng so với năm 2015. Trong thời gian tới chúng ta sẽ đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp trong cải cách hành chính để ngày càng thân thiện hơn với doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, sớm thực hiện bước đầu Chính phủ điện tử, từ đó tăng cường tính công khai, minh bạch.
PV: Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến phản ánh từ doanh nghiệp về tình trạng lãnh đạo tỉnh thì vào cuộc tích cực nhưng một số cán bộ trực tiếp làm việc với doanh nghiệp vẫn gây phiền hà, nhũng nhiễu. Đồng chí nghĩ sao về hiện tượng này?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Tôi nghĩ họ phản ánh như vậy là đúng, bằng chứng là ngay trong các chỉ số thành phần PCI 2016 thì chỉ số về chi phí thời gian, chi phí không chính thức và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tốt. Thậm chí có chỉ số giảm so với năm 2015.
Theo tôi, việc cán bộ gây phiền hà cho doanh nghiệp có hai trường hợp. Một là bản thân họ cũng chưa nắm rõ các chính sách, thủ tục để giải quyết cho doanh nghiệp nhanh nhất, tiện nhất. Hai là họ có chủ đích nhũng nhiễu doanh nghiệp. Trường hợp thứ hai này, nếu phát hiện chúng tôi sẽ có hình thức xử lý nghiêm. Nếu không khắc phục, chúng tôi sẽ giao nhiệm vụ, vị trí cho người khác để không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bộ máy công quyền.
Tôi xin khẳng định, tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục có giải pháp nâng cao đạo đức công vụ, quán triệt tinh thần phục vụ đến các bộ, công chức các cấp. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra và phản ứng ngay khi có ý kiến của doanh nghiệp và người dân.
PV: Cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện!
PV