Phát biểu tại Hội nghị “Gặp gỡ Nghệ An - Nhật Bản: Hợp tác và Phát triển” do UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức vừa qua, ông Tetsu Funayama với vốn tiếng Việt khá lưu loát đã đánh giá PCI là chỉ số đáng tin cậy để thúc đẩy các tỉnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tuy vậy, qua nghiên cứu kỹ lưỡng, so với 3 tỉnh có chỉ số PCI cao nhất, ông Tetsu Funayama khuyến nghị có 3 chỉ số thành phần của PCI Nghệ An cần cải thiện nhằm thu hút đầu tư là: Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Chỉ số tiếp cận đất đai và Chỉ số chi phí thời gian.
Theo lãnh đạo Mitsubishi Corporation Việt Nam, đối với Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Nghệ An đạt 7,49 điểm. Đây chính là điểm sáng thể hiện mức độ quan tâm của chính quyền và các ban, ngành tỉnh Nghệ An trong việc lắng nghe nguyện vọng, cũng như hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tại Nghệ An, có nhiều công ty cung ứng dịch vụ hơn so với mặt bằng chung tại 63 tỉnh, thành (nhiều hơn 30% so với trung bình cả nước).
Số lượng doanh nghiệp mong muốn sử dụng dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, dịch vụ liên quan đến kỹ thuật nhiều hơn so với con số trung bình của 3 tỉnh đứng đầu khoảng 30%.
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ tư vấn pháp luật, kế hoạch, tài chính còn thấp hơn khoảng 30% so với trung bình của 63 tỉnh, thành.
Do vậy, Nghệ An cần có phương án thúc đẩy việc sử dụng các dịch vụ này để giúp kinh doanh phát triển.
Đối với Chỉ số tiếp cận đất đai, ông đánh giá luôn được cải thiện trong 4 năm vừa qua ở Nghệ An. Thời gian chuẩn bị để doanh nghiệp có được quyền sử dụng đất đai tại Nghệ An chỉ là 20 ngày, ít hơn 10 ngày so với 3 tỉnh đứng đầu.
Tuy vậy, theo ông Tetsu Funayama, 20% doanh nghiệp tham gia khảo sát còn chưa hài lòng về công tác giải phóng mặt bằng, trong khi tỷ lệ tại 3 tỉnh đứng đầu chỉ là 7%. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có ý kiến gặp phải vướng mắc trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Để giải quyết vấn đề này, theo lãnh đạo Mitsubishi Corporation Việt Nam, Nghệ An nên công khai thông tin về đất đai và thủ tục cấp đất trên website; công bố rõ ràng quy trình giải quyết hồ sơ và giải quyết thắc mắc các doanh nghiệp thông qua tổ chức các hội thảo.
“Đứng từ góc độ doanh nghiệp, chúng tôi mong tỉnh Nghệ An có thể nghiên cứu đơn giản thủ tục hồ sơ hơn nữa. Tối ưu hóa quá trình thanh tra, kiểm tra. Nếu làm được như vậy, Nghệ An sẽ là địa phương đi đầu thực hiện thu hút các nhà đầu tư”, lãnh đạo Mitsubishi Corporation Việt Nam.
Ông Tetsu Funayama khẳng định: Việc nâng cao PCI không chỉ là chìa khóa cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn giúp các doanh nghiệp có được môi trường đầu tư thuận lợi để phát triển bền vững; từ đó, thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Nghệ An.
“Với đà phát triển như hiện tại, tôi tin tưởng Nghệ An sẽ sớm hoàn thành mục tiêu một tỉnh công nghiệp, trung tâm kinh tế - xã hội của không chỉ là vùng Bắc Trung bộ mà cả nước Việt Nam”, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Mitsubishi Corporation Việt Nam nói khi kết thúc bài phát biểu tại hội nghị.
Tháng 2 vừa qua, ông Tetsu Funayama dẫn đầu đoàn công tác Mitsubishi Corporation Việt Nam dự Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Kỷ Hợi 2019 được tổ chức tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An.
Tại đây, tỉnh Nghệ An đã ký Biên bản hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty TNHH Mitsubishi Corporation Việt Nam.